PwC: 6 yếu tố giúp củng cố mức độ sẵn sàng đổi mới của người lao động

Theo khảo sát của PwC, 54% người lao động Việt Nam tin rằng, tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ tiếp tục hoạt động trong hơn 10 năm nữa, 59% cảm thấy rất hài lòng hoặc tương đối hài lòng với công việc của họ, trong đó 43% có khả năng yêu cầu tăng lương trong 12 tháng tới.

Kết quả khảo sát của PwC cho thấy, 19.500 người lao động tại Châu Á Thái Bình Dương đã tham gia khảo sát lực lượng lao động toàn cầu 2023, bao gồm 1.000 phản hồi tại Việt Nam. Nhìn chung, người lao động Việt Nam có suy nghĩ tích cực về công việc với 54% người được hỏi tin rằng tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ tiếp tục hoạt động trong hơn 10 năm nữa (so với tỷ lệ khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 51%).

Người lao động tại Việt Nam rất tích cực về những cơ hội và lợi ích mà trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại. Ảnh: PC.

Người lao động tại Việt Nam rất tích cực về những cơ hội và lợi ích mà trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại. Ảnh: PC.

Ông Mai Viết Hùng Trân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, sự thay đổi diễn ra liên tục trong thực tại đầy những biến động ngày nay. Khi nhà lãnh đạo thấu hiểu những làn sóng thay đổi tại nơi làm việc, họ có thể thúc đẩy động lực của nhân viên, khai thác tiềm năng con người và đạt được những mục tiêu lớn hơn.

“Có một tín hiệu đáng mừng là các nhà lãnh đạo và người lao động Việt Nam đã bắt đầu bước vào hành trình chuyển đổi để thích nghi. Dù sự chuyển đổi tại các doanh nghiệp là khác nhau, con người vẫn là cốt lõi của sự thay đổi. Chúng ta cần hợp tác với nhau theo những cách mới để xây dựng lòng tin và mang lại một kết quả bền vững” - ông Trân nói

Các tổ chức chỉ có thể đổi mới thành công nếu nhân viên của họ kết nối chặt chẽ với tổ chức, có động lực làm việc và mong muốn đóng góp. Người lao động tại Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình này hay chưa?

Khảo sát của PwC chỉ ra sáu yếu tố giúp củng cố mức độ sẵn sàng đổi mới của người lao động, bao gồm: Khả năng hoạt động của doanh nghiệp, cảm nhận của nhân viên, kỹ năng nghề nghiệp, xu hướng công nghệ, môi trường làm việc và hành động vì khí hậu. Những kết quả này sẽ là những đề xuất hữu ích cho các công ty trong khu vực, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm.

Sự tự tin và kỳ vọng tăng lên của người lao động

Nhìn chung, mức độ hài lòng với công việc của lực lượng lao động không có nhiều thay đổi trong các năm qua, tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan cho thấy mức độ hài lòng trong công việc thấp hơn, với tỷ lệ dao động từ 29% đến 45%. Mặt khác, người lao động ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ thể hiện mức độ hài lòng với công việc cao hơn, từ 70% đến 79%.

Tại Việt Nam, 59% người lao động rất hài lòng hoặc tương đối hài lòng với công việc của họ, khá tương tự với dữ liệu trung bình tại Châu Á Thái Bình Dương là 57%.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/pwc-6-yeu-to-giup-cung-co-muc-do-san-sang-doi-moi-cua-nguoi-lao-dong-131491.html