Quán bún riêu ở Bạch Mai: 'Chủ quán viết thư tay xin lỗi, dân mạng dậy sóng tẩy chay'

Mặc dù chủ quán bún riêu đã hoàn tiền, xin lỗi khách hàng về việc thu 1,2 triệu đồng 3 bát bún riêu nhưng vẫn nhận về nhiều lời bình luận bày tỏ sự không ủng hộ.

Dân mạng dậy sóng dù chủ quán đã viết thư tay để xin lỗi khách hàng

Những ngày vừa qua, mạng xã hội dậy lên làn sóng tẩy chay quán bún riêu tại số 54 Bạch Mai vì bị phản ánh thu của khách 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu vào đêm mùng 1 Tết. Hiện nay, quán đã bị đình chỉ và chưa hoạt động trở lại. Chủ quán bún riêu cua đã lên tiếng xin lỗi vị khách hàng và mong muốn được trả lại số tiền thừa cho vị khách. Bên cạnh đó, vị khách hàng cũng đã đăng bản viết tay xin lỗi của chủ quán lên trang cá nhân và cho biết đã chấp nhận lời xin lỗi, hy vọng chủ quán sẽ rút kinh nghiệm sau sự việc này.

Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều trang cộng đồng và diễn đàn trên mạng xã hội đã đua nhau chia sẻ bức thư viết tay của anh Bùi Hải Ninh (người 'hô' giá) trong quán bún riêu. Đáng chú ý, đa phần cộng đồng mạng vẫn tỏ ra bức xúc và khẳng định sẽ không tới đây ủng hộ quán nữa : "Nên cấm vĩnh viễn. Người H cũng nên bảo nhau tẩy chay và làm nặng, những kẻ khốn nạn đó cần chừa bớt"; "Sao không nói 12 nghìn cho 4 bát đi, cũng là nói đùa mà ta"; "Không có bị bóc phốt thì chắc xin lỗi, chắc trả tiền lại?"; "Thôi dẹp đi, ví dụ khách chuyển khoản 5k, xong khách nói là đùa cho vui xem chủ quán có kêu cả họ ra đấm khách lếch từ trong nhà ra ngoài ngõ không, nuốt không trôi nên giờ lên xin lỗi hả?".

"Nếu không có chính quyền can thiệp vào chắc còn lâu mới có thư tay như này ,động vào miếng cơm cái khác ngay"; "Nuốt không trôi thì bảo là đùa. Nực cười thế! Đây là cách làm ăn theo kiểu ăn sổi, chụp giật những quán này sớm muộn cũng không tồn tại lâu được"; "Thích tẩy trắng nhỉ, quen biết gì mà đùa, Tết nhất quán đông lại còn thích đùa, nuốt không trôi quay sang bảo đùa";...

Bài đăng xin lỗi của chủ quán trên trang cộng đồng Facebook 'Top Comments' cũng thu hút hơn 3 nghìn lượt thích, hơn 300 bình luận. Trong đó, các bình luận đa số đều hướng về việc cho rằng chủ quán tạm làm 'giải pháp tình thế' do vừa bị phốt và tạm đình chỉ kinh doanh. Chủ quán chỉ đăng tải bài viết lên để xin lỗi vì bị phát hiện.

Tài khoản Cao Trong bình luận: "Ban đầu có thể là đùa sau thấy khách chuyển thật nên tính ăn luôn. Còn ai bảo sao khách không làm ầm lên thì nhìn thái độ người em nhé, làm ầm lên thì có vác xác ra khỏi quán được không đã".

Bài đăng trên Hội khẩu nghiệp cũng thu hút hơn 1 nghìn lượt thích, hơn 300 lượt bình luận, đa phần đều phản đối quán bún: "Sao khách hỏi lại 2 lần vẫn là đùa, đùa dữ chưa?"; "Trăm nghe ko bằng 1 thấy: nếu đúng là chỉ đùa thì quán sao kê đi ạ. Nếu nhiều người cùng chuyển giá 400k/bát thì không phải đùa. Còn nếu chỉ 40k-80k thì xin hứa sẽ quay xe ủng hộ quán"; "Đó là lý do tôi không bao giờ ra ngoài đó du lịch, sợ hãi"; "Con em chửi khách dữ lắm mà. Không thấy nó viết thư xin lỗi nhỉ? Mà cái này là do phường ép viết chứ có phải tự nguyện viết đâu. Xin lỗi vì đã bị bắt quả tang chứ không phải xin lỗi vì biết hối cãi";...

Ba bát bún riêu có giá lên đến 1,2 triệu đồng đang gây bức xúc trong cộng đồng những ngày qua.

Ba bát bún riêu có giá lên đến 1,2 triệu đồng đang gây bức xúc trong cộng đồng những ngày qua.

Bên cạnh đó, cũng có không ít những bình luận cho rằng 'đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại', khi họ đã biết sai thì nên bao dung và cho chủ quán cơ hội để sửa sai: "Thực ra bác này hay nói đùa thế mà, tôi ăn ở đây thấy ngon nha"; "Mình cũng nghĩ chủ quán bún riêu không cố ý, kiểu nói đùa thế nhưng không may khách tưởng thật, thôi hoan hỉ"; "Nhiều chỗ hay đùa thế mà đâu phải nguyên chú này đâu, thôi hy vọng lần sau chú rút kinh nghiệm ạ";...

Trong bức thư tay xin lỗi khách, chủ quán viết:

"Đêm mùng 1 Tết, khi gia đình bác đến ăn bún tại quán, tôi đã có lời nói đùa cợt về việc thanh toán 3 bát bún riêu từ 40.000 đồng thành 400.000 đồng khiến bác hiểu nhầm và thanh toán đúng 1.200.000 đồng. Bản thân tôi cũng không mở tài khoản kiểm tra để sự hiểu lầm càng lớn hơn. Rồi sau đó em gái tôi (đang sống tại TP.HCM) chưa tìm hiểu rõ sự thật cũng lên mạng nói qua nói lại, càng làm tăng thêm sự bức xúc của gia đình.

Qua sự việc này tôi nhận thấy mình có nhiều thiếu sót đối với gia đình bác cũng như trong việc kiểm soát hành động bán hàng, tôi viết những lời này mong bác và gia đình thông cảm, chia sẻ và tha lỗi cho tôi. Tôi xin thành thật xin lỗi gia đình bác, cũng thay mặt em gái xin lỗi bác và gia đình".

Trước đó, một tài khoản chia sẻ trên Threads về việc phải trả 400.000 đồng cho một bát bún riêu tại quán bún 54 Bạch Mai. Cô đã chuyển khoản 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún vào đêm 29/1, rạng sáng 30/1 (tức mùng 2 Tết).

Ngày 31/1, UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) chỉ đạo lực lượng công an và y tế phường xác minh, chủ quán thừa nhận có sai sót, do "đùa" nên báo giá 1,2 triệu đồng/3 bát bún riêu. Không ngờ khách tưởng thật nên chuyển khoản thanh toán 1,2 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động của quán bún riêu".

Bức thư tay của chủ quán bún riêu số 54 Bạch Mai.

Bức thư tay của chủ quán bún riêu số 54 Bạch Mai.

Gia đình khách hàng chấp nhận lời xin lỗi, về số tiền thừa, gia đình sẽ mang đi ủng hộ quỹ vì người nghèo, ngoài ra khách hàng cũng mong muốn phường tạo điều kiện cho chủ quán bán hàng trở lại.

Vấn đề 'chặt chém' gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch Thủ đô

Trong thời buổi hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, việc kinh doanh buôn bán càng phải minh bạch. Đặc biệt, trong thời đại dân trí ngày càng phát triển, tuyệt đối không nên dùng những chiêu trò gian lận, đánh tráo khái niệm, đưa khách hàng vào muôn trùng chiêu trò 'bẫy mạng nhện' bởi người dân càng ngày càng thông thái. Nếu khách hàng không đăng tải lên mạng xã hội thì có lẽ họ cũng một đi không trở lại nơi 'chặt chém cắt cổ'.

Cách đây khoảng 1 năm về trước, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) cũng đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. Tại buổi làm việc, người phụ nữ bán hàng tên là B.T.L (thường trú ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, hiện tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Thủ đô Hà Nội đối với du khách nước ngoài. Chị L cho biết, sau khi nhận thấy việc bán cho khách với mức giá 200.000 đồng là không đúng, chị đã trả lại tiền cho hai vị khách. Chị L cam kết sẽ không tái phạm.

Hay kể đến sự việc người phụ nữ bán 4 chiếc bánh rán cho khách Tây với giá 50.000 đồng cũng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Khi vị khách Tây không đồng ý, trả giá xuống 25.000 đồng thì người phụ nữ vùng vằng, dúi tiền thừa vào tay khách rồi bỏ đi. Sau đó, Công an phường Lý Thái Tổ đã xử phạt người này 150.000 đồng về hành vi bán hàng rong, yêu cầu cam kết không bán hàng rong trái quy định.

Người bán hàng rong bị tố "chặt chém" khách Tây.

Người bán hàng rong bị tố "chặt chém" khách Tây.

Có thể thấy, những sự vụ về việc "chặt chém", "chèo kéo" khách hàng được xem là "con sâu bỏ rầu nồi canh" nhưng trong thời đại thông tin lan tỏa mạnh mẽ trên các diễn đàn mạng xã hội lại gây hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, đến môi trường du lịch Thủ đô. Do đó, cần triển khai các biện pháp hiệu quả, đồng bộ để chấm dứt triệt để tình trạng này.

Quay lại câu chuyện chủ quán bún riêu Bạch Mai, mặc dù anh đã giải thích rằng không cố ý, đã viết tâm thư để xin lỗi khách hàng, được vị khách chấp nhận nhưng cũng vẫn nhận về nhiều lời chỉ trích, để lại điều tiếng không hay.

Sau sự việc này, có thể nói đây là bài học xương máu cho chính chủ quán và những người đang kinh doanh, buôn bán đa dạng các hình thức khác nhau trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Có thể quán bún này sẽ được nhiều người biết tới nhưng với 'tiếng tăm' mà chính chủ quán cũng không mong muốn.

Nhìn chung, muốn xóa bỏ được tình trạng 'chặt chém' ở Việt Nam nói chung, cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của tỉnh, thành phố. Đồng thời, các bộ, ban ngành nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.

Hoàng Minh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quan-bun-rieu-o-bach-mai-chu-quan-viet-thu-tay-xin-loi-dan-mang-day-song-tay-chay-172250205100659617.htm