'Quả ngọt' cải cách hành chính

Một mùa xuân đang gõ cửa. Chào đón năm mới với khí thế hân hoan, phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, và gặt hái những kết quả tích cực. Trong đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) có những 'điểm sáng', hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, mở đường cho sự phát triển.

CHỈ SỐ PAPI VÀ PCI TĂNG BẬC NGOẠN MỤC

Tỉnh Sóc Trăng xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Công tác CCHC đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong lãnh đạo của các cấp ủy, trong hoạt động hành chính của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Trung tuần tháng 4/2023, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 lần lượt được công bố. Sóc Trăng đón nhận tin vui với những điểm số ấn tượng ở 2 chỉ số này, tăng bậc ngoạn mục trong bảng xếp hạng. Đây được xem là “quả ngọt” khởi đầu trong năm 2023.

Chỉ số PAPI 2022 của tỉnh Sóc Trăng đạt tổng số 42,86 điểm, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao. Với điểm số này, Sóc Trăng vươn lên vị trí 24 trong 63 tỉnh, thành phố; tăng 27 bậc và xếp thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tăng 6 bậc). Chỉ số PAPI của tỉnh có sự gia tăng đáng kể về điểm, thứ hạng, nhóm xếp hạng và cao nhất từ trước đến nay.

Về Chỉ số PCI năm 2022, Sóc Trăng đạt 65,17 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 20 bậc so với PCI năm 2021) và là năm đạt thứ hạng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; xếp thứ 7/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tăng 4 bậc).

CCHC đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC HẢI

CCHC đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC HẢI

Phía doanh nghiệp ngày càng tin tưởng lãnh đạo tỉnh trong việc hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện qua thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân ngày càng tích cực và UBND tỉnh cũng được đánh giá năng động, sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp; lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tháo gỡ “điểm nghẽn” tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Từ tháng 5/2023, lãnh đạo tỉnh đã 5 lần gặp gỡ, cà phê với doanh nghiệp, lắng nghe, ghi nhận tất cả các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và giúp giảm phần nào chi phí, thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhận định, các chỉ số được xác định bằng những cách thức, tiêu chí riêng nhưng đều được xem là công cụ đo lường khách quan, toàn diện các nhiệm vụ liên quan CCHC và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước khi phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả các chỉ số cho thấy sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh; sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; là tiền đề thu hút đầu tư vào tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, nâng cao kết quả các chỉ số là cách tốt nhất để nâng cao niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp; tạo sự gắn kết giữa người dân và các cơ quan nhà nước, xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Sóc Trăng so với các tỉnh, thành phố cả nước.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CCHC

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch thực hiện CCHC năm 2023, xác định rõ 7 nhiệm vụ với 39 phần việc. Theo đánh giá của UBND tỉnh, cuối tháng 12/2023, tất cả các nhiệm vụ, phần việc đã được hoàn thành.

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC là thực hiện kiểm tra các nội dung liên quan nhằm phát huy vai trò, kịp thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, tìm giải pháp khắc phục cũng như tháo gỡ kịp thời vướng mắc ở cơ sở. Trong năm 2023, đoàn kiểm tra CCHC tiến hành kiểm tra 10/10 đơn vị. Với đơn vị cấp huyện, đoàn còn kiểm tra 1 đơn vị cấp xã. Qua kiểm tra, đoàn đã chỉ ra 198 vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đến nay, các đơn vị đã khắc phục 171 vấn đề, các vấn đề còn lại đang trong quá trình khắc phục. Ngoài ra, đoàn kiểm tra công vụ tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra 14 đơn vị, chủ yếu ở UBND xã, phường trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kiểm tra này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Kiểm tra, đánh giá năng lực làm việc đối với cán bộ, công chức làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Kiểm tra, đánh giá năng lực làm việc đối với cán bộ, công chức làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Sóc Trăng Khưu Thị Diệu Huyền cho biết, đoàn tiến hành kiểm tra công vụ đột xuất vào đầu giờ hoặc cuối giờ làm việc. Đa số CBCC cấp xã chấp hành theo giờ giấc làm việc; tiếp xúc với người dân nhiệt tình, hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu; giải quyết thủ tục hành chính thì hồ sơ, thủ tục đầy đủ, đúng theo quy định, không yêu cầu người dân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực làm việc của CBCC cấp xã tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Văn Nam thông tin: “Điểm mới trong đánh giá năm nay là CBCC thao tác trực tiếp trên máy tính, trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến với 4 bước: đặt lịch hẹn nộp hồ sơ; xử lý hồ sơ; ký số bản sao, chuyển phát hành; đóng dấu bản sao, vào sổ và trả kết quả”.

Kết quả, 100% CBCC cấp xã đều có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với số lượng là 2.174 tài khoản. Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND cấp xã đều được rà soát, cấp đầy đủ chữ ký số cá nhân phục vụ công tác ký số văn bản trên môi trường điện tử.

Từ đó, việc trải nghiệm và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thực hiện hiệu quả hơn, kết quả đánh giá đạt yêu cầu, tỷ lệ CBCC thực hiện thành công chiếm 99,91%. Hiện nay, bất kỳ lãnh đạo UBND cấp xã nào cũng có thể ký chứng thực bản sao điện tử (trước đây chỉ phân quyền cho 1 lãnh đạo UBND); công chức đều biết cách hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký dịch vụ chứng thực bản sao điện tử.

Những điểm sáng trong công tác CCHC góp thêm bông hoa xuân, dày thêm sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả phục vụ. Phát huy hơn nữa vai trò của CBCC trong thực hiện “câu chuyện cải cách” này. Với sự cố gắng và quyết tâm cao của hệ thống chính trị, trong năm 2023, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt trên 99%. Cụ thể, các sở, ngành đã giải quyết đúng hạn đạt 99,94%; cấp huyện đã giải quyết đúng hạn đạt 99,41%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn cấp xã là 99,79%.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/trong-tinh/qua-ngot-cai-cach-hanh-chinh-69642.html