PXS đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng trưởng hai con số
Năm 2025, CTCP Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã chứng khoán PXS) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12,2 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện của năm 2024.

PXS bàn giao 2 chân đế JA và KA của Dự án Chân đế JA&KA Gallaf 3 vào năm 2023. Ảnh: pvc-ms.vn
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2025 (dự kiến tổ chức vào ngày 23/05 tới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu), PSX đặt mục tiêu doanh thu đạt 725 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận trước thuế đạt 12,2 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, PXS sẽ không chia cổ tức trong năm 2025 này.
Theo PXS, ngoài các dự án đang thi công chuyển tiếp từ năm 2024 như: Dự án phát triển mỏ khí Lô B-Ô Môn, Lạc Đà Vàng, P15, …, năm 2025 này, PXS cũng tham gia vào các dự án điện, khí khác như: Đại Hùng Nam, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4, Cửu Long. Công ty cũng sẽ đảm nhiệm vai trò nhà thầu phụ cho các đơn vị như Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C)...
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, PXS sẽ tập trung thực hiện các dự án chế tạo khối thượng tầng Topside Lô B – Gói 2 Phú Quốc, P15, chế tạo chân đế giàn khoan cho mỏ Lạc Đà Vàng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ chi phí thực hiện các dự án sẽ được quyết liệt thực hiện để đảm bảo cạnh tranh về giá thành. Ngoài ra, PXS cũng chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực tốt nhất để có thể triển khai thi công ngay sau khi các dự án mới bắt đầu triển khai, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc).
PXS sẽ cùng Công ty mẹ là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs) và các đối tác khác tham gia chào thầu và thi công các công trình hạ nguồn thuộc chuỗi dự án Lô B – Ô Môn như: Đường ống dẫn khí trên bờ, các trạm valve, trạm phân phối khí và nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4 theo tiến độ thực hiện của từng dự án.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu PXS tăng 4,35% và đóng cửa ở mức 2.400 đồng/cổ phiếu. Tính chung từ đầu năm đến nay, thị giá giảm 4%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 3.100 đồng/cổ phiếu (ngày 7/2) và giá đóng cửa thấp nhất là 2.300 đồng/cổ phiếu (ngày 8/4/2025).
CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) là đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONS) trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), được thành lập ngày 20/10/1983, tiền thân là Xí nghiệp Kết cấu thép với chức năng chính là cung cấp các dịch vụ xây lắp chuyên ngành công nghiệp dầu khí cho các dự án khai thác, vận chuyển, tàng trữ và chế biến dầu khí. Sản phẩm truyền thống của PVC-MS là thi công các kết cấu giàn khoan, bồn bể, đường ống công nghệ, các tuyến ống dẫn, chế tạo thiết bị cơ khí dầu khí, lắp đặt thiết bị siêu trường, siêu trọng. Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, PVC-MS đã vươn mình lớn mạnh trở thành nhà thầu chủ lực hàng đầu chuyên cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao cho ngành Dầu khí và Quốc phòng.
PVC-MS đã thực hiện thành công việc chế tạo, lắp dựng 69 Chân đế, 22 Khối thượng tầng giàn khoan cho các Chủ đầu tư trong nước và liên doanh nước ngoài, trong đó có những dự án lớn kỷ lục Việt Nam tại thời điểm thi công như: Chân đế Đại Hùng năm 2011, giàn khai thác khí Mộc Tinh năm 2012 và thực hiện xuất sắc các dự án trọn gói EPC như: dự án Topside H4 giàn Tê Giác Trắng, dự án giàn Diamond, giàn Thái Bình… Công ty cũng đã tham gia thực hiện 19 dự án đường ống dẫn dầu khí, bồn bể chứa các sản phẩm dầu khí, nhà máy chế biến dầu khí, nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc hóa dầu… tất cả các dự án đều được Chủ đầu tư đánh giá cao về an toàn, chất lượng và tiến độ như: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pxs-dat-muc-tieu-loi-nhuan-nam-2025-tang-truong-hai-con-so/373189.html