'Quả ngọt' từ rừng ngập mặn

Với giá trị 'vô biên' mà rừng ngập mặn mang lại, con người đã và đang được hưởng nhiều 'quả ngọt' từ rừng…

Clip "Quả ngọt" từ rừng ngập mặn

Mùa này, cứ khoảng 4 giờ 30 sáng, chị Hoàng Thị Tiện lại chạy xe máy theo đê chắn sóng từ nhà ở tổ dân phố Thanh Bình lên rừng ngập mặn ở tổ dân phố Bắc Châu (cùng phường Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Sau khi để xe trên bờ kè, chị lội xuống bãi sình và chui luôn vào rừng sú vẹt. Từ đó, chị “ở lì” trong rừng cho đến trưa, trước khi thủy triều lên.

Công việc của chị Tiện là “đi săn” con bôm bốp - theo cách gọi của người dân địa phương. Đây là một loài thuộc họ nghêu. Khi thủy triều rút, bôm bốp ẩn mình dưới bùn. Nhưng qua “lỗ thở” của bôm bốp trên bề mặt bùn, người “đi săn” phát hiện ra và chỉ việc dùng tay bới bùn rồi bắt.

 Rừng ngập mặn - "đường đê xanh" bảo vệ làng mạc

Rừng ngập mặn - "đường đê xanh" bảo vệ làng mạc

Khoảng 11 giờ trưa, chị Tiện “tay xách nách mang” chui ra khỏi rừng. Quần áo lấm bùn đất cùng mồ hôi nhễ nhại.

Mặc dù rất mệt nhưng chị vui ra mặt vì săn được nhiều bôm bốp. Với giá bán 15.000 đồng/kg ngay tại cửa rừng, chị Tiện có thu nhập khoảng hơn 300.000 đồng.

Trò chuyện chuyên sâu về rừng ngập mặn

Ở một cánh rừng cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Truyền (73 tuổi, tổ dân phố Liên Thành, cùng phường Ngọc Sơn) cũng đang cặm cụi săn hàu trên bãi sình. Đây là loài hàu ốc chuyên sống trong bùn dưới rừng ngập mặn, khác với hàu sữa bám vào đá và vật cứng.

 Bà Nguyễn Thị Truyền săn hàu bên rừng sú vẹt

Bà Nguyễn Thị Truyền săn hàu bên rừng sú vẹt

Bà Truyền cho biết, ngoài hàu, trong và ven rừng sú vẹt này còn nhiều loài khác như cua, lệch (một loài thuộc họ chạch), cá bớp, cá uốp, cá đối…

Mỗi ngày, bà Truyền “nhặt nhạnh” ở khu rừng này cũng đủ có “đồng ra đồng vào”. Ngoài kiếm thức ăn cho gia đình, hôm nào ăn chán, bà đem bán cũng thu được ít nhất từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.

Bà Truyền hồ hởi: “Nhờ rừng sú vẹt mà ngay cả người già như tôi cũng không lo chết đói. Chỉ có lười biếng mới chết đói thôi! Không cần dụng cụ đánh bắt, chỉ cần một con dao, thế mà đủ ăn".

Theo bà Truyền, rừng sú vẹt không chỉ che chắn sóng gió cho dân làng, mà còn cho cái ăn, nên ông bà ta mới dạy là quý như rừng, ăn theo rừng là vì thế.

Tiến sĩ Vũ Văn Lương, Viện Nông nghiệp - Tài nguyên và Môi trường, Đại học Vinh, chuyên gia nghiên cứu về rừng ngập mặn, nhận định: "Có thể khẳng định, rừng ngập mặn có giá trị “vô biên”, bảo vệ hệ sinh thái vùng cửa sông - ven biển, điều hòa nhiệt độ; hạn chế xói lở, xâm nhập mặn, bảo vệ các loại tài nguyên ven biển trước sự tàn phá của sóng, gió bão, nước biển dâng, triều cường; ngăn chặn quá trình sa mạc hóa khu vực đất canh tác bên trong rừng ngập mặn".

Ngày nay, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó dự báo và kiểm soát, vai trò của rừng ngập mặn càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Lương, qua khảo sát, rừng ngập mặn là địa bàn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, như mô hình nuôi tôm - cua kết hợp, nuôi tôm rảo quảng canh; nuôi nghêu, ốc len, cá mú…

Rừng ngập mặn cũng là môi trường phát triển của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, là nơi ươm giống của nhiều loài chim nước, chim di cư và một số động vật như khỉ, cá sấu, kỳ đà, chồn…

Ngoài ra, rừng ngập mặn ở một số nơi còn trở thành các điểm du lịch sinh thái thú vị, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/qua-ngot-tu-rung-ngap-man-post803665.html