'Quả ngọt' từ nỗ lực bảo toàn lao động của doanh nghiệp dệt may

Nhờ giữ ổn định được lực lượng lao động, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã lập tức quay lại guồng sản xuất khi có đủ đơn hàng.

Chia sẻ về điều này, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, một trong những điểm sáng trong năm 2023 và 6 tháng năm 2024 của tập đoàn là ổn định lực lượng với hơn 63 nghìn lao động cấp 1, nếu xét tới lao động cấp 2 là hơn 155 nghìn lao động. Tổng số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ các chương trình chăm lo đời sống, chương trình phúc lợi là trên 62 nghìn người, với giá trị hơn 6,5 tỷ đồng.

Trong đó, riêng trong Tháng Công nhân năm 2024, các cấp công đoàn đã tặng quà, hỗ trợ người lao động vay tiền giải quyết khó khăn, vay vốn làm kinh tế gia đình, hỗ trợ xây và sửa chữa 2 nhà mái ấm công đoàn, hỗ trợ trang bị thiết chế cơ sở, tổ chức bữa cơm công đoàn.

Tập đoàn cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên, diễn tập phòng cháy chữa cháy; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, thi nâng bậc, nâng lương, khám sức khỏe,... đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hoạt động xã hội vì cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh với tổng số tiền ủng hộ gần 3,5 tỷ đồng và 1.200 đơn vị máu.

Năm 2023, trong bối cảnh thiếu đơn hàng, có doanh nghiệp vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn chiếc để có việc làm và thu nhập cho người lao động. Vì vậy, sang năm 2024, đơn hàng khởi sắc trở lại những doanh nghiệp này lập tức quay được lại guồng sản xuất do có đủ lao động”, ông Hiếu cho hay.

"Quả ngọt" từ nỗ lực bảo toàn lao động của doanh nghiệp dệt may

"Quả ngọt" từ nỗ lực bảo toàn lao động của doanh nghiệp dệt may

Lao động luôn được coi là vốn quý của doanh nghiệp dệt may. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp xoay xở bằng mọi cách, thậm chí chịu lỗ khi nhận đơn hàng để có việc làm cho người lao động.

Ông Phạm Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiên Hưng, cũng nhìn nhận, luôn xác định “lấy con người làm trọng tâm”, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo thu nhập của người lao động ngày một tăng mà xây dựng môi trường làm việc xanh, thân thiện, hiện đại cho người lao động cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được chú trọng.

Không chỉ phủ xanh khuôn viên toàn nhà máy bằng các loại hoa và cây xanh, Tiên Hưng còn là một trong những đơn vị đầu tiên lắp toàn bộ hệ thống điều hòa trung tâm cho toàn bộ phân xưởng, với hơn 8.000 mét vuông/sàn.

Tiên Hưng cũng quan tâm tổ chức các mô hình chăm lo cho người lao động, thường xuyên tổ chức các buổi họp tới từng cấp tổ để lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của công nhân với quan điểm người lao động có nhu cầu gì thì sẽ giải quyết ngay.

Ông Tuấn Anh cũng thông tin thêm, trong năm nay, công ty sẽ tập trung đầu tư công nghệ, sắp xếp lại hệ thống nhà xưởng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động làm việc. Công ty đã áp dụng được số hóa ở kho nguyên liệu, quản lý chất lượng sản phẩm và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện áp dụng chuyển đổi số ở các lĩnh vực.

Tiên Hưng hiện đã đủ đơn hàng cho đến hết năm, dự kiến doanh thu năm 2024 tăng 5-7%, theo đó thu nhập bình quân của người lao động cũng sẽ tăng ít nhất khoảng từ 5-7% so với năm 2023.

Cộng hưởng cùng các doanh nghiệp, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích động viên người lao động hăng say thi đua làm việc. Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong 6 tháng năm 2024, công đoàn đã tập trung đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn các cấp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho tổ trưởng sản xuất, quản trị thiết bị … cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.

Đồng thời, tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho đội ngũ vệ sinh viên, phòng chống cháy nổ giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong sản xuất. Tháng Công nhân vừa qua, công đoàn hỗ trợ xây mái ấm công đoàn, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trang bị thiết chế công đoàn tại nơi sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. “Những hoạt động này giúp tinh thần người lao động phấn chấn, hoạt động hiệu quả hơn”, bà Tâm nói.

Có thể thấy, những nỗ lực bảo toàn lực lượng lao động của doanh nghiệp dệt may trong suốt những năm qua, đặc biệt là năm 2023 vô cùng chật vật đã được hồi đáp. Thị trường dần hồi phục, đơn hàng khởi sắc, doanh nghiệp có ngay lao động tay nghề cao để đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội.

Dự báo 6 tháng cuối năm, thách thức với ngành dệt may còn nhiều khi thị trường chưa ổn định, chi phí đầu vào tăng, giá sản phẩm đầu ra vẫn ở mức thấp… sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp dệt may trong nước xác định thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp.

Đồng thời, chủ động thích ứng với các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) và kinh tế tuần hoàn. Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngoài tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách phúc lợi cho người lao động; hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, xã hội và người lao động, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng. Từng bước xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/qua-ngot-tu-no-luc-bao-toan-lao-dong-cua-doanh-nghiep-det-may-327611.html