Quà 20/11: Có món làm cô giáo khóc, có món làm cô… cười ngất
Hỏi lời chú thích của tấm thiệp có làm chị buồn lòng không, chị nói: đây là một trong những tấm thiệp ấn tượng nhất vì ai xem cũng cười ngất với óc tưởng tượng hồn nhiên của học trò.
Thời buổi xã hội tiêu thụ lên ngôi, nhân ngày lễ tết người có tiền gởi đi một món quà tặng đến ai đó là việc thật đơn giản, chỉ vài cái chạm tay trong vòng đôi ba phút là xong. Quà rẻ tiền, tầm tầm bậc trung, loại đắt tiền, hàng độc hiếm, quà kiểu gì cũng có, giao tận bàn làm việc phục vụ 24/24... Nhưng cái thành ý ẩn chứa sau món quà là mênh mông khó lường, và không hẳn lúc nào cũng vô tư quý mến hàm ơn nhau, trân trọng như ý nghĩa vốn có của hai chữ tặng quà.
Một sớm gần đây trong âm thanh ồn ã hối hả của nhịp sống Sài Gòn trên một chuyến xe buýt , dù không nghe rõ rành toàn vẹn, nhưng tôi đã cố thu nạp ý chính của câu chuyện cảm động phát trên radio về tình cô trò qua món quà tặng ngày Nhà giáo.
Câu chuyện xảy ra ở lớp học cộng đồng vào buổi tối, một học sinh đem tặng cô giáo một con thú nhồi bông, (hình như) do sơ ý bỏ quên cái biên nhận mua hàng trong hộp nên khi mở ra cô biết được đó là món quà do học sinh phải mua trả góp với mức 3.000 đồng/ngày. Giọng cô giáo nghẹn đi khi nói về học sinh của mình: nhiều em ở lớp tôi ban ngày phải đi bán vé số hoặc theo cha mẹ ra chợ buôn bán…
Một cô giáo khác dạy Anh Văn miễn phí cho nhiều đối tượng từ học sinh nhỏ cho đến người đi làm ở một thư viện kể, dịp 20/11 năm rồi có cậu học trò nhỏ đến lớp với một bông hoa trên tay. Đứng trong nhìn ra, lòng cô lâng lâng trước hình ảnh hồn nhiên và dễ thương ấy. Cô mong cho cái giây phút cậu bé đến gần tặng hoa xong để nói cảm ơn, ôm một cái rồi dắt tay vào lớp!
Nhưng khi cháu bé đến tặng hoa cho cô thì đồng thời mở cặp lấy ra một bao thư đưa kèm! Cô nói: cái bao thư là sản phẩm của người lớn đã làm "hư" cảm xúc của cô và có lẽ của cả đứa bé nữa. Cô đã đặt bao thư lại vào cặp học sinh rồi dặn: cô cảm ơn nhưng con đem bì thư về đưa cho mẹ để mua bút tập...
Câu chuyện nghe được trên xe buýt khiến nhắc tôi nhớ lại thời còn đi học Cấp 3 ở Huế. Cô giáo dạy môn Anh Văn của tôi được rất nhiều học sinh yêu kính vì phương pháp dạy dễ hiểu và tấm lòng nhân hậu trong ứng xử. Trong lớp tôi có một bạn do nhà nghèo nên phải đi giúp việc cho một gia đình giàu có. Mặc dù được chủ cho đi học nhưng về tới nhà bỏ cái cặp ra là cả một núi việc phải làm...
Ngày 20/11 năm ấy cũng là nhằm tiết dạy của cô, bạn tôi đi học mang theo một gói lá chuối bên trong gói những trái bồ kết, nói con tặng cô để cô gội đầu. Gói quà bạn đã làm cô khóc, khoảng 15 phút đầu giờ học hôm đó cả lớp sùi sụt vì cô không dạy bài ngay mà nói về lòng chia sẻ trong cuộc sống, nói về ý nghĩa của việc tặng quà và khen ngợi nghị lực vượt khó để được đi học của bạn tôi…
Hàng xóm cũ của tôi là người có thâm niên lâu năm làm nghề giáo trong một ngôi trường quốc tế. Thỉnh thoảng chị mang cho nhà tôi quả bưởi, thanh long, có lần cho cả khoai lang nướng... nói là quà quê của học sinh tặng dùng không hết nên mời. Một lần qua nhà chơi thì thấy chị treo nhiều thiệp chúc mừng ngày Nhà giáo do chính tay học sinh vẽ tặng, những nét vẽ hồn nhiên, ý tưởng chân tình mộc mạc về lòng nhớ ơn thầy cô của bọn trẻ trên từng nét bút. Tôi đặc biệt để ý tấm thiệp học sinh vẽ hình cô giáo nhưng được cường điệu lên rất “ngầu” với cặp kính đen và một bộ râu, chú thích ảnh còn "khủng" hơn: "FBI wanted" (Lệnh truy nã)!
Hỏi lời chú thích của tấm thiệp có làm chị buồn lòng không, chị nói: đây là một trong những tấm thiệp ấn tượng nhất vì ai xem cũng cười ngất với óc tưởng tượng hồn nhiên của học trò. Lời chú thích này là em ấy vẽ lại hoạt cảnh thám tử, FBI đi bắt tội phạm mà chính cô giáo là người đóng vai trong một giờ đọc truyện thám tử bằng tiếng Anh, các em con trai ai cũng giành làm cảnh sát, thám tử hết...
Cũng là người có con đi học, tôi từng mang suy nghĩ ai sao mình vậy nên trước đây cũng mua những gói quà gói sẵn ở siêu thị để con mang tặng thầy cô vào dịp lễ tết. Mỗi lần như thế cứ thấy lòng gợn gợn khó tả. Từ câu chuyện của người hàng xóm tôi đã bắt chước khuyên con tự đi mua giấy, tự suy nghĩ ý tưởng vẽ hình làm thiệp tặng cô thầy. Còn thì gần đây mỗi lần đi họp đầu năm, đại diện phụ huynh thu các khoản tiền trường tiền lớp cho hoạt động cả năm học trong đó có tiền quà tặng thầy cô những ngày lễ tết do ban đại diện linh động thực hiện...
Trong lúc chờ đợi những cải cách về chính sách lương bổng hợp tình hợp lý trong ngành giáo dục thì phụ huynh như tôi tạm thời hài lòng với cách làm này! Nếu chỉ tặng quà tinh thần thôi thì mỗi khi nghe lương giáo viên không đủ sống lại cảm giác mình có phần trách nhiệm, còn gởi kèm bao thư thì có khi gây cảnh "tụt mood" giống câu chuyện của cô giáo dạy Anh văn ở thư viện kể trên!