Quá ít, quá muộn?

Trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần, thời gian vừa qua, châu Âu đã phải gấp rút thực hiện một loạt biện pháp để đối phó với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi nguồn cung khí đốt từ Nga gần như đã bị ngừng hoàn toàn. Tuy nhiên, liệu sự chuẩn bị đó có đủ và có kịp thời để châu lục vượt qua thời tiết giá rét sắp tới, cùng với những lo ngại về tình trạng bất ổn kinh tế, xã hội sâu rộng hơn do khủng hoảng gây ra.

Giảm bớt nỗi đau trước khi nó thực sự ập đến

Theo Oilprice, thuế windfall (một khái niệm trong kinh tế học, được hiểu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp hay một loại thuế phụ thu do Chính phủ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế được hưởng lợi từ việc mở rộng kinh tế. Mục đích là phân phối lại lợi nhuận dư thừa trong một lĩnh vực vì lợi ích xã hội lớn hơn), phân bổ năng lượng và giá trần khí đốt nhập khẩu là những ý tưởng chính mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi phải vật lộn để kiềm chế sự thiếu hụt năng lượng đang ngày càng trầm trọng.

Thực tế cho tới nay, khối liên minh lá cờ xanh đã thành công lấp đầy kho khí đốt của mình trước thời hạn và trên mức mục tiêu, đây có lẽ là tin tốt lành duy nhất trong năm nay. Ngoài ra, EU cũng cố gắng, một cách tự nguyện lẫn không tự nguyên, nhằm giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga từ 41% xuống còn 9%.

Dẫu vậy, EU đã phải trả một cái giá đắt cho điều đó và vẫn đang phải trả giá: nhập khẩu khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) đắt đỏ khiến cho việc phát điện bằng khí đốt đắt hơn và các sản phẩm được sản xuất trong những quá trình liên quan đến khí tự nhiên kém cạnh tranh hơn. Với tình trạng lạm phát năng lượng vẫn diễn ra rầm rộ, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu EU có làm đủ để tồn tại qua mùa Đông mà không gặp quá nhiều “đau đớn” hay không.

FP trích dẫn lời của ông Simone Tagliapietra, chuyên gia năng lượng Tổ chức Tư vấn Bruegel của Bỉ, cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu hiện chỉ mới thực sự bắt đầu, bởi vì sự gia tăng giá bán buôn vẫn đang ảnh hưởng đến hóa đơn của các công ty và hộ gia đình. Chi phí cho nền kinh tế sẽ ngày càng lớn hơn.

Hiện các Chính phủ châu Âu đang điên cuồng tìm cách giảm bớt nỗi đau này trước khi nó thực sự ập đến, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông khuyên các doanh nghiệp Pháp không nên ký các hợp đồng cung cấp điện mới với “mức giá điên rồ”, đồng thời lập luận rằng Chính phủ sẽ thành công trong việc đánh bại lạm phát năng lượng. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp Pháp vẫn tỏ vẻ hoài nghi.

Trong khi đó, theo FT, một số thành viên EU thực sự nghĩ rằng các biện pháp được đề xuất cho đến nay không đủ đi xa để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, những lời kêu gọi hành động nhiều hơn của họ làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội, đây là điều cuối cùng mà các Chính phủ châu Âu muốn có trong một mùa Đông suy thoái ngày càng khó tránh khỏi.

FT dẫn lời một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết: “Chắc chắn có nhiều người xung quanh cho rằng điều này là chưa đủ và cần phải làm nhiều việc hơn nữa”. “Chúng tôi không quan tâm đến giá năng lượng gây ra bất ổn ở các quốc gia thành viên - đó sẽ là công thức dẫn đến thảm họa”.

Rõ ràng, ý tưởng chính của những người kêu gọi phải làm nhiều hơn nữa là áp đặt giới hạn giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu vào EU - một ý tưởng mà Ủy ban châu Âu từng cảnh báo phản đối, cho rằng nó gây ra “nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung”. Nói cách khác, những người bán khí đốt cũng có thể từ chối bán với giá giới hạn.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Đối mặt với "cơn bão hoàn hảo"

Trong khi các chính trị gia vắt óc tìm giải pháp, nhiều cuộc biểu tình phản đối đã bùng lên. Hàng chục nghìn người Czech đã tiếp tục xuống đường biểu tình, tập trung vào chính sách đối ngoại của Chính phủ, mà họ đổ lỗi là nguyên nhân khiến cho các hóa đơn năng lượng trở nên cắt cổ.

Người Đức cũng đã xuống đường biểu tình vào đầu tháng này và mặc dù những cuộc biểu tình đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì diễn ra ở Cộng hòa Czech, nhưng chúng cho thấy các chính phủ cần phải cực kỳ cẩn thận với các biện pháp họ thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Cho đến nay, Pháp đã tránh được bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào bằng cách đổ hàng tỷ USD vào giới hạn giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nước này có kế hoạch bù đắp một phần chi tiêu này bằng thuế windfall đánh vào các nhà sản xuất năng lượng. Nhưng ngay cả túi tiền của Paris cũng không phải là không đáy, và ít ai tin rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc trước mùa Đông năm 2023.

Trên thực tế, châu Âu rơi vào suy thoái là chắc chắn. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong một bài phát biểu trong tháng này rằng, khả năng lạm phát kèm đình trệ ở châu Âu đang gia tăng và do đó suy thoái là không tránh khỏi. Ông Malpass lưu ý rằng sự kết hợp của lãi suất cao, lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại là các thành phần của một "cơn bão hoàn hảo" nhấn chìm lục địa và hầu hết thế giới.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Mohamed El-Erian, Chủ tịch của Queen’s College, thuộc Đại học Cambridge, chia sẻ trong tháng này, suy thoái gần như là điều chắc chắn đối với EU vì không có kế hoạch rõ ràng về cách đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung, vốn đã ảnh hưởng nhiều đến các nước châu Âu.

Theo Reuters, các cuộc khảo sát kinh doanh từ đầu tháng 9 cho thấy, khu vực đồng euro gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái, lưu ý đến lạm phát khu vực cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8 và triển vọng tồi tệ đối với hoạt động kinh tế.

Thực sự, châu Âu đang bước vào một cơn bão lạm phát hoàn hảo, lãi suất tăng, thiếu hụt năng lượng và thiếu nhiều lựa chọn thực tế để đối phó với cơn bão. Đó là vấn đề khá phức tạp và châu Âu rõ ràng đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề đó. Nhưng trong khi vấn đề trước mắt là mùa Đông này và sống sót qua nó mà các chính phủ vẫn đứng vững, thì vấn đề lớn hơn là không thấy hồi kết cho cuộc khủng hoảng trong tương lai gần.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng, cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài vài năm khi mà các dữ liệu thị trường đều cho thấy điều đó. Chẳng hạn Rystad Energy gần đây dự báo, khoảng trống cung cấp khí đốt ở châu Âu sẽ diễn ra trong 3 năm từ 2023 đến 2025 do châu Âu tham vọng thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng LNG.

Trong khi đó, tại Mỹ, các nhà sản xuất khí đốt đang phải vật lộn để đáp ứng mức độ nhu cầu đối với sản phẩm của họ trong khi bị áp lực bởi lạm phát. Hơn nữa, xuất khẩu LNG kỷ lục đang đẩy giá nội địa lên và điều này không khiến người Mỹ hài lòng. Và theo các chuyên gia phân tích, điều tốt nhất mà EU có thể làm là đề xuất giới hạn mức giá mà người mua châu Âu phải trả cho LNG của Mỹ.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/qua-it-qua-muon-i302416/