Quân - dân đoàn kết, Tết thêm rộn ràng
Những ngày tháng Tư, đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ rộn ràng mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong tình đoàn kết quân dân và sự sẻ chia của cộng đồng các dân tộc anh em...
Tình cảm tốt đẹp ấy được xây dựng và duy trì từ bao đời nay. Nó không chỉ thể hiện trong quá trình khai phá vùng đất hoang vu và cùng nhau đánh đuổi kẻ thù xâm lược mà còn được tiếp nối trong hành trình xây dựng quê hương.
Đoàn kết chống kẻ thù xâm lược
Khi những tia nắng tháng Tư trải dài trên những rặng thốt nốt cũng là lúc không khí Tết Chôl Chnăm Thmây tràn ngập khắp các phum, sóc. Tại chùa Tà Ốt (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng; các cụ già thành kính dâng lễ cầu phúc, thanh niên, thiếu nữ hòa mình trong điệu múa dân gian uyển chuyển, xen lẫn mùi thơm của hương trầm, hoa tươi và những món ăn ngày Tết làm nên một bản hòa ca mang hơi thở của truyền thống văn hóa nghìn đời.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng giúp bà con xây nhà trong Chương trình Tết quân - dân mừng Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: THANH PHONG
Giữa không khí rộn ràng của Tết cổ truyền, cựu chiến binh Thạch Phia ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè bồi hồi nhớ về một thời đã qua. “Những ngày kháng chiến, Tết không được vui như bây giờ mà thay vào đó là tiếng gầm của bom đạn, tiếng khóc đau thương khi quê hương, đồng bào bị giặc tàn phá, sát hại.
Thế nhưng chúng lại đổ lỗi cho cách mạng, dùng nhiều thủ đoạn xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Bác Hồ, hòng làm giảm sự ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến. Nhưng bản chất thâm độc của địch không thể làm phương hại mục tiêu đấu tranh vì hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước của Đảng. Sớm đã giác ngộ được điều đó, bà con Khmer vẫn giữ vững lòng tin, nhiều sư sãi, Phật tử tích cực tham gia ủng hộ kháng chiến. Riêng chùa Tà Ốt đã có hơn 50 vị sư sãi hoàn tục, xung phong vào bộ đội cầm súng chiến đấu với kẻ thù, trở thành tấm gương để đồng bào noi theo”, ông Thạch Phia chia sẻ.
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, nhiều ngôi chùa Khmer trên địa bàn Tây Nam Bộ đã trở thành điểm nuôi giấu lực lượng cách mạng và khởi phát các phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào Khmer. Theo lời ông Điền Vôn, Phó ban quản trị chùa Trà Tim, tỉnh Sóc Trăng, vào mỗi dịp lễ hội truyền thống, Phật tử khắp nơi lại đổ về chùa, trước là bái Phật, sau là để tiếp tế cho lực lượng cách mạng và nghe cán bộ tuyên truyền, phổ biến về đường lối đấu tranh của Đảng. Từ đó, nhiều cuộc biểu tình được đồng bào Khmer tổ chức nhằm chống lại chính sách đàn áp của địch, chống càn quét, chống bắt lính, đòi quyền dân chủ, dân sinh.
“Đỉnh điểm là vào năm 1968, địch có ý đồ mở rộng sân bay nhằm tăng cường hỏa lực đường không để đánh phá cơ sở và đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân ta trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và miền Tây Nam Bộ. Chúng đã nhiều lần yêu cầu sư sãi, Phật tử chuyển chùa đi nơi khác. Nhưng với quyết tâm “một tấc không đi, một li không rời”, sư sãi, Phật tử đã quyết tử, đấu tranh không cho chúng thực hiện mưu đồ, mặc dù địch nhiều lần đe dọa, đàn áp, thậm chí bắn phá chùa hòng đè bẹp ý chí của đồng bào. Sự tồn tại của ngôi chùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng tổ chức các cuộc tiến công, tập kích đánh phá sân bay, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề”, ông Điền Vôn kể.
Cùng nhau xây dựng quê hương
Nhân dân vì bộ đội đã không màng hiểm nguy tổ chức nuôi dưỡng, che chở; bộ đội vì độc lập, tự do, ấm no của nhân dân mà không tiếc máu xương... Dù thời chiến hay thời bình thì nghĩa tình đó vẫn luôn là mạch nguồn xuyên suốt gắn kết quân dân. Chương trình Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây là một minh chứng cụ thể cho nghĩa tình đó. Cứ đến tháng Tư hằng năm, khắp các thôn, xóm, phum, sóc lại rộn ràng hẳn lên vì bộ đội về giúp bà con xây nhà, làm đường, bắc cầu...
Là người được hỗ trợ nhà trong Chương trình Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây của tỉnh Kiên Giang năm nay, anh Danh Hồng, ngụ tại xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, xúc động cho biết: “Căn nhà cũ của gia đình tôi đã trở nên xiêu vẹo và xuống cấp trầm trọng. Nhưng với hoàn cảnh thực tại và thu nhập ít ỏi từ việc làm nông, ước mơ có được ngôi nhà mới thật xa vời. Ấy vậy mà khi hoạt động Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025 về với địa phương, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. Chính quyền địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ đã chung tay, góp sức, khẩn trương hoàn thiện căn nhà. Ước mơ xa vời nay đã thành hiện thực. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, gia đình đã được đón một cái Tết đầm ấm, sung túc và trọn vẹn hơn”.
Tương tự với bà con xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, niềm vui như được nhân đôi khi tuyến đường tại ấp Ngãi Lộ A-thôn Rôn dài gần 1,5km vừa trải nhựa, nay lại được lắp đèn năng lượng mặt trời. Ông Thạch Truôn, ngụ tại xã Trà Côn, cho biết: “Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ đồng bào Khmer về chính sách vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa, đường, đèn đường... nên quê hương nơi đây ngày càng phát triển. Từ Chương trình Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây, các chú bộ đội về giúp dân làm đường, lắp đèn chiếu sáng, hoạt động đi lại giờ dễ dàng hơn”.
Còn tại Sóc Trăng, sau khi bắt đầu lễ xuất quân Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng đoàn viên, thanh niên và người dân xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị đã bắt tay thực hiện nhiều công trình, phần việc. Giữa cái nắng gay gắt của tiết trời vào hạ, những đôi tay rèn luyện ở thao trường chưa quen với ngành nghề xây dựng, nhưng khi vào cuộc thì cũng mạnh dạn xông pha làm những phần việc được giao. Mỗi ngôi nhà khang trang được hoàn thiện từng ngày, mỗi tuyến đường giao thông nông thôn ngày càng sạch đẹp hơn để giúp đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền sắp tới đều có sự góp công, góp sức của cán bộ, chiến sĩ LLVT cùng bà con nhân dân và chính quyền, đoàn thể địa phương.
Đồng chí Lê Thanh Chúc, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị cho biết, Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025 tại Sóc Trăng có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Phát quang hơn 25km đường giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa hơn 4,5km đường, 3 cây cầu, thực hiện 3 công trình thắp sáng đường quê... Đặc biệt, thực hiện vận động xây dựng 107 căn nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát, trao 200 phần quà tặng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, tặng 30 xe đạp, 80 suất học bổng tới học sinh nghèo hiếu học, vượt khó... và nhiều hoạt động an sinh xã hội khác với tổng kinh phí 8,4 tỷ đồng.
“Thông qua các công trình, phần việc được triển khai từ chuỗi hoạt động Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây năm nay đã giúp địa phương đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, qua đó còn góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân và dân”, đồng chí Lê Thanh Chúc bộc bạch.
Tết quân-dân từ lâu đã trở thành “đặc sản”, nét đẹp truyền thống của LLVT Quân khu 9. Các địa điểm tổ chức chương trình không chỉ là nơi có đông đồng bào Khmer mà còn là những vùng căn cứ cách mạng. Thông qua chương trình là dịp để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội... chung tay góp sức cùng bà con đón một mùa xuân vui tươi, đầm ấm, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết quân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc.