Qatar cáo buộc Thủ tướng Israel cố tỉnh cản trở nỗ lực hòa giải cho Gaza
Bộ ngoại giao Qatar cho biết Doha đã 'kinh ngạc' trước đoạn ghi âm rò rỉ được cho là ghi lại lời Thủ tướng Israel nói rằng vai trò của Qatar trong các cuộc đàm phán là 'có vấn đề'.
Theo tờ Guardian (Anh), Qatar đã chỉ trích gay gắt Thủ tướng Israel, cáo buộc ông Netanyahu cố tình cản trở lệnh ngừng bắn và đàm phán thả con tin với Hamas vì lợi ích chính trị cá nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed al-Ansari, cho biết hôm 24/1 rằng chính phủ của ông “kinh hoàng” trước những bình luận bị rò rỉ được cho là của ông Netanyahu, trong đó ông chỉ trích những nỗ lực hòa giải của nước này về cuộc chiến ở Gaza, đồng thời nói thêm rằng những bình luận của nhà lãnh đạo Israel là “vô trách nhiệm và phá hoại” nhưng “không có gì đáng ngạc nhiên”.
Ông Ansari viết trên mạng X: “Nếu những nhận xét được đưa là đúng, Thủ tướng Israel sẽ chỉ cản trở và phá hoại quá trình hòa giải, vì những lý do có vẻ phục vụ cho sự nghiệp chính trị của ông ấy thay vì ưu tiên cứu những sinh mạng vô tội, bao gồm cả con tin Israel”.
Tuyên bố của ông Ansari được đưa ra nhằm đáp lại đoạn băng bị rò rỉ được cho là ghi âm cuộc gặp kín của Thủ tướng Netanyahu với các thành viên gia đình con tin hồi đầu tuần này do Kênh 12 của Israel thu được, trong đó ông nói rằng vai trò của Qatar trong quá trình hòa giải là “có vấn đề”.
Thủ tướng Israel được cho là đã nói với các thân nhân con tin rằng ông đã cố tình không cảm ơn Doha vì những nỗ lực của họ cho đến nay và ông đã bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ vì đã quyết định duy trì một căn cứ quân sự ở quốc gia dầu mỏ này.
Văn phòng của ông Netanyahu vẫn chưa đưa ra phản hồi trong cuộc tranh cãi công khai. Vụ việc có nguy cơ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán vốn đã khó khăn về viện trợ, lệnh ngừng bắn và thả khoảng 130 con tin được cho là vẫn đang bị giam giữ ở Dải Gaza.
Chính quyền địa phương ở Gaza cho biết ít nhất 20 người thiệt mạng và 150 người bị thương trong khi chờ phân phối viện trợ ở thành phố Gaza, khi giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra dữ dội trên khắp dải đất ven biển. Hamas đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng không trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Ngày 25/1, Bộ trưởng Tài chính theo đường lối cực hữu của Israel, Bezalel Smotrich, lại thổi bùng thêm ngọn lửa tranh cãi bằng một bài đăng trên mạng X cáo buộc Qatar chịu trách nhiệm về vụ tấn công Hamas ngày 7/10, gọi quốc gia vùng Vịnh này là “người bảo trợ của Hamas” và “một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và tài trợ cho khủng bố”.
“Theo quan điểm của tôi, Qatar về bản chất không khác gì Liên hợp quốc. Về bản chất, họ không khác gì Tổ chức Chữ Thập Đỏ, và ở một khía cạnh nào đó, thậm chí còn rắc rối hơn”, đoạn băng rò rỉ được cho là ghi lời ông Netanyahu nói. “Tôi sẵn sàng sử dụng bất kỳ vai nào vào lúc này để giúp tôi đưa con tin về nhà. Tôi không có bất kỳ ảo tưởng nào về Qatar. Họ có đòn bẩy.”
Israel từ lâu đã cho rằng các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc có thành kiến chống lại họ. Doha trong những năm gần đây đã thể hiện vai trò trung gian hòa giải quốc tế trong các cuộc xung đột như Ukraine, Sudan và Afghanistan, cũng như trong các vòng giao tranh trước đây ở Gaza. Họ có mối quan hệ sâu sắc với Hamas và cho phép một số thành viên thuộc phe chính trị của Hamas sống trên lãnh thổ của mình.
Qatar, cùng với Ai Cập và Mỹ, đóng vai trò là trung gian hòa giải hàng đầu trong cuộc chiến kéo dài ba tháng ở Gaza, bùng phát sau cuộc tàn sát của Hamas và Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin. Theo Cơ quan Y tế Gaza, xung đột đã khiến hơn 25.700 người thiệt mạng tại Gaza và khiến khoảng 85% trong số 2,3 triệu cư dân của dải đất này phải rời bỏ nhà cửa.
Qatar đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11/2023, trong đó hơn 100 con tin đã được thả để đổi lấy 240 phụ nữ và trẻ em bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Kể từ đó, nhiều vòng đàm phán đã thất bại. Thỏa thuận hiện tại đang được xem xét được cho là bao gồm việc tạm dừng giao tranh trong 30 ngày, trong đó các con tin Israel còn lại sẽ được trả tự do theo nhiều đợt, nhưng các bên vẫn chưa thống nhất được các bước lâu dài hơn để chấm dứt xung đột.
Những nỗ lực ngoại giao gần đây đã bị lu mờ bởi cuộc giao tranh khốc liệt nhất ở Gaza trong năm nay, tập trung vào thành phố Khan Younis ở phía nam. Quân đội Israel hôm 24/1 cho biết họ đã “bao vây” Khan Younis sau hai ngày không kích và giao tranh ác liệt trên bộ.
Hiện nay, sự ủng hộ dành cho cuộc chiến vẫn ở mức cao trong người Israel, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Netanyahu và liên minh cực hữu của ông đang giảm sút. Các cuộc biểu tình vào tối thứ bảy hàng tuần yêu cầu thả con tin đã được tăng cường trong những tuần gần đây với những lời kêu gọi bầu cử sớm ngày càng tăng.