Quà của mùa thu

Sáng ra đã nghe hơi sương vương ướt trán, hình như thu đã về thì phải. Qua một mùa hè nóng bức, thu về đất trời có phần dịu mát hơn, tối ngủ bớt nồng hanh, gần sáng đã phải đắp chăn vì lạnh.

Và, trên cây me già vỏ thâm sì cũ kỹ, những chùm bông vàng nhạt dịu dàng khoe sắc. Cánh hoa rơi phủ đầy mặt ao, buổi trưa gió mạnh thổi dạt hết cánh hoa về một phía bờ ao thành một dải dày ken vàng tiếp vàng, thật đẹp. Hoa me thật là lạ, người ta vàng thì vàng cho rực rỡ lên như cái màu điên điển vậy á, để cho người ta nhìn từ xa đã thấy, đã chú ý. Đằng này cứ vàng nhạt, mà nhạt hết cỡ, tới gần, nhìn kỹ mới thấy hoa đã nở chứ nhiều khi nhìn từ xa chỉ một màu lá xanh biếc cứ tưởng cây đã già chẳng ra hoa nữa, chỉ khi thấy dưới gốc cánh hoa rụng đầy mới biết rằng năm nay cây vẫn sai hoa như thường lệ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Rồi, chỉ vài tháng nữa thôi, tầm độ cuối thu, trái non đã chi chít cành. Người ta gọi trái me khi còn non là me dĩa. Me dĩa đem nấu canh chua cá nục hay giã cối mắm tỏi ớt thiệt cay để chấm cá lóc chiên xù thì y bài. Ở miệt quê này người ta thân thiết với cây me đến lạ kỳ vậy đó. Lúc mới rớt hạt mưa, khi những cành khô đen sì bắt đầu nảy lộc non mơn mởn, người ta hái lá me non đem nấu canh cá, giã nước mắm tỏi ớt chấm cá chiên. Rồi tới cây ra hoa kết quả, trái me lớn chừng nửa ngón tay út là đem hái nấu canh chua, giã nước mắm. Me chín thì đem lột vỏ để dành ăn. Cây nào già quá, đem hạ xuống, xẻ ra làm thớt me, ghế me, hay hầm than bán. Nhà nào nhà nấy trong bếp cũng có cái thớt me. Gốc me xẻ ra làm thớt thì còn gì bằng, xài chắc, bền mà lại rẻ tiền.

Mùa thu bắt đầu chớm từ những dấu hiệu be bé như thế. Phải để ý kỹ mới thấy được bước chân nàng thu chầm chậm đến gần lận. Chứ đôi khi bận công việc từ sáng đến tối mịt mới bước chân về nhà thì đến khi thấy nàng thì e rằng đã cuối thu mất rồi.

Mới vui xuân đó nay đã thấy thu về. Nhanh thật!

Bốn mùa là bốn cô gái mang bốn cá tính khác nhau. Nàng Xuân điệu đà, ngọt ngào với bao nhiêu là hoa thơm khoe sắc. Nàng Hè nóng bỏng nhiệt huyết ngập tràn trái cây chín mọng mời gọi. Thu lại e ấp, dịu dàng, nhè nhẹ đến khi nào chẳng biết, đến khi thấy rõ hình hài của nàng mới ngạc nhiên thốt lên: Ơ, thu đã về rồi sao! Đông xinh đẹp nhưng kiêu kỳ, như cô tiểu thư nhà giàu quý phái đấy mà chỉ đứng nhìn từ xa thôi chứ nàng chẳng bao giờ để ai lại gần.

Thu dịu dàng. Dịu dàng thật, từ cái hơi sương nhè nhẹ chứ không buốt da như sương mùa đông, đến cái mùi thị chín thoang thoảng. Chao ôi là dịu dàng, cái hương thị ấy. Cái hương thị từ thời cổ tích nối dài tới tận hôm nay. Cái mùi hương mà mỗi khi bắt gặp phải tìm mua bằng được dành để đầu giường ngửi cho thỏa thích. Mùi hương của thuở ấu thơ. Mùi hương của ngoại. Tha thiết biết bao một mùi hương đã xưa mà không bao giờ cũ.

Vẫn khao khát được trở về thời bé dại được sà vào lòng bà, nghe bà kể chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh – Lý Thông… Giọng bà trầm trầm, mùi trầu từ người bà nồng nồng, cánh võng đung đưa, đứa cháu thiếp vào giấc ngủ trưa từ khi nào chẳng rõ. Tuổi thơ da diết gọi mời người ta trở về từ những giấc trưa như vậy. Tuổi thơ rưng rức niềm nhớ từ những câu chuyện cổ tích của bà. Và, tuổi thơ nhắc nhớ người ta miết bởi mùi thị mỗi mùa thu cứ trở về thoang thoảng. Lại gọi thầm hai tiếng “ngoại ơi”.

Ngoại ơi! Bao nhiêu năm rồi vắng tiếng ngoại? Con chẳng thể nhớ nổi. Ngoại về miền mây trắng trong một ngày cũng vào độ mùa thu, khi trái thị xanh còn lủng lẳng trên cành dày ken. Ngoại đi thanh thản sau một giấc ngủ trưa. Có lẽ, ngoại đã bay lên trên trời cao cùng những bà Tiên, ông Bụt, cô Tấm thảo thơm. Đám tang của ngoại không có ai khóc, không một ai, con cháu và làng xóm đưa đám, không phải vì không ai thương ngoại chỉ là vì muốn ngoại ra đi thanh thản không vướng bận chuyện trần thế nữa. Năm đó ngoại mới sang tuổi 96 hai tháng…

Thu vẫn đến rồi đi mỗi năm một bận. Thị vẫn thơm mỗi năm một mùa. Đứa cháu bé nhỏ ngày xưa nay đã bước qua tuổi trung niên, đã bắt đầu nhớ nhớ quên quên, nhưng mỗi năm vào mùa thị chín vẫn rưng rưng nhớ những câu chuyện cổ tích ngày nào.

PHAN TRÚC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/qua-cua-mua-thu-123594.html