Quan chức Israel, Palestine đối thoại ở Jordan, cam kết chấm dứt bạo lực
Các quan chức Israel và Palestine cam kết giảm leo thang bạo lực sau cuộc gặp đầu tiên giữa họ trong nhiều năm ở Aqaba, Jordan.
Cuộc đối thoại diễn ra hôm 26/2 với sự tham gia của cả các quan chức cấp cao của Mỹ, Jordan và Ai Cập. Trong tuyên bố chung sau đó, các đại diện Israel và Palestine cho biết, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn "bạo lực gia tăng" và "tái khẳng định sự cần thiết phải cam kết giảm leo thang trên thực địa". Hai bên cũng quả quyết sẽ thực hiện các thỏa thuận trước đó.
Theo Reuters, cuộc đối thoại được tổ chức trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nguy cơ leo thang bạo lực trước thềm lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, vốn bắt đầu vào cuối tháng 3.
Trong tuyên bố chung, chính phủ Do Thái và Chính quyền Palestine ở Bờ Tây "xác nhận sự sẵn sàng chung và cam kết sẽ ngay lập tức hành động để chấm dứt các biện pháp đơn phương trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng. Điều này bao gồm cả cam kết của Israel về việc ngừng thảo luận về bất kỳ khu định cư mới nào trong 4 tháng và ngừng cấp phép cho bất kỳ tiền đồn nào trong 6 tháng”.
Mỹ, Jordan và Ai Cập đánh giá đây là tiến bộ lớn hướng tới việc thiết lập lại và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai bên.
Tuy nhiên, Hamas, nhóm vũ trang người Palestine kiểm soát Dải Gaza, nhấn mạnh những thách thức và gọi cuộc gặp nói trên là "vô giá trị". Hamas cũng chỉ trích chính quyền Palestine đã tham gia đối thoại.
Trong khi, giới quan sát nhận định, cam kết mới có thể gây rắc rối cho chính phủ liên minh thiên hữu nhất trong lịch sử Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, người cũng có trách nhiệm về các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây, nhanh chóng tuyên bố ông sẽ không tuân theo bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Người Palestine đặt mục tiêu thành lập một quốc gia độc lập ở Bờ Tây và Dải Gaza, có Đông Jerusalem là thủ đô. Song, các cuộc đàm phán hòa bình với người Israel đã bị đình trệ kể từ năm 2014. Phía Palestine cáo buộc, việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở những khu vực chiếm đóng kể từ cuộc chiến năm 1967 đã làm suy yếu cơ hội thành lập nhà nước của họ.