PV GAS và chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam

Vào lúc 10h00 ngày 10/7/2023, con tàu đảm nhận sứ mệnh chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam mang tên Maran Gas Achilles đã tiến vào cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sự kiện này đã trở thành một biểu tượng mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam mà PV GAS tiếp tục giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho hành trình năng lượng xanh, vì môi trường sống xanh và sự phát triển bền vững.

 Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam.

Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam.

1.Nằm trong kế hoạch và chiến lược phát triển thị trường khí tại Việt Nam, ngày 10/7/2023, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam. Tập đoàn năng lượng quốc tế Shell – một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới, đã được PV GAS lựa chọn làm nhà cung cấp cho chuyến hàng đặc biệt này.

Từ năm 2007, PV GAS đã bàn việc nhập khẩu khí hóa lỏng về cho các nhà máy điện, nhưng đó mới chỉ là nhập khí thấp áp với nhiệt độ chỉ khoảng -6 độ. Để nhập được khí LNG, thì đó lại là một công nghệ khác và đòi hỏi sự đầu tư rất lớn; hơn nữa LNG là nguồn nhiên liệu mới cho nên PV GAS và Tập đoàn Dầu khí đã xây dựng Chiến lược nhập khẩu khí LNG.

Tuy nhiên, việc này đã vấp phải những khó khăn vô cùng lớn, bởi đây là một thị trường mới, Việt Nam chưa có cơ chế chính sách gì cho loại khí siêu lạnh này. Chính vì vậy, khi bắt tay vào làm kho chứa LNG ở Thị Vải thì gặp vô vàn những trở ngại, trong đó quan trọng nhất là cơ chế.

Ngày 29/10/2019, Dự án xây dựng bồn chứa khí hóa lỏng LNG chính thức được khởi công sau 10 năm hoàn thiện các thủ tục.

Cho đến nay, nhiều cán bộ đã từng tham gia xây lắp bồn LNG-01 vẫn “kinh hoàng” khi phải đi “chạy” các loại thủ tục, giấy tờ của đủ các Bộ ngành để có được giấy phép làm bồn. Và thủ tục mà anh em thấy vất vả nhất là thủ tục phòng cháy chữa cháy. Khổ là vì Việt Nam chưa từng chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng lớn thế này, nên các quy định về phòng cháy chữa cháy không có. Thế là cái gì cũng phải chờ, cái gì cũng phải đợi bổ sung; và mất 10 tháng cho 1 thủ tục.

Sau khi khởi công, toàn công trường lao vào làm 3 ca. Mọi việc đang “ngon trớn” thì đùng một cái, vào tháng 3 năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát. Các quy định của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về chống dịch cực kỳ nghiêm ngặt. Lúc này chỉ cần 1 người trong số khoảng 1.500 công nhân đang có mặt trên công trường mắc COVID-19 là cả công trường bị đình lại ngay.

Với phương châm “3 tại chỗ”: Hậu cần tại chỗ, Chỉ huy tại chỗ; Nhân lực tại chỗ..., Ban quản lý dự án cũng như lãnh đạo PV GAS đã phải xuống ở cùng anh em để mọi người yên tâm làm việc. Vì thế mới có chuyện một cán bộ làm việc ở công trường chỉ cách nhà 30km mà 3 tháng không thể về nhà.

Trong những ngày dịch bệnh, việc đưa đón các chuyên gia từ nước ngoài vào dự án cũng là những câu chuyện rất không đơn giản với đủ loại thủ tục với tầng tầng lớp lớp các loại giấy tờ, khi chuyên gia vào phải cách ly... Nhưng tất cả những chuyện đó, Ban quản lý dự án đã vượt qua hết và điều kỳ lạ đến mức không ai có thể hiểu nổi là trong suốt thời gian dịch bệnh, toàn bộ công trường xây dựng bồn chứa khí hóa lỏng LNG-01 không hề có một người nhiễm COVID-19. Mà số lượng người trên công trường đâu có lúc lên tới 1500 người.

 Đến thời điểm này, bồn chứa khí siêu lạnh LNG-02 01 do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là chủ dự án đang là bồn chứa khí lớn nhất Việt Nam

Đến thời điểm này, bồn chứa khí siêu lạnh LNG-02 01 do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là chủ dự án đang là bồn chứa khí lớn nhất Việt Nam

2.Đến thời điểm này, bồn chứa khí siêu lạnh LNG-02 01 do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là chủ dự án đang là bồn chứa khí lớn nhất Việt Nam với sức chứa khả dụng là 180.000 tấn khí hóa lỏng ở nhiệt độ âm 162 độ C, sức chứa cao nhất là hơn 200.000 m3.

Để bạn đọc hình dung được sức chứa khủng khiếp của bồn chứa khí LNG-01 mới xây dựng xong, ta có thể ví dụ thế này: để đổ khí hóa lỏng đầy bồn 180.000 tấn, thì phải cần 9.000 chiếc xe bồn chở khí hóa lỏng với khối lượng mỗi xe 20 tấn và nếu xếp hàng số xe này trên đường sẽ dài…180km- bằng 2 phần 3 chặng đường TP Hồ Chí Minh – Đà Lạt!

Theo những thông số kỹ thuật đã được công bố thì bồn chứa khí LNG có đường kính đáy 82m, cao 50m, diện tích bằng 2/3 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.

Để xây dựng bồn, người ta đã phải dùng 3500 tấn thép loại siêu tốt, 30 ngàn mét khối bê tông. Bồn có thành dày 2 mét, phía trong cùng được lót bằng các tấm thép pha 9% Niken, ở giữa được đổ đá trân châu để giữ nhiệt (sở dĩ loại đá này có cái tên sang trọng như vậy chẳng phải do là đá trang sức mà là một loại đá rất nhẹ có tác dụng cách nhiệt đặc biệt, chủ yếu có ở Trung Đông).

Toàn bộ bồn được đặt trên 1552 chiếc cọc bê tông có đường kính 60cm và đóng sâu vào lòng đất 50 đến 60 mét.

Bồn được thiết kế cơ sở bởi Công ty Nhật là Tokyo Gas Engineering - đây là công ty danh tiếng bậc nhất ở Nhật trong chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng từ năm 1959. Công ty là công ty Whessoe Engineering (UK) làm thiết kế bồn chi tiết, còn thiết kế thi công là do một công ty thuộc Tập đoàn Samsung đảm nhiệm. Và kinh phí cho toàn bộ dự án này là 285 triệu USD.

Bồn siêu lạnh có 2 điểm quan trọng mà bất cứ nhà thầu xây dựng nào cũng phải chú ý là làm sao lắp dựng thép bồn tốt nhất và vỏ bồn bằng bê tông giữ lực. Lớp bê tông giữ lực này được thực hiện gắn cáp và kéo cáp giữ lực bởi các nhà thầu phụ đặc biệt. Trên thế giới chỉ có vài nhà thầu phụ đặc biệt có thể làm được việc đó như Freyssinet (Pháp), VSL (Đức)… bởi đòi hỏi kỹ thuật cao. Bồn LNG sau khi hoàn thành xong đạt độ cứng vững rất lớn, có thể chịu các cấp động đất theo tiêu chí thiết kế.

LNG với nhiệt độ âm 162 độ C được bơm vào bồn rồi sau đó pha lỏng 162oC trở thành 5oC, lệch nhau 157oC buộc chúng tôi sử dụng thiết bị trao đổi nhiệt, bơm lượng nước biển rất lớn khoảng 10 nghìn m3/giờ để trao đổi nhiệt với lượng lỏng. Và cứ 1 mét khối khí hóa lỏng thì sẽ cho 600 mét khối khí khô.

Để chuẩn bị cho dự án này, PV GAS đã phải đưa người đi đào tạo từ 10 năm trước ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng trong các khâu thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, các nhà thầu Nhật – Hàn đều có bí quyết của nghề riêng.

Về phía Việt Nam, các Tổng Công ty Xây lắp máy (LILAMA), Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs) đã đưa vào đây gần 1.000 thợ có tay nghề cao nhất – đặc biệt là đội ngũ thợ hàn.

Trong tất cả các công đoạn của xây lắp bồn chứa, việc hàn các tấm thép niken là đòi hỏi cao nhất về khâu kỹ thuật.

Mỗi tấm thép có chiều cao gần 4 mét, dài 13 mét… Tất cả các mối hàn ở đây đều không được phép sai sót và được các cơ quan giám sát nước ngoài kiểm tra bằng những phương tiện hiện đại nhất như máy siêu âm mối hàn, máy chụp phim mối hàn...Việc tuyển chọn thợ hàn cũng vô cùng khắt khe. Thợ hàn phải đủ tiêu chuẩn của ASME- Hiệp hội kỹ sư Cơ khí Mỹ. Thợ hàn sẽ được mời đến và thực hiện theo quy trình hàn được phê chuẩn - nghĩa là làm 1 bài thi theo quy định trong ASME. Nếu thi đỗ thì sẽ được cấp giấy cho phép làm việc trong dự án ở vị trí thợ hàn theo từng vị trí yêu cầu.

 Kho cảng LNG đang hoàn thiện

Kho cảng LNG đang hoàn thiện

3. Với dự án LNG-01, công tác an toàn luôn được đưa lên hàng đầu, nhưng quả thật, cách kiểm tra, giám sát về khâu an toàn của các nhà thầu trong dự án này đúng là “đến con kiến không lọt qua được”. Nhưng đó chưa phải là hết, mà có một cơ quan giám sát “ngoài luồng” còn ghê gớm hơn tất cả - đó chính là nhà thầu bán LNG.

Khi các bên đã ký kết hợp đồng với nhau thì nhà thầu bán hàng có nguyên tắc “An toàn của bạn là lợi ích của tôi”. Nếu bạn có vấn đề gì thì lợi ích của tôi bị ảnh hưởng và ngược lại. Vì vậy, trong ngành công nghiệp LNG, tất cả các bên đều phải thực hiện công tác kiểm tra lẫn nhau. Bên Shell là hãng lớn, họ đến đây và cử các chuyên gia trong ngành kiểm tra, thẩm định để xem tính sẵn sàng của PV Gas đã ổn chưa so với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của họ. Nếu ổn thì họ mới ký hợp đồng.

Về cơ bản, Shell tin tưởng PV GAS bởi hoạt động trong ngành dầu khí mấy chục năm mà chưa để xảy ra mất an toàn nào lớn. Đồng thời, Shell cũng yên tâm bởi PV GAS đã học hỏi, nghiên cứu từ các chuyên gia nước ngoài trong 10 năm.

Có thể nói, việc nhập khẩu LNG đã củng cố vị thế chủ đạo của PV GAS trong hành trình chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng. Điều này không chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến lược sản xuất kinh doanh của PV GAS, mà còn mang nguồn năng lượng mới góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khẳng định cam kết đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Nguyễn Như Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pv-gas-va-chuyen-tau-lng-dau-tien-ve-viet-nam-post256197.html