Quả thanh mai tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý khi ăn để tránh gặp giòi
Ngoài ngon miệng và đẹp mắt, thanh mai còn chứa một số đặc tính có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên loại quả này thường có giòi bọ nên mọi người cần sơ chế sạch sẽ trước khi ăn.
Thanh mai là loại quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quả thanh mai chứa các vi chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm một lượng lớn anthocyanin và flavonol được cho là có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, loại quả này thường chứa côn trùng lạ nên mọi người cần cẩn trọng khi ăn và sơ chế sạch sẽ.
1. Giá trị dinh dưỡng của quả thanh mai
Quả thanh mai là nguồn cung cấp dồi dào các dưỡng chất thiamine, riboflavin, carotene, khoáng chất, chất xơ và hàm lượng vitamin C rất cao.
Ngoài ra, quả thanh mai giàu chất chống oxy hóa như anthocyanin, proanthocyanidin oligomeric (OPC), flavonol, ellagitannin và các hợp chất phenolic như axit gallic, quercetin hexoside, quercetin deoxyhexoside và quercetin.
Các monosacarit (loại đường đơn) như rhamnose, arabinose, mannose, glucose và galactose cũng như các ion kim loại như canxi, magiê, kali, sắt và đồng cũng được tìm thấy trong loại quả mọng này.
2. Lợi ích sức khỏe của quả thanh mai
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, quả thanh mai được cho là có đặc tính làm mát, có thể giúp giảm sốt và viêm, được sử dụng để điều trị các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và buồn nôn. Thêm nữa, quả thanh mai được cho là có tác dụng làm dịu tâm trí và có thể được sử dụng để điều trị chứng lo âu và mất ngủ.
Theo một số nghiên cứu, chất chiết xuất từ quả thanh mai có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như:
2.1. Giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là những hợp chất bảo vệ cơ thể khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Gốc tự do là những phân tử không ổn định có thể gây hại cho tế bào và góp phần phát triển các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim và bệnh Alzheimer
Như đã đề cập trong phần giá trị dinh dưỡng, quả thanh mai có chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể kể đến như anthocyanin - một loại chất chống oxy hóa khiến quả có màu đỏ đậm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng anthocyanin có thể giúp giảm viêm, cải thiện chức năng nhận thức và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Đặc biệt, ngoài anthocyanin, quả thanh mai cũng rất giàu proanthocyanidin oligomeric (OPC), loại chất chống oxy hóa loại bỏ gốc tự do mạnh nhất. OPC được cho là hỗ trợ mọi hệ thống trao đổi chất trong cơ thể bằng cách bảo vệ nó khỏi những căng thẳng bên trong và môi trường.
Mạnh gấp 20 lần so với Vitamin C và 50 lần so với Vitamin E, OPC được cho là có khả năng chống lại các bệnh tim mạch, bệnh thoái hóa và lão hóa sớm. OPC cũng đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, hạ huyết áp và giúp giảm mức cholesterol LDL, tăng sức mạnh và độ đàn hồi của mạch máu đồng thời làm chậm quá trình phân hủy collagen, giữ cho da săn chắc và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
2.2. Tốt cho hệ tiêu hóa
Quả thanh mai là nguồn chất xơ tốt, chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan.
Chất xơ rất quan trọng để duy trì sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng táo bón. Hơn nữa, chất xơ cũng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và có thể làm giảm mức cholesterol.
2.3. Giúp giảm cân, đẹp da
Quả thanh mai có giá trị dinh dưỡng cao nhưng chứa ít calo. Một cốc thanh mai chỉ chứa khoảng 70 calo nên đây là món ăn nhẹ tuyệt vời cho những người đang trong quá trình giảm cân hoặc giữ cân.
Ngoài ra, quả thanh mai cũng là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch và sức khỏe của làn da.
2.4. Có đặc tính chống viêm
Viêm là một phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng, nhưng viêm mãn tính có thể góp phần vào sự phát triển của nhiều bệnh, bao gồm viêm khớp, tiểu đường và ung thư.
Quả thanh mai chứa các hợp chất đã được chứng minh là làm giảm viêm trong cơ thể, có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh mãn tính.
Ngoài các tác dụng trên, quả thanh mai còn có chứa kali, giúp điều chỉnh huyết áp và có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
3. Những lưu ý khi ăn quả thanh mai
Quả thanh mai thường có ấu trùng lạ như giòi bọ. Giòi bọ ở quả thanh mai là sâu non được các loại côn trùng đẻ trứng vào khi chín, bởi vỏ của quả này có chất đường và sần sùi nên khó nhìn thấy. Sau đó, trứng chui vào quả, tạo thành nhộng con đến giai đoạn ấu trùng sẽ chui ra tạo thành giòi hay sâu non và ăn hết thịt của quả.
Mặc dù giòi bọ ở quả thanh mai không có độc và thường không gây nguy hiểm nhưng chúng tạo cảm giác ghê sợ cho người ăn. Do đó, mọi người nên sơ chế sạch sẽ và cẩn thận khi ăn loại trái cây này.
Để loại bỏ được hết giòi bọ trong quả thanh mai, trước khi ăn, mọi người nên ngâm loại quả này vào nước muối pha loãng trong khoảng 10 phút. Nếu trong thanh mai có giòi bọ, chúng sẽ tự động chui ra. Sau khi đã ngâm với nước muối xong, mọi người đem rửa sạch lại quả thanh mai một lần nữa dưới vòi nước đang chảy. Sau đó, để ráo nước là bạn đã có thể thưởng thức.
4. Cách bổ sung quả thanh mai vào chế độ ăn uống
Quả thanh mai có thể được bổ sung theo nhiều cách:
- Một trong những cách phổ biến nhất để thưởng thức thanh mai là ăn tươi. Bạn có thể sử dụng như một món ăn nhẹ hoặc thêm vào món salad trái cây để tăng hương vị.
- Cách thưởng thức phổ biến thứ hai là làm mứt hoặc thạch. Hàm lượng pectin cao của trái cây này làm cho nó trở thành một lựa chọn tuyệt vời để làm mứt và thạch dễ đông cứng. Mọi người có thể sử dụng mứt thanh mai để ăn với bánh.
- Không chỉ sử dụng trong các món ăn, thanh mai có thể được chế biến thành đồ uống. Bạn có thể làm sinh tố hoặc nước ép thanh mai.
Nhìn chung, tùy vào phong cách chế biến ẩm thực ở mỗi vùng mà bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng.
Nguồn: Tổng hợp