Quả ngọt trên vùng đồi Như Xuân
Trải dài từ vùng đồi Bãi Trành đến Xuân Bình, từ thị trấn Yên Cát (Như Xuân) xuống vùng đồi bát úp Xuân Hòa, đâu đâu cũng có màu xanh bạt ngàn của cây ăn quả. Nhờ phát huy được quỹ đất đồi mà những năm gần đây huyện Như Xuân đang trở thành vựa cây ăn quả tiềm năng của tỉnh, dần khẳng định được 'thương hiệu' trái cây nhờ chất lượng không thua kém nhiều vùng trong tỉnh, trong nước.

Anh Hoàng Ngọc Thanh ở thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình chăm sóc vườn thanh long trước nhà.
Ở xã miền núi Xuân Bình, mô hình vườn đồi của anh Hoàng Ngọc Thanh tại thôn Hùng Tiến từ lâu được coi là điển hình phát triển kinh tế địa phương. Phát triển nhiều cây ăn quả kết hợp nuôi cá, nhưng cây thanh long ruột đỏ đã trở thành sản phẩm chính của gia đình.
Đến nay, anh đã phát triển 7.000m2 cây thanh long ruột đỏ, chiếm gần 1⁄2 tổng diện tích hơn 1,35ha vườn đồi của gia đình. Những ngày tháng 3 âm lịch, tuy chưa phải chính vụ thu hoạch, nhưng vườn thanh long quanh nhà anh đã đỏ ửng, căng mọng. Ven ngõ đi, quanh sân nhà đều có các cành thanh long vươn lên san sát theo từng hàng đẹp mắt. Để áp dụng tiến bộ trong sản xuất, anh đầu tư máy bơm công suất lớn và hệ thống tưới phun mưa khắp vườn đồi để thay thế sức người. Đó chính là sự khác biệt từ vườn cây ăn quả của anh với nhiều gia đình ở địa phương.
Không cần thuê lao động, hàng ngày vợ chồng anh cần mẫn chăm sóc vườn cây, tự ủ chất thải từ chăn nuôi làm phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng. Theo anh, dùng phân hóa học cây rất nhanh cỗi, trong khi bón phân hữu cơ cây xanh tốt quanh năm, quả rất ngọt nên được thương lái về tận nơi thu mua.
Sau nhiều năm canh tác cây trồng mới này, anh đã nắm trong lòng bàn tay những kỹ thuật để cây cho nhiều quả và chất lượng quả tốt nhất. “Tôi đúc rút ra rằng, thanh long là cây ưa cường độ ánh sáng cao, cần trồng cây cách cây 3m, đồng thời thuận tiện cả cho việc đi lại, chăm sóc. Khi chuẩn bị hom giống, cũng phải chọn cành già trên 2 năm tuổi, không có khuyết tật. Sau đó dựng nơi râm mát chừng 10 đến 15 ngày cho ra rễ rồi mới đem trồng. Tôi thường trồng 4 hom quanh 4 góc trụ bê tông, nhưng nhất định phải vun đất cao hơn mặt vườn vài cm để tránh thối gốc do ngập úng”, anh Thanh chia sẻ.
Ở những khoảng vườn đồi phía xa nhà, anh phát triển những khu trồng na, táo và ổi. Cộng với các ao cá 6 sào, đã đưa tổng thu nhập của gia đình hàng năm lên 600 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, tương đương hơn 1,48 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ ở những vùng đồi lớn hình thành các vườn quy mô, nhiều hộ gia đình trong huyện cũng tận dụng ngay những khoảng đồi nhỏ ven nhà ở để phát triển trồng cây ăn quả. Chỉ với 3.000m2 đất đồi thoai thoải trước sân nhà, gia đình bà Đặng Thị Hội ở thôn Làng Gió, xã Bình Lương đã khéo léo bố trí xen kẽ hai loại cây ăn quả là bưởi và chanh dây. Đây là hình thức tận dụng ánh sáng rất tốt khiến cả 2 đều cho năng suất cao.
Theo bà Hội, khu vườn trước kia trồng rất nhiều cây tạp như bưởi chua, nhãn, xoài, mít... nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó gia đình bà đầu tư hạ độ dốc, cải tạo, dùng hàng chục tấn phân chuồng hoai mục để tạo độ tơi xốp cho đất. Cùng với đó, là hệ thống tưới phun mưa được lắp đặt, cung cấp nước tưới thường xuyên cho cây trồng. Đến nay, 50 gốc bưởi cho thu hái trung bình gần 2 tấn quả, 250 cây chanh dây cho thu hoạch hơn 6 tấn quả. Các loại trái cây được bón phân hữu cơ nên chất lượng quả tốt, được thương lái đến tận vườn thu gom. Chỉ khoảng vườn đồi được coi là nhỏ ở địa phương nhưng gia chủ cũng có thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả, chưa tính những diện tích khác bà đào ao nuôi cá, nuôi đàn gà đồi hàng trăm con.
Thống kê từ UBND huyện Như Xuân, đến thời điểm hiện tại các địa phương trên địa bàn toàn huyện đã phát triển gần 1.400ha cây ăn quả. Trong số đó, cam, bưởi, ổi là 3 loại cây trồng phổ biến nhất. Với những vùng đồi đất đỏ bazan màu mỡ, cộng với khí hậu thổ nhưỡng ôn hòa, nên chất lượng nhiều loại trái cây ở đây không thua kém nhiều vùng chuyên canh đặc sản của cả nước. Hàng nghìn nhà vườn đã phát triển, đưa Như Xuân trở thành vựa cây ăn quả lớn của xứ Thanh. Những vùng đồi vốn hoang hóa, trồng nhiều cây tạp trước kia nay dần trở thành những vùng quả ngọt, giúp cho hàng nghìn hộ dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/qua-ngot-tren-vung-doi-nhu-xuan-244411.htm