'Quản' chặt mức thu phụ phí của các hãng tàu biển
Chiều 12/3, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức cuộc họp giữa các liên quan về vấn đề phụ thu ngoài giá container vận tải bằng đường biển. Theo Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười, hiện nay, các loại phí, phụ phí của các hãng tàu đang bị 'thả nổi', để hãng tàu tự quyết định mức giá.
Khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải được thông qua với mức điều chỉnh phí dịch vụ xếp dỡ container tăng khoảng 10% thì các hãng tàu cũng tăng phụ phí. Tuy nhiên, các hãng tàu tăng khoảng 3 lần so phí điều chỉnh bốc xếp khiến các chủ hàng chịu nhiều thiệt thòi.
“Thả nổi” phụ phí
Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam Phan Thông cho biết, phụ phí xếp dỡ tại cảng biển mà các hãng tàu thu của chủ hàng xuất nhập khẩu vừa qua thay đổi khá đột ngột, gây ảnh hưởng lớn tới các chủ hàng. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do biến động chính trị thế giới gây cản trở các tuyến giao thông, làm nhiều tuyến hàng hải quốc tế bị cắt đứt, khiến chi phí, thời gian chuyển hàng đều tăng mạnh.
Từ tháng 2, các hãng tàu tăng phí xếp dỡ tại cảng biển, mức giá dịch vụ xếp dỡ container tăng khoảng 10%. Trong khi mức tăng của cảng không nhiều so các chi phí của cảng thì mức phí này lại tăng rất mạnh, có nhiều điểm bất hợp lý. Các chủ hàng như bị sức ép vì còn nhỏ lẻ, tiếng nói yếu ớt. Hãng tàu cần đưa ra mức giá phù hợp để các bên kinh doanh có lãi, nhưng vẫn hỗ trợ lẫn nhau.
"Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan, trong đó có việc đưa phụ phí vào danh mục phải kê khai", ông Phan Thông đề xuất.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam Phạm Quốc Long cho hay, theo thông lệ quốc tế, phí xếp dỡ tại cảng biển sẽ dành 80% để trả phí bốc xếp cho cảng, nhưng ở Việt Nam mới trả được khoảng 40%. Phụ phí là nguồn thu của hãng tàu, đôi khi một số tuyến tàu cạnh tranh mạnh, giá cước có thể âm thì các phụ phí trên sẽ là nguồn thu trong những biến động về giá cước.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Lê Quang Trung, trong bối cảnh hiện tại, gần như 100% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều được vận tải bằng các hãng tàu nước ngoài, chủ yếu là 10 hãng tàu lớn. Có nhiều lý do hãng tàu tăng phụ phí trong đó có việc một số hãng tàu phải cố gắng duy trì, bảo đảm thời gian giao hàng trong điều kiện tàu không thể chạy qua kênh đào Suez, ảnh hưởng tới cam kết thương mại.
Mặc dù vậy, việc tăng giá dường như chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng cho nên cơ quan quản lý cũng cần xem xét hành lang pháp lý để có quản lý các mức phụ thu của hãng tàu sao cho phù hợp.
Theo quy định hiện hành, hãng tàu chỉ cần niêm yết mức phí trước khi điều chỉnh 15 ngày. Cần xem xét sòng phẳng, minh bạch, so sánh cơ chế luật pháp của Việt Nam với quốc tế, lưu ý đối tượng cần xem xét, quản lý như thế nào phù hợp. Đồng thời, hãng tàu cần tăng năng lực cạnh tranh của chính các chủ hàng, các doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics để đưa ra các giải pháp tổng thể, cũng như phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế, bảo đảm tính tự lực tự cường, không bị phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Kiểm soát chặt việc tăng phụ phí
Là hãng tàu hiếm hoi không tăng phí xếp dỡ tại cảng biển thời gian qua, đại diện hãng tàu Maersk Lines tại Việt Nam thông tin, thời điểm này, hãng vẫn đang xem xét, nghiên cứu phân tích thị trường, đánh giá nhu cầu của khách hàng và vấn đề cung cầu, các phụ phí của hãng đều được quyết định ở cấp vùng. Đại diện hãng bày tỏ mong muốn bình ổn thị trường, nếu có kế hoạch tăng phí xếp dỡ tại cảng biển, hãng sẽ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thông báo tới cơ quan quản lý và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện hãng tàu Yangming tại Hà Nội lý giải, việc các hãng tàu tăng phụ phí thời gian qua do các hãng gặp nhiều khó khăn, kinh doanh dưới mức hòa vốn. Trong khi thế giới có nhiều biến động gây khó khăn cho các hãng tàu, Việt Nam cũng là quốc gia xuất siêu nên lượng container luôn thiếu. Những khó khăn về tài chính là nguyên nhân khiến các hãng tàu tăng phụ phí để cân đối.
Còn đại diện hãng tàu MSC giải thích, hãng tàu có nhiều năm bị thua lỗ nên khi thị trường có dấu hiệu tăng, hãng tàu cũng tăng giá theo. Hãng tàu chịu nhiều sức ép về chi phí, phí xếp dỡ tăng cũng nương theo mức tăng của giá dịch vụ cảng biển và điều này hoàn toàn là công bằng. Tất nhiên, vẫn có một số đại lý tranh thủ tăng phí một cách bất hợp lý.
Tuy vậy, đa số đại diện các hãng tàu đều khẳng định chưa bao giờ có ý định tận thu tại Việt Nam. Các hãng luôn xác định Việt Nam thị trường được ưu tiên hàng đầu và cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, theo dõi và thực thi các quy định của Nhà nước. Sau cuộc họp, đại diện các hãng cam kết sẽ báo cáo lại cấp có thẩm quyền xem xét lại vấn đề về phí, phụ phí để có mức điều chỉnh hợp lý.
Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đánh giá, hiện nay phí và phụ phí của các hãng tàu đang thả nổi theo thị trường, mức tăng phụ thuộc vào chỉ số kinh doanh của các hãng tàu để xác định phụ thu. Các hãng tàu và doanh nghiệp, chủ hàng cần trao đổi, đàm phán để đưa ra giải pháp hài hòa khi cơ quan quản lý chưa có chế tài và hành lang pháp lý để quản lý. Việc niêm yết phụ thu của hãng tàu cũng cần minh bạch, công khai.
Ông Lê Đỗ Mười đề nghị, các hãng tàu xem xét, điều chỉnh mức phí bảo đảm cân bằng, phù hợp, tính toán cả vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ xem xét, lập đoàn thanh tra, kiểm soát các công ty môi giới, đại lý trong việc tuân thủ các quy định, hành lang pháp lý của Việt Nam, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quan-chat-muc-thu-phu-phi-cua-cac-hang-tau-bien-post799714.html