Pin chính hãng - 'Bùa hộ mệnh' của người dùng xe máy điện

Sử dụng pin xe máy điện chính hãng là cách để người dùng đảm bảo an toàn cháy, nổ cũng như tránh mất tiền oan vì các loại pin trôi nổi 'quảng cáo nhiều, hiệu quả chẳng bao nhiêu'.

Độ, chế pin tràn lan: Có được như quảng cáo?

Thị trường xe máy điện nở rộ là cơ hội cho các ngành phụ trợ phát triển theo, đặc biệt là dịch vụ độ, chế pin. Trên các hội nhóm sử dụng xe máy điện, những bài viết xoay quanh chủ đề này được bàn luận sôi nổi. Các bài đăng quảng cáo từ các cửa hàng sửa xe, kinh doanh pin không chính hãng cũng tràn lan trên mạng xã hội.

Dễ dàng tìm thấy những bài quảng cáo dịch vụ độ, chế pin trên mạng xã hội.

Dễ dàng tìm thấy những bài quảng cáo dịch vụ độ, chế pin trên mạng xã hội.

Trong đó, việc tăng công suất hay tăng quãng đường đi được của xe là hai mục đích chính của việc độ, chế pin không chính hãng. Ngoài ra, mức giá rẻ được quảng cáo cũng là yếu tố thu hút nhiều người dùng. Tuy nhiên, thực tế không như mơ. Không ít người dùng đã gặp cảnh vừa mất tiền, lại… mất thêm cả pin.

“Thấy quảng cáo là pin của Hàn Quốc nên mình mua về, nhưng chỉ lần đầu sử dụng ổn chứ càng về sau càng yếu. Mình nghĩ là gặp lỗi sạc, lên check website thì đã ‘bay màu’, liên hệ sale thì không thấy trả lời”, tài khoản Hiếu Đ. Vũ (Hà Nội) đăng bài “kêu cứu” trên mạng xã hội sau trải nghiệm mất tiền oan.

Trên thực tế, đa phần cơ sở nhận độ, chế hiện nay không được cấp chứng nhận bởi các tổ chức có uy tín, không được ủy quyền bởi các hãng sản xuất xe máy điện. Các thiết bị pin sử dụng để độ không rõ nguồn gốc xuất xứ, được xử lý thủ công bởi một người hoặc một nhóm người, không qua quy trình quản lý chất lượng nào.

Bên cạnh đó, chất lượng cell không đảm bảo đi kèm với việc không tính toán khả năng tản nhiệt nên pin trôi nổi trên thị trường thường có hiệu suất thấp hơn kỳ vọng.

Đặc biệt, pin sau khi độ, chế thường không tương thích với xe như pin chính hãng nên có tuổi thọ ngắn. Từ đó, người dùng phải thay thế thường xuyên, gây tăng chi phí sử dụng về dài hạn và lãng phí không đáng có. Chưa hết, việc liên tục đổi pin sẽ gây ô nhiễm môi trường do pin cũ không được thu gom đúng chỗ cũng như không có quy trình tái chế đúng chuẩn.

Nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn với pin… dán băng dính

Theo các chuyên gia, những trường hợp như trên còn là “may mắn” vì chỉ bị ảnh hưởng tới tài chính. Nguy hiểm nhất là nhiều trường hợp ghi nhận xe máy điện bị cháy do sử dụng pin không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, gây nên hậu quả nghiêm trọng.

“Thời gian qua thấy cháy nổ diễn ra nhiều nên tôi đâm lo, thử mở khối pin mới mua từ một cửa hàng sửa xe. Kết quả, pin được làm lại, đóng gói cẩu thả bằng băng dính đóng hàng, các dây sạc từ BMS (Battery Management System - hệ thống quản lý pin) vào từng cell cứ hàn vào rồi thả vắt chéo qua các cell khác, dây cảm biến nhiệt độ thì để bên sườn cell pin… Làm ẩu thế này thì chập cháy sẽ ảnh hưởng tới sinh mạng người khác”, tài khoản Quân Võ cảnh báo trong một nhóm người dùng xe máy điện có 25.000 thành viên.

Những khối pin không chính hãng thường được độ, chế từ pin không rõ xuất xứ và xử lý thủ công. Ảnh: Facebook Quân Võ

Những khối pin không chính hãng thường được độ, chế từ pin không rõ xuất xứ và xử lý thủ công. Ảnh: Facebook Quân Võ

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cũng đưa ra lời khuyên dành cho các chủ xe máy điện không tự ý thay đổi kết cấu của xe. Cơ quan này khuyến cáo không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe. Theo đó, thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm pin ắc-quy phát nổ.

“Lợi bất cập hại, đánh đổi là nguy cơ mất an toàn dành cho người và xe”, ông Phạm Văn Minh, sở hữu một cửa hàng kinh doanh xe máy điện ở Bắc Ninh nhận định.

Theo ông, việc độ, chế pin cũng khiến xe có thể bị từ chối bảo hành. Trong khi đó, các hãng sản xuất xe máy điện hiện nay đều có chính sách bảo hành nhiều năm đối với cả xe và pin chính hãng.

“Tôi lấy ví dụ các dòng xe VinFast tôi nhập về đều được bảo hành lên tới 5 năm đối với xe và pin”, ông Minh cho biết đây là mức bảo hành tốt hàng đầu thị trường nên được nhiều khách hàng quan tâm. Hiện nay, VinFast cũng đang chiếm phần lớn thị phần xe máy điện bán ra tại Việt Nam.

Được biết, các dòng sản phẩm LFP của VinFast đều đạt những chứng chỉ an toàn cao như: UN 38.3, QCVN91:2019/BGTVT.

Trường hợp mua xe thuê pin, VinFast cũng cam kết chịu trách nhiệm sửa chữa/thay thế/bảo dưỡng pin trong trường hợp hỏng hóc do lỗi của nhà sản xuất hoặc dung lượng tối đa xuống dưới 70%, khiến người dùng an tâm sử dụng trong thời gian dài.

“Ngược lại, nếu mua pin trôi nổi bên ngoài, cửa hàng thường quảng cáo bảo hành 1-2 năm nhưng thực chất hầu như là ‘đem con bỏ chợ’, có sự cố thì sẽ đổ lỗi cho khách hàng sử dụng sai. Cho nên, để đỡ ‘tiền mất tật mang’ thì tôi vẫn khuyên khách hàng nên sử dụng pin chính hãng”, ông Minh chia sẻ

Ngọc Linh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/pin-chinh-hang-bua-ho-menh-cua-nguoi-dung-xe-may-dien-a25434.html