PKK giải tán sau hơn 4 thập kỷ xung đột với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 12-5, nhóm vũ trang Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn xung đột với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 40 năm, đã quyết định tự giải tán và chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang của mình.

Lãnh đạo PKK Abdullah Ocalan kêu gọi ngừng bắn với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Cắt từ video
Trong một thông báo trên Firat, cơ quan truyền thông thân cận với PKK, các tay súng này cho biết, họ "sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử", đồng thời tuyên bố về kế hoạch giải tán và giải giáp. Động thái mới nhất này diễn ra chỉ vài ngày sau khi PKK triệu tập một đại hội đảng ở miền bắc Iraq.
Trước đó, Thủ lĩnh PKK Abdullah Ocalan, người đã bị cầm tù lâu năm, đã kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn. Một tuyên bố nêu rõ "quan điểm và đề xuất" của ông đã được đọc trong đại hội.
Quyết định của PKK sẽ có những tác động sâu rộng đối với khu vực, bao gồm cả ở quốc gia láng giềng Syria, nơi lực lượng người Kurd liên minh với lực lượng Mỹ để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Bộ Ngoại giao nước này chưa có bình luận về thông báo nêu trên.
PKK được thành lập vào năm 1978 tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi Abdullah Ocalan, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh của người Kurd.
Trong nhiều thập kỷ, người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ không được công nhận quyền tự trị, bị hạn chế sử dụng ngôn ngữ riêng và không có đại diện chính trị đáng kể. Do đó, phong trào PKK ra đời với mục tiêu ban đầu là thành lập một quốc gia độc lập cho người Kurd. Dưới sự lãnh đạo của Abdullah Ocalan, PKK đã tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang với “giấc mơ” đưa nhà nước "Kurdistan" trở thành hiện thực.
Trong những năm 1980 và 1990, PKK tiến hành nhiều chiến dịch quân sự chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các vụ tấn công vào lực lượng an ninh và cơ sở hạ tầng. Theo thống kê, các cuộc xung đột giữa PKK và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng trong hơn 40 năm qua. Năm 1984, PKK bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, cuối những năm 1990, PKK rơi vào tình thế khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các chiến dịch quân sự, tiêu diệt nhiều lãnh đạo chủ chốt của nhóm này. Bước ngoặt lớn xảy ra vào năm 1999, khi Abdullah Ocalan, lãnh đạo của PKK, bị bắt giữ. Việc Ocalan bị kết án tử hình (sau giảm xuống tù chung thân) đánh dấu sự suy yếu đáng kể của PKK, buộc tổ chức này phải tìm kiếm một chiến lược mới.
Sau khi Abdullah Ocalan bị bắt, PKK tuyên bố ngừng bắn đơn phương và chuyển hướng sang hoạt động chính trị. Trong thời gian này, tổ chức tìm cách xây dựng hình ảnh như một phong trào đấu tranh hợp pháp thay vì chỉ là một nhóm vũ trang. Mặc dù PKK đã rút quân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và cố gắng đàm phán, chính phủ Ankara vẫn tiếp tục xem tổ chức này là một mối đe dọa và không có dấu hiệu nới lỏng chính sách đàn áp.
Đến năm 2004, do thất vọng với sự cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ, PKK tuyên bố quay trở lại con đường đấu tranh vũ trang, mở đầu cho một chu kỳ xung đột mới.
Tuy nhiên khi nhận thấy rằng xung đột kéo dài không mang lại lợi ích cho cả hai bên, vào năm 2009, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với PKK tại Oslo, Na Uy. Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ngồi vào bàn đàm phán với một tổ chức mà họ từng coi là khủng bố.
Trong thời gian đàm phán, PKK tuyên bố ngừng bắn tạm thời, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ có những cải cách về quyền ngôn ngữ và văn hóa cho người Kurd. Tuy nhiên, đến năm 2011, tiến trình này bị đình trệ khi các cuộc tấn công lẻ tẻ vẫn tiếp tục diễn ra và Thổ Nhĩ Kỳ mất niềm tin vào khả năng duy trì hòa bình của PKK. Đàm phán chính thức đổ vỡ và bạo lực lại bùng phát trên diện rộng.
Đến năm 2013, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế và nhận thức được rằng xung đột kéo dài sẽ không có lợi, Thổ Nhĩ Kỳ và PKK quyết định tiến hành đàm phán hòa bình chính thức, với sự tham gia của Abdullah Ocalan từ trong tù. Trong thời gian này, PKK tuyên bố ngừng bắn một lần nữa và bắt đầu rút quân khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để chứng tỏ thiện chí. Đổi lại, chính quyền Ankara hứa hẹn sẽ cải thiện quyền lợi cho người Kurd và có thể cấp một số quyền tự trị nhất định.
Tuy nhiên, đến năm 2015, tiến trình hòa bình sụp đổ do hai lý do chính. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện đầy đủ các cam kết về quyền lợi của người Kurd, khiến PKK mất lòng tin. Thứ hai, tình hình Syria trở nên phức tạp khi lực lượng người Kurd tại Syria (YPG) - một nhánh có liên hệ với PKK - nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng PKK có thể lợi dụng tình hình để thiết lập một nhà nước độc lập ngay sát biên giới và Ankara quyết định quay lại chiến dịch quân sự.
Sau khi đàm phán thất bại, xung đột giữa PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang từ 2015 đến 2020, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và làm mất đi cơ hội đạt được một nền hòa bình lâu dài.
Bước vào thập kỷ 2020, PKK bắt đầu suy yếu nghiêm trọng do nhiều yếu tố. Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các chiến dịch quân sự, đặc biệt là các cuộc tấn công xuyên biên giới vào căn cứ PKK ở miền Bắc Iraq. Ngoài ra, Mỹ giảm hỗ trợ cho lực lượng người Kurd tại Syria, khiến PKK mất đi một đồng minh quan trọng.
Trước tình thế ngày càng bất lợi, vào tháng 3-2025, PKK bất ngờ tuyên bố ngừng bắn, theo lời kêu gọi của Abdullah Ocalan từ trong tù.