'Quá chặt trong quản lý đất kinh doanh làm giảm cơ hội thu hút đầu tư'

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau), Việt Nam đang muốn trở thành công xưởng của thế giới, cần thu hút đầu tư lớn, nếu quản lý đất kinh doanh quá chặt có thể ảnh hưởng làm giảm cơ hội.

 Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau).

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau).

Sáng 3/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Thảo luận tại tổ 11, Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đất đai phải được coi là tư liệu sản xuất đặc biệt, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang muốn trở thành công xưởng của thế giới. Việt Nam đang cần nhiều công xưởng, nhà máy để tạo việc làm cho người dân, thực hiện chiến thuật "ly nông bất ly hương" (tạo việc làm cho người dân ngay tại địa phương).

Đại biểu nêu ý kiến, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lại cho thấy quá chặt chẽ trong quản lý đất đai kinh doanh sản xuất, nhiều quy định về đấu thầu, đấu giá.

“Trong giai đoạn này, chúng ta đang cần xây dựng nhiều công xưởng, nhà máy thì đất cho sản xuất kinh doanh phải được tháo gỡ, các thủ tục triển khai phải nhanh chóng thì mới thu hút nhà đầu tư. Tôi đồng ý chúng ta phải quản chặt là đất ở, vì loại đất này hay bị lợi dụng. Nhưng đất sản xuất kinh doanh phải mở ra, làm thế nào để doanh nghiệp phải đầu tư ngay được”, đại biểu nêu ý kiến.

Từ nhận định trên, ông Minh đưa ra góp ý một số điều cụ thể trong dự án Luật Đất đai sửa đổi. Một là Điều 11, phân loại đất nông nghiệp nên có cả đất chế biến nông lâm sản.

Hai là Điều 34 về phần giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, nên có đất cho chế biến nông lâm sản để cho các công ty chế biến nông lâm sản ở ngay vùng nguyên liệu.

Thứ ba là Điều 32 quy định quá chặt khi chỉ cho cấp huyện chuyển đổi mục đích dưới 0,5 ha, còn trên 0,5 ha thì phải xin tỉnh.

Đại biểu cho rằng quy định cho sản xuất kinh doanh nên cởi mở hơn.

Đại biểu cho rằng quy định cho sản xuất kinh doanh nên cởi mở hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý thêm một số vấn đề khác nữa như đền bù theo giá thị trường, hiện nay đang tắc từ dưới các địa phương. Vì vậy quy định giá thị trường như thế nào để các địa phương không vướng, không sợ, đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Hoặc tỷ lệ giải phóng mặt bằng phải đồng ý 100% là khó khả thi, chỉ nên ở một tỷ lệ nào đó. Vấn đề quy hoạch cũng được đại biểu đánh giá là vừa thừa vừa thiếu. Đưa ví dụ về điều thiếu, theo đại biểu, quan trọng nhất, trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị ngày 6/1/2022 đã quy định, tỷ lệ đất cây xanh từ 8-10m2/người, đất giao thông từ 16-16%, nhưng trong dự thảo luật không có. Trong khi đó, tắc đường, không khí ô nhiễm đang là các vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Vì vậy, cần quy định rõ ràng tỷ lệ cho thành phố, quận, phường để các địa phương đảm bảo môi trường sống hài hòa.

Thu hồi đất hợp tình, hợp lý

Đại biểu Mai Văn Hải (Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đề cập đến vấn đề thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo đại biểu, hiện trong dự thảo Luật có quy định thu hồi đất trong trường hợp được giao, cho thuê mà không đúng đối tượng, không thuộc thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai có rất nhiều trường hợp vi phạm như vậy. Nhưng trên thực tế, rất nhiều trường hợp gia đình đã xây dựng nhà ở, khi thực hiện thu hồi đất là vô cùng khó khăn.

Chúng ta phải tính đến việc an cư, sinh kế của người dân. Nếu trong tất cả các trường hợp vi phạm đều thu hồi cả thì rất là khó. Vì vậy theo tôi nên tính đến tính lịch sử của đất đai. Một số trường hợp người dân ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch thì nên cho hợp thức hóa dù rằng trước kia giao trái sử dụng. Cần có quy định phân loại các trường hợp xử lý đất đai để có biện pháp thu hồi cho phù hợp. Đại biểu Mai Văn Hải

Đại biểu ý kiến thêm, việc thu hồi đất dự án rất khó khăn, mất nhiều thời gian, gây tình trạng dự án treo, lãng phí lớn nguồn lực đất đai. Dự thảo Luật có sửa đổi rất nhiều về nội dung này, quy định sau 48 tháng nếu dự án không triển khai sẽ thu hồi.

Đây là bước tiến quan trọng để thực hiện quyết liệt hơn trong thu hồi các dự án. Tuy nhiên ông Hải cho rằng một số trường hợp đặc biệt như do thiên tai, dịch bệnh thì nên có quy định khác, không thể thu hồi cứng nhắc.

Ông Hải cũng đề xuất khi thu hồi dự án treo cần có chế tài mạnh mẽ hơn để bắt buộc nhà đầu tư giao lại đất. Nếu không một số dự án, đặc biệt là các dự án đang xây dựng dở dang rất khó thu hồi, có thể kéo dài 10-20 năm.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/qua-chat-trong-quan-ly-dat-kinh-doanh-lam-giam-co-hoi-thu-hut-dau-tu-post13678.html