Hải quân Mỹ hôm 15/6 thừa nhận quá trình khôi phục hoạt động cho tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut chỉ có thể hoàn tất sớm nhất vào đầu năm 2026. Như vậy thời gian sửa chữa kéo dài tới 5 năm.
Trong khi sẽ phải mất ít nhất 80 triệu USD cho chi phí sửa chữa phần mũi và cánh lái của tàu ngầm này.
"Quá trình sửa chữa tàu ngầm USS Connecticut cho thấy hải quân Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu sửa chữa tăng vọt trong thời gian ngắn. Điều này hoàn toàn không có lợi khi xảy ra xung đột", bà Diana Maurer, giám đốc phụ trách đánh giá năng lực sẵn sàng chiến đấu thuộc Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO), nhận xét.
Báo cáo được GAO công bố những năm gần đây cảnh báo khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội tàu ngầm Mỹ liên tục bị ảnh hưởng vì quá trình bảo dưỡng chậm tiến độ.
18 trong số 49 tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ đang nằm cảng sửa chữa, trong khi tổng thời gian bảo dưỡng trong giai đoạn 2014-2020 vượt xa kế hoạch đặt ra.
"Trong giai đoạn 2008-2018, các tàu ngầm hải quân Mỹ mất 10.363 ngày làm nhiệm vụ, tương đương 28 năm, vì chậm trễ trong quá trình sửa chữa tại nhà máy", báo cáo của GAO hồi năm 2022 có đoạn.
USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Tàu ngầm va chạm với núi ngầm không có trên hải đồ khi làm nhiệm vụ ở Biển Đông hồi đầu tháng 10/2021, khiến 11 thủy thủ bị thương và tàu ngầm phải di chuyển trong trạng thái nổi suốt một tuần để về căn cứ Guam.
Chiến hạm nằm tại Guam gần hai tháng trước khi thực hiện "hành trình ác mộng" khoảng 10.000 km về cảng nhà ở bang Washington của Mỹ.
Hình ảnh khi đó cho thấy mũi tàu trơ trọi vì không có mũi thép che tạm sau sự cố, làm lộ rõ khoang chứa hệ thống định vị thủy âm (sonar).
Seawolf (Sói biển) là loại tàu ngầm hiện đại nhất, mạnh nhất Mỹ từng chế tạo. Loại tàu ngầm hạt nhân này được thiết kế cho nhiệm vụ "tàng hình trong lòng đại dương" để tìm diệt tàu ngầm đối phương.
Khi nói tới loại tàu ngầm tấn công hạt nhân mạnh nhất của Mỹ không thể không nhắc tới Seawolf. Lớp tàu ngầm được đặt biệt danh là "sói biển" hay "F-22 của Mỹ trong lòng đại dương".
Lớp tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf cũng được đánh giá là đi trước thời đại của hải quân Mỹ.
Trong khi những tàu ngầm hạt nhân thông thường chỉ hoạt động ở độ sâu 300-400m thì tàu ngầm hạt nhân Seawolf lại được thiết kế để lặn ở độ sâu tối đa lên tới 900m.
Không những vậy những những chiếc Sói biển này di chuyển gần như im lặng trong lòng đại dương. Đây chính là ý do khiến cho chúng còn được biết tới là "F-22 trong lòng đại dương".
Việc hoạt động không tạo ra nhiều tiếng ồn khiến tàu ngầm này lại tàng hình ngay trước các hệ thống dò tìm sonar của đối phương.
Độ ồn của tàu ngầm Seawolf thấp hơn 10 lần so với tàu Los Angeles phiên bản cải tiến và thấp hơn tới 70 lần so với lớp Los Angeles phiên bản đầu tiên, và thấp hơn 100 lần so với tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Lịch sử phát triển của loại tàu ngầm này khá li kỳ. Cuối những năm 1980, Liên Xô nhận được thông tin tình báo rằng Hải quân Mỹ có thể lần theo dấu vết các tàu ngầm của họ thông qua tiếng ồn lớn phát ra từ chân vịt.
Kết quả là Liên Xô đã tìm kiếm các loại máy móc tiên tiến để chế tạo ra các loại chân vịt tàu ngầm tốt nhất.
Năm 1981, công ty Toshiba của Nhật đã bán dây chuyền sản xuất chân vịt cho Liên Xô thông qua công ty Kongsberg của Na Uy.
Đến giữa những năm của thập niên 1980, các tàu ngầm hạt nhân mới của Liên Xô bắt đầu áp dụng công nghệ này có hiệu quả.
Tàu ngầm lớp Akula mới của Liên Xô đã giảm được tiếng ồn đáng kể. Một nguồn tin chính phủ nói với Los Angeles Times rằng “các tàu ngầm của Liên Xô hoạt động bớt ồn hơn sau khi sử dụng động cơ của Toshiba"
Với các cải tiến mới, tàu ngầm lớp Akula có thể hoạt động ở độ sâu tối đa tới 600 m, trong khi các tàu ngầm hàng đầu của hải quân Mỹ - tàu ngầm lớp Los Angeles, chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 200 m.
Đối phó với mối đe dọa của tàu ngầm Akula, Hải quân Mỹ đã “đáp lại” bằng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf.
Tàu ngầm “sói biển” được thiết kế với khung thân hợp kim thép HY-100 dày 5cm, cải thiện khả năng chịu áp lực khi lặn sâu.
Thép HY-100 cũng cứng hơn 20% so với thép HY-80 được sử dụng ở lớp Los Angeles.
Kết quả là, tàu ngầm lớp Seawolf có khả năng lặn sâu tới 600 m và độ sâu “tới hạn” là 900m.
Tàu ngầm lớp Seawolf được thiết kế ngắn hơn một chút so với các loại tàu ngầm trước đó với chiều dài 107m, chiều rộng 12m, trọng lượng lên tới hơn 12.150 tấn.
Tàu ngầm sử dụng lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S6W, vận hành 2 turbine hơi nước với tổng công suât 52.000 mã lực.
Seawolf cũng là loại tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống đẩy phản lực nước để di chuyển thay vì chân vịt. Điều này giúp cho chúng có độ hoạt động cực êm dưới nước.
Đặc tính kỹ thuật này mãi mới được sử dụng với tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia để giảm độ ồn khi hoạt động.
Với cách di chuyển độc đáo này, tàu ngầm Seawolf có thể đạt tốc độ 18 hải lý/h khi nổi và 35 hải lý/h khi lặn.
Khi cần hoạt động bí mật, tàu ngầm lớp Seawolf sẽ duy trì tốc độ khoảng 20 hải lý/h, lúc này chúng gần như vô hình trước các hệ thống dò âm của tàu ngầm đối phương.
Tàu được trang bị bộ định vị thủy âm khẩu độ rộng BQQ 5D bố trí ở mũi tàu và một số thành phần gắn xung quanh thân tàu.
Bên cạnh đó chúng còn được tích hợp hệ thống BQS 24 để phát hiện thủy lôi.
Về trang bị vũ khí, tàu ngầm lớp Seawolf được trang bị 8 ống phóng ngư lôi với cơ số đạn mang theo 50 quả.
Ngoài ra chúng còn trang bị tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk. Đây thực sự là một quái vật đại dương, giúp Mỹ tạo uy thế trước đối thủ.
Mặc dù Seawolf là tàu ngầm hạt nhân vượt trội cả về hiệu quả chiến đấu, nhưng tư tưởng Chiến tranh Lạnh ở thời điểm phát triển dự án chấp nhận hiệu quả cao đi kèm chi phí “khủng” để giải quyết những mối đe dọa lớn.
Hiệu quả vượt trội tất nhiên cũng đi kèm với chi phí vượt trội. Chương trình Seawolf ước tính tốn khoảng 33 tỷ USD cho 12 chiếc tàu ngầm, một chi phí không thể chấp nhận được trong bối cảnh Liên Xô tan rã năm 1991 và mối đe dọa của tàu ngầm Akula không còn.
Cuối cùng chương trình bị đóng lại sau khi chỉ 3 chiếc được chế tạo khi Chiến tranh lạnh kết thúc.