Quán Chiêu Văn - Ấn tượng từ một địa chỉ văn chương facebook
Khoảng vài năm trở lại đây, các diễn đàn văn chương Facebook phát triển mạnh mẽ, tạo nên sân chơi để các cây bút trẻ giao lưu, học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau trên con đường sáng tác đầy gian nan, khổ hạnh. Nổi bật trong số đó không thể không kể tới Quán Chiêu Văn (QCV) - một địa chỉ thu hút sự quan tâm của hơn 31.000 người yêu thích văn chương.
Kết nối đam mê
Được thành lập từ ngày 30/4/2018, với sự khởi xướng của nhà văn Trịnh Đình Nghi, người luôn đau đáu về việc khơi nguồn cho dòng chảy văn học thông qua tương tác mạng xã hội Facebook. Tính đến nay, QCV đã làm tốt vai trò kết nối, truyền ngọn lửa đam mê cho các tác giả đến từ mọi miền đất nước và những cây bút Việt Nam đang sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài... hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, với tôn chỉ phụng sự giá trị văn chương tích cực và đích thực.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, sau ba năm hoạt động, QCV đã kiến thiết nên hành trình của riêng mình bằng rất nhiều thành tích đáng ghi nhận như: xuất bản 9 đầu sách văn học, trong đó có 4 tập truyện ngắn, 2 tập tản văn chọn lọc, 3 tập thơ chọn. Tất cả các ấn phẩm của QCV đều được các Nhà xuất bản (Nxb): Văn học, Hội Nhà văn tuyển lựa, biên tập và ấn hành. QCV cũng đã phối hợp lựa chọn hơn 800 tác phẩm gửi đăng tải trên các báo, tạp chí, phát sóng trên VOV, Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, 73 thành viên giành được giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác từ Trung ương đến địa phương...
Và cũng từ đây, QCV đã tổ chức được nhiều hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa như: xây tặng 1 nhà tình nghĩa cho người nghèo tại Nghệ An, tặng sách, quần áo cho học sinh các trường vùng sâu tại Tây Bắc, ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020 tổng số tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá 700 triệu đồng...
“Viết mà chơi, chơi mà viết”
QCV tạo ra cho các thành viên tham gia một bầu khí quyển văn chương ấm áp, thân thiện để mọi người đến với nhau bằng tấm lòng chân thành và nhu cầu học hỏi, hoàn thiện bản thân trong từng sáng tác trên tinh thần cởi mở: “viết mà chơi, chơi mà viết”. Bởi nơi đây luôn “trân trọng truyền thống và khuyến khích cách tân”, đồng thời có phương án cụ thể để tìm tòi, phát hiện và động viên những tác giả mới cầm bút. Mà cuộc thi Truyện ngắn trẻ 2020 - 2021 là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Trải qua hơn một năm phát động, Cuộc thi đã nhận được gần 700 truyện ngắn dự thi, trong đó có hơn 150 tác phẩm vượt qua vòng sơ loại, được chọn đăng trên trang của Quán. Sau một khoảng thời gian dài làm việc đầy trách nhiệm và công tâm từ dàn giám khảo là những nhà văn thành danh trên văn đàn hiện nay như: Như Bình, Nguyễn Thế Hùng, Vũ Thanh Lịch, Tống Phước Bảo..., những cây bút sáng giá nhất cuộc thi đã chính thức lộ diện trong buổi trao giải long trọng thuộc khuôn khổ kỷ niệm 3 năm ngày thành lập QCV diễn ra sáng 25/4/2021 tại Hà Nội.
Kết quả: 1 giải Nhất thuộc về Võ Đăng Khoa với “Lạc đà bay”; 2 giải Nhì thuộc về Hoàng Dương với “Tiếng hát đáy sông”, Trần Quốc Toàn với “Mùi linh giác”; 3 giải Ba thuộc về Phát Dương với “Nợ đất”, Mạc Yên với “Thế giới bất tử”, Linh Trần với “Thiên Lý hành ca”; 4 giải Khuyến khích thuộc về Vân Anh với “Kẻ ăn người”, Tịnh Bảo với “Thằng Điếc”, Nguyễn Xuân Phương với “Đoàn lô tô Thiên Hương”, Đào Thu Hà với “Lửa tái sinh”.
Nhà văn Trịnh Đình Nghi, người sáng lập QCV chia sẻ: “Đây là cuộc thi dành cho người viết trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại QCV. Chúng tôi lấy mốc là tuổi từ 40 trở xuống. Đa số các cây bút đoạt giải đều dưới tuổi 35. Văn học của chúng ta cần có những giọng điệu mới, những phong cách mới và lối viết mới. Các bạn trẻ ở QCV đã chiếm lĩnh được những điều này. Rất bất ngờ khi giải Nhất của cuộc thi lần này thuộc về em Võ Đăng Khoa mới 20 tuổi, đang là sinh viên Học viện Cảnh sát. Đó là điều rất đáng mừng”.
Những tín hiệu triển vọng
Cuộc thi Truyện ngắn trẻ của QCV là chất xúc tác để các tác giả thỏa sức sáng tạo trong vùng cảm thức thẩm mỹ của riêng mình bằng văn phong về cơ bản đạt đến độ chỉn chu, trau chuốt. Đa phần các tác phẩm tôn trọng lối kể chuyện lớp lang truyền thống, chú trọng về yếu tố cốt truyện, chi tiết, cảm xúc và đi sâu khai thác diễn biến nội tâm nhân vật để khắc họa những phận đời “trôi sông, lạc chợ” (Đoàn lô tô Thiên Hương), những con người bị hiện thực cuộc sống bóp méo (Nợ đất) hay một thứ tình yêu bi thương, dang dở như vở tuồng cải lương đượm màu hoài cổ (Tiếng hát ở dưới đáy sông)...
Cũng trong cuộc thi này, một vài cây bút đã mạnh dạn thử thách bản thân và cả độc giả bằng việc thể nghiệm những lối viết trừu tượng hoặc mới lạ về giọng điệu, bút pháp nhưng vẫn đảm bảo truyền tải những trăn trở, khát khao gìn giữ một thứ nghệ thuật thuần túy vượt lên trên mưu toan cá nhân tầm thường, ích kỷ (Thế giới bất tử); sự bao dung bất tận của thiên nhiên - “nơi tái chế lại sự sống” (Mùa linh giác); thông điệp “hàn gắn nỗi đau và đứng lên từ tro tàn đau thương suốt chiều dài lịch sử” (Thiên Lý hành ca)...
Đặc biệt, với “Lạc đà bay”, Võ Đăng Khoa đã tự làm mới mình khi mạnh dạn thể hiện nỗi suy tư trước hiện trạng môi trường sinh thái bị bào mòn, biến đổi, bằng lối văn tưng tửng trên bề mặt câu chữ mà vô cùng nhức nhối trong tầng nghĩa nội hàm. Bên cạnh đó, nhiều cây bút triển vọng như: Tịnh Bảo, Ny An, Tạ Thanh Hải, Chu Thị Minh Thùy, Đào Thu Hà, Lê Đình Trung... cũng đã nỗ lực tạo nên những dấu ấn tương đối rõ nét làm sinh động thêm cho mặt bằng truyện ngắn trong phạm trù sân chơi này.
Nhà văn Như Bình (Trưởng Ban Chung khảo):
“Khi tiếp cận với 30 truyện ngắn từ Ban Sơ khảo gửi lên, chúng tôi đã đọc kỹ và khá bất ngờ với chất lượng các tác phẩm dự giải lần này. Nói chung, mặt bằng chất lượng các tác phẩm đều khá. Mừng lắm vì cuộc thi nào, Ban giám khảo cũng áp lực để tìm cho ra tác phẩm xuất sắc để mà trao vương miện cho tác phẩm ấy. Thật may, trong 30 tác phẩm vào vòng chung khảo, chúng tôi đã tìm được những viên ngọc sáng”.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch (thành viên Ban Chung khảo):
“Những tác giả vào giải sẽ còn phải nỗ lực nhiều. Song, điều đáng quý nhất mà tôi nhận thấy là cách các bạn ấy tiếp nhận và lý giải các vấn đề cuộc sống ở các chiều kích khác nhau. Và dù ở góc nhìn nào thì những giá trị nhân bản vẫn hiển lộ. Tôi nhìn thấy ở các bạn ấy nguồn năng lượng dồi dào để có thể dấn bước xa hơn trên đường chữ nhiều nhọc nhằn và lắm đam mê này”.
Nhà văn Tống Phước Bảo (thành viên Ban Sơ khảo):
“Cuộc thi truyện ngắn QCV nhằm tìm kiếm và định hướng cho các bạn trẻ có đam mê viết lách và yêu thích văn chương. Mạng xã hội có thế mạnh nhanh và trực diện, nên cảm giác được góp ý, được hướng dẫn sẽ giúp những cây bút trẻ như được thắp thêm nhiệt huyết. Từ đó, họ càng hăng say, bền bỉ với văn chương. Đấy là tiêu chí lan tỏa và tiếp lửa thế hệ trẻ mà QCV đã định hướng khi mở ra cuộc thi này”.
Tác giả Võ Đăng Khoa (Giải Nhất):
“Truyện “Lạc đà bay”, tôi viết từ lâu rồi, từ hồi học cấp 3 nên “trẻ” là điều tôi khá tự tin. Cuộc thi đã nhắc tôi về đàn lạc đà hoang của mình. Tôi mang ra và sửa lại. Hóa ra, cuối cùng, chúng không bị bỏ rơi. Đề tài môi trường không mới, chuyện người ăn đất cũng không mới. Vì nó vẫn xảy ra từng ngày và chưa chịu trở thành quá khứ. Trong truyện ngắn này, tôi cố gắng xây dựng song song thực trạng giữa một bên là người và một bên là lạc đà - đều đang bào mòn môi trường”.
Tác giả trẻ Hoàng Dương (Giải Nhì):
“Viết truyện ngắn “Tiếng hát đáy sông” là cách tôi ghi lại những ký ức ấu thơ của mình nơi quê nhà, nơi mà cả ông bà và ba mẹ tôi đều yêu thích tuồng cải lương. Mình viết ra để giãi bày nỗi lòng mình và khát vọng giữ gìn một loại hình âm nhạc. Truyện ngắn này là tâm tư, nguyện vọng của tôi, kết tinh từ những gì đã trải qua, đã chứng kiến và đau đáu. Tôi đến với văn chương vì một lý do rất đơn giản là: mình cần phải viết”.
Tác giả Phát Dương (Giải Ba):
“Trong cuộc thi truyện ngắn của QCV, tôi tự đặt mục tiêu phải vượt qua chính bản thân mình. Tôi coi đây là cơ hội để thử nghiệm những điều mình nghĩ và mong muốn bấy lâu. Tôi vừa thích thú làm mới ngòi bút, vừa lo lắng trước con đường còn chưa tỏ, nhưng với tiêu chí chấp nhận và khuyến khích mọi thể nghiệm, tôi tự tin hơn và bắt tay vào sáng tác ngay truyện ngắn “Nợ đất””.