Quản Bạ chuyển mình từ phát triển cây con, hàng hóa

Từ 360 tỉ đồng vào năm 2015, đến năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã đạt trên 750 tỉ đồng - con số đáng tự hào đối với một huyện vùng cao núi đá. 'Chìa khóa' để đạt được con số ấn tượng trên đến từ quyết định chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa với những loại cây đặc sản, lợi thế.

Người dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến đã có thu nhập ổn định nhờ tham gia trồng rau hàng hóa. Ảnh: Hoàng Mai

Người dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến đã có thu nhập ổn định nhờ tham gia trồng rau hàng hóa. Ảnh: Hoàng Mai

Từ chủ trương đúng…

Có mặt tại Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ vào cuối tháng 6-2020, lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn ngắm và dùng thử nhiều sản phẩm nông nghiệp của Quản Bạ như: Dưa hấu, chè san tuyết, mật ong bạc hà, đồ thổ cẩm, rau quả... Chúng tôi khá ngỡ ngàng bởi không nghĩ tại địa phương xa xôi như Quản Bạ, đồng bào đã có thể làm ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp có bao bì, nhãn mác khá bắt mắt như vậy. Chất lượng của sản phẩm cũng rất thơm ngon, mang nhiều đặc trưng của núi, rừng Quản Bạ...

Chia sẻ về câu chuyện phát triển nông nghiệp hàng hóa của Quản Bạ, anh Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ cho biết: “So với các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Với quyết tâm khai thác hiệu quả các tiềm năng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, UBND huyện Quản Bạ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, lãnh đạo huyện Quản Bạ đã chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất rau, hoa, dược liệu; vùng thâm canh cây lương thực, chè san tuyết và vùng trồng cây ăn quả đặc sản hồng không hạt. Cùng với đó, huyện chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thâm canh, tăng vụ nhằm tăng cao giá trị thu được trên mỗi héc-ta.

Với lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đàn gia súc, Quản Bạ tiếp tục vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các nghị quyết 209, 86, 29 của HĐND tỉnh Hà Giang, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ cho người dân đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

... Đến những vùng cây trái ngọt lành

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải, tự phát và thiếu định hướng, đến nay, Quản Bạ đã quy hoạch và hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô trên 1.000ha gắn với thị trường tiêu thụ ổn định tại các xã Quyết Tiến, Tam Sơn, Quản Bạ, Tùng Vài. Tiêu biểu như: Vùng sản xuất rau, hoa, cây dược liệu; vùng sản xuất cây lương thực, cây ăn quả ôn đới; vùng phát triển chăn nuôi hàng hóa gắn với trồng cỏ; vùng trồng bạc hà gắn với nghề nuôi ong lấy mật...

Nhờ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng, giá trị thu được tính trên đơn vị diện tích được nâng lên. Riêng vùng sản xuất rau, hoa trái vụ của huyện Quản Bạ đã cho thu nhập 200 triệu - 500 triệu đồng/ha, đặc biệt có hợp tác xã doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm... Nhờ đó, thu nhập của các thành viên và người lao động được nâng lên đáng kể. Đơn cử như sản phẩm hồng không hạt, song song với việc xây dựng thương hiệu, Quản Bạ đã mở rộng vùng trồng, tăng 90ha so với năm 2015, thu hoạch đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi tại Quản Bạ cũng có những bước tiến đáng kể với tổng đàn năm 2015 là 18.500 con, nay tăng lên 24.500 con (không kể số lượng đã bán và giết mổ), sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 3.000 tấn, giá trị trên 300 tỉ đồng. Các mô hình chăn nuôi lợn, gà, bồ câu theo hướng trang trại, gia trại ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Quản Bạ đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chè từ việc thu hái, chế biến búp chè cổ thụ trên núi cao. Ảnh: Bích Nguyên

Quản Bạ đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chè từ việc thu hái, chế biến búp chè cổ thụ trên núi cao. Ảnh: Bích Nguyên

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau đang lên xanh với đủ các loại rau trái vụ như: Su hào, củ cải, ngũ gia bì..., chị Lộc Thị Liên, người dân tộc Bố Y (xã Quyết Tiến) chia sẻ: “Rau thu hoạch đến đâu, có người mua hết đến đó. Nhờ trồng rau để bán, nhiều gia đình đã có tiền xây nhà, lo cho con cái học hành”. Phấn khởi với những đổi thay rõ rệt của địa phương nhờ phát triển sản xuất hàng hóa, anh Lê Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Quyết Tiến bộc bạch: “Xã Quyết Tiến đang phát triển vùng trồng đương quy, cây mã đề, rau xanh. Đương quy, cây mã đề chủ yếu là bán thô nhưng thu được khoảng 360 triệu đồng/ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đang liên kết các tổ hợp tác để phát triển sản xuất hữu cơ, đi sâu vào chế biến theo chuỗi, định hướng để bà con trồng theo nhu cầu khách hàng chứ không chỉ trồng những gì mình có như trước kia..”.

Lên với Quản Bạ, ngắm chè xanh trên núi, hoa nở trên đá, rau - trái thu hoạch 4 mùa, chúng tôi thấy mừng vì vấn đề phát triển kinh tế hàng hóa vốn xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số nơi núi cao nay trở thành câu chuyện được tính toán, bàn bạc sôi nổi trong nhiều nếp nhà, tại các cuộc họp xã, thôn, hợp tác xã.

Có được chủ trương, định hướng đúng và sự vào cuộc quyết liệt, tận tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân..., chúng tôi tin rằng, kinh tế - xã hội Quản Bạ rồi sẽ ngày càng khởi sắc - bắt đầu từ những đổi thay tích cực trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào hôm nay.

Hoàng Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-ba-chuyen-minh-tu-phat-trien-cay-con-hang-hoa-post433654.html