Qua Hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh năm học 2024-2025: Góp phần đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ

Hội thi Giáo viên dạy giỏi (GVDG) tiểu học cấp tỉnh năm học 2024-2025 là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa quan trọng hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ nhà giáo, tạo diễn đàn để giáo viên tiểu học chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Tiết dạy Hoạt động trải nghiệm tại Hội thi.

Tiết dạy Hoạt động trải nghiệm tại Hội thi.

Diễn đàn trực tiếp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm

Hội thi GVDG tiểu học cấp tỉnh năm nay được tổ chức tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông và Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thành phố Nam Định) với sự tham gia của 63 giáo viên tiêu biểu được lựa chọn từ Hội thi GVDG cấp huyện, thành phố. Được tổ chức từ ngày 1 đến 4/4 với các môn thi: Nghệ thuật (Âm nhạc) lớp 1; Đạo đức lớp 2, Hoạt động trải nghiệm lớp 2; Tiếng Anh lớp 3, Tự nhiên và Xã hội lớp 3; Tin học lớp 4, Công nghệ lớp 4. Mỗi môn có 9 giáo viên dự thi. Tham dự Hội thi cấp tỉnh, mỗi giáo viên tham gia 2 phần thi: Phần thi thực hành 1 tiết dạy và Phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng dạy học. Trong Hội thi, giáo viên còn tham gia hội thảo chuyên môn theo từng môn học để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, ở phần thi thực hành, các tiết dạy được giáo viên chuẩn bị công phu, chu đáo, thể hiện ý thức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Các tiết dạy bám sát yêu cầu của chương trình GDPT 2018, đảm bảo tính chính xác, khoa học, hệ thống, gắn kết tính giáo dục và tính thực tiễn, đáp ứng đúng mục tiêu đổi mới giáo dục. Đa số giáo viên đã thiết kế chuỗi hoạt động học tập phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, có sự linh hoạt điều chỉnh để phù hợp đối tượng học sinh. Giáo viên sử dụng đa dạng phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực như: phương pháp trạm, góc, dạy học giải quyết vấn đề; bài giảng được thiết kế theo 4 hoạt động (Khởi động, Hình thành kiến thức mới, Luyện tập, Vận dụng), làm nổi bật được vai trò trung tâm của học sinh. Việc giao nhiệm vụ học tập được thực hiện rõ ràng, cụ thể, phù hợp với khả năng của học sinh, tạo hứng thú và tính tích cực trong quá trình học. Không khí tiết học diễn ra thân thiện, cởi mở, nhẹ nhàng, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, việc sử dụng đa dạng nhạc cụ trong giờ Âm nhạc đã tạo sự thú vị và hấp dẫn cho học sinh. Các tiết dạy đã thể hiện được sự tích cực đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực, việc rèn luyện tính tự học, sáng tạo của học sinh và tổ chức hoạt động nhóm hiệu quả. Hệ thống câu hỏi và bài tập kiểm tra được thiết kế phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp và phù hợp yêu cầu đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Điểm nổi bật của hội thi năm nay là khả năng ứng dụng CNTT của các thầy, cô giáo vào hoạt động giáo dục. Giáo viên rất nhanh nhạy, sử dụng thuần thục các phương tiện hiện đại như chấm trắc nghiệm bằng QRCARD, thiết kế video, tranh ảnh động, phần mềm Canva, giúp tăng tính tương tác và đánh giá khách quan. Ngoài ra, việc giáo viên tự làm và sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học trong các tiết dạy cũng là một điểm nhấn quan trọng của Hội thi.

Phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy được tổ chức theo từng môn học. Nhiều bản trình bày thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng về hình thức và nội dung, có chất lượng chuyên môn cao. Nội dung các biện pháp xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, thể hiện sự tìm tòi, khám phá và vận dụng kinh nghiệm hay trong công tác giảng dạy, tập trung vào phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhiều báo cáo đề xuất áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như kỹ thuật bể cá, phòng tranh, sơ đồ tư duy, mô hình giáo dục STEM, và ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế bài giảng.

Góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, đào tạo đội ngũ

Một trong những mục tiêu quan trọng của Hội thi là tạo “sân chơi” để các thầy, cô giáo giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ các đồng nghiệp. Do vậy, tại Hội thi, hoạt động hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm dạy học được tổ chức theo từng môn học có sự tham gia của đông đảo giáo viên. Tại đây, các thầy, cô giáo đã có điều kiện phân tích, đánh giá sâu về chuyên môn; được học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm hay sau 5 năm triển khai chương trình GDPT 2018, từ đó phát huy những thành công, khắc phục những hạn chế để tiếp tục thực hiện tốt hơn ở giai đoạn tiếp theo. Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên dạy môn Đạo đức, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) cho biết: “Nét mới của Hội thi năm nay là giáo viên dự thi ứng dụng AI trong các tiết dạy rất hiệu quả, linh hoạt. Bản thân tôi được mở mang rất nhiều về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy của các thầy cô như: kỹ năng tổ chức và quản lý học sinh trong giờ học, kỹ năng tương tác với học sinh, kỹ năng sư phạm. Ngoài ra, tôi cũng tham khảo được rất nhiều công nghệ mới như ứng dụng AI để rút ngắn thời gian chuẩn bị bài giảng, học sinh cũng hứng thú hơn với bài học. Riêng đối với môn Đạo đức, qua hội thi, tôi có thêm được nguồn tư liệu mới là các video mới do AI tạo ra và cách sắp xếp, tổ chức các hoạt động trong một tiết dạy hợp lý hơn”. Còn cô Trần Thị Thu Thanh, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) thì chia sẻ: “Hội thi đã mang lại cơ hội rất lớn để giáo viên được chia sẻ những kỹ năng, phương pháp giảng dạy cũng như học hỏi được kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong toàn tỉnh. Đối với môn tiếng Anh, qua hội thi, tôi ứng dụng được nhiều phương pháp dạy học như phương pháp dạy học tích cực, dạy học phân hóa và có những phương pháp giúp cho học sinh yêu thích môn tiếng Anh, được thực hành kỹ năng tiếng trong một môi trường tiếng Anh rất sinh động, tự nhiên, học sinh cũng rất hào hứng trong giờ học”.

Mặc dù còn một số hạn chế như: Một số giáo viên chưa thực sự linh hoạt, sáng tạo và tự nhiên trong việc vận dụng phương pháp dạy học mới; việc tổ chức các hoạt động dạy học ở một số tiết còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao; thiết kế câu hỏi và hoạt động thiếu tính gợi mở... Tuy nhiên, hầu hết giáo viên dự thi đều thể hiện tinh thần cầu thị, ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn vững vàng; nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; quan tâm gắn nội dung kiến thức trong bài giảng với thực tiễn; sử dụng thiết bị dạy học số và trí tuệ nhân tạo để thiết kế những giờ dạy sáng tạo, khoa học, hấp dẫn, phát huy được phẩm chất, năng lực học sinh.

Hội thi GVDG được tổ chức thành công, góp phần bồi dưỡng đội ngũ, nhân rộng điển hình tiên tiến; tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD và ĐT trên địa bàn tỉnh. Tất cả 63/63 giáo viên dự thi đều đạt danh hiệu GVDG cấp tỉnh với 28 giải Nhất, 35 giải Nhì. Tiêu biểu như các cô Trần Thị Xuân Thủy, Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định), môn Âm nhạc; Vũ Thị Hồng Bích, Tiểu học Trực Thuận (Trực Ninh), môn Công nghệ; Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định), môn Đạo đức; Nguyễn Thị Mai Hương, Tiểu học Trực Thái (Trực Ninh), môn Hoạt động trải nghiệm; Phạm Thị Cải, Tiểu học Giao Yến (Giao Thủy), môn Tiếng Anh; Hoàng Thị Thu Hoài, Tiểu học Trần Văn Lan (thành phố Nam Định), môn Tin học; Trần Thanh Huyền, Tiểu học Phạm Hồng Thái (thành phố Nam Định), môn Tự nhiên và Xã hội.

Sau Hội thi, Sở GD và ĐT yêu cầu các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dạy học đổi mới sáng tạo một cách thiết thực; các thầy cô không ngừng học hỏi, tiến bộ, trở thành những giáo viên có chuyên môn vững vàng, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/qua-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-tieu-hoc-cap-tinh-nam-hoc-2024-2025-gop-phan-dao-tao-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-3940c74/