Thận trọng với yếu tố lãi suất, tỷ giá nửa cuối năm

Chính sách lãi suất khó đoán định của Fed sẽ ảnh hưởng đến lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam, nên NHNN sẽ theo dõi sát các chỉ báo kinh tế và điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến vĩ mô, lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2025.

Dư nợ tín dụng nửa đầu năm tăng cao nhất kể từ 2023

Tín dụng toàn nền kinh tế vượt mức 17,2 triệu tỉ đồng tính đến ngày 30-6-2025, lần lượt tăng 9,9% so với cuối 2024 và 19,32% so với cùng kỳ năm 2024, và theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Xét theo số tuyệt đối, đã có gần 1,55 triệu tỉ đồng dư nợ được đưa vào nền kinh tế trong vòng sáu tháng đầu năm 2025.

Các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,19% và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4,39% trong quí 2-2025. Ảnh: LÊ VŨ

Các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,19% và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4,39% trong quí 2-2025. Ảnh: LÊ VŨ

Về cơ cấu tín dụng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 6,37%, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm khoảng 12,84%, ngành xây dựng chiếm 7,53%. Còn các ngành dịch vụ khác, bán buôn bán lẻ chiếm khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là nhóm có tỷ trọng lớn. Cụ thể, nhóm nông nghiệp - nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51%.

Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp hai lần so với mức bình quân, lần lượt là 15,69% và 17,59%.

Các tổ chức tín dụng cũng tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, quy mô chương trình tín dụng với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã tăng từ 15.000 tỉ đồng lên 100.000 nghìn tỉ đồng.

Các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực.

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, cho vay với người trẻ dưới 35 tuổi để mua nhà ở xã hội hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số, các chương trình có chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

Lý giải kết quả này, Phó thống đốc NHNN cho biết việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới hiện ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối 2024.

Nói về con kết quả tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm tại buổi họp báo diễn ra sáng 8-7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), đánh giá đây là mức tăng trưởng cao, với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn. Hơn nữa, với mục tiêu lạm phát năm nay khoảng 4,5% - cao hơn so với năm 2024, nên NHNN sẽcó nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.

“Vốn là mạch máu của nền kinh tế, nên để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu”, ông Quang nói cho biết hệ thống ngân hàng sẽ tăng cường kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Cẩn trọng trước biến động quốc tế

Triển vọng tín dụng nửa cuối năm vẫn tích cực, nhưng bối cảnh quốc tế nhiều biến động vẫn là bài toán khó với ngành ngân hàng.

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn là yếu tố khó đoán định nửa cuối năm 2025. Ảnh: Lê Vũ

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn là yếu tố khó đoán định nửa cuối năm 2025. Ảnh: Lê Vũ

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà, cho biết ngay đầu giờ sáng 8-7, Mỹ đã công bố mức thuế 25-40% với 14 quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1-8. Đồng thời, cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa. Ngoài ra dù lạm phát đã giảm về gần mục tiêu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.

“Kinh tế toàn cầu rất bất ổn và tác động xấu đến điều hành chính sách tiền tệ, do đó NHNN tiếp tục theo sát để điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp", ông Hà nói.

Bổ sung, ông Phạm Chí Quang cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng khắc phục khó khăn về thu nhập thông qua việc hạ thuế và giảm các khoản trái phiếu, để có thêm dư địa hạ lãi suất, qua đó hỗ trợ nền kinh tế.

Nhưng sự khó lường trong định hướng giảm lãi suất của Fed vẫn tác động lớn tới lãi suất và tỷ giá của Việt Nam. Cụ thể, cơ quan này đã trì hoãn giảm lãi suất hai lần, do chính sách thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngoài ra, biểu thuế suất mới sẽ tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn.

“Xu hướng vận động của chỉ số lạm phát và dữ liệu việc làm ở Mỹ rất bấp bênh. Trong khi chính sách điều hành lãi suất của Fed lại dựa trên các số liệu này, đặc biệt là dữ liệu việc làm”, ông Quang nói và lưu ý việc không thể chủ quan với tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm.

Trước bối cảnh khó khăn, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Một thông điệp NHNN nhấn mạnh với các tổ chức tín dụng là “tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay”. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tỷ giá linh hoạt và kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

"Nếu lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng thương mại giữ được mức thanh khoản tốt, nợ xấu trong tầm kiểm soát, NHNN sẽ cân nhắc nới thêm ‘room’ tín dụng cho các ngân hàng còn dư địa", ông Quang nói.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/than-trong-voi-yeu-to-lai-suat-ty-gia-nua-cuoi-nam/