Quần đảo Nam Kuril – 'Hòn đá tảng' cản đường hòa ước Nga-Nhật
Tác giả Andrey Gubin* trong bài viết trên East Asia Forum cho rằng quần đảo Nam Kuril sẽ tiếp tục cản trở tiến trình phát triển quan hệ Nga-Nhật.
Trong cuộc họp báo tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg hồi đầu tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẵn sàng thảo luận về một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản.
Ông nhấn mạnh rằng, cả Moscow và Tokyo cùng chia sẻ lợi ích chiến lược và những sửa đổi gần đây trong hiến pháp của Nga sẽ không cản trở sự hợp tác.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin công khai đưa ra một tuyên bố như vậy kể từ khi Hiến pháp Nga được sửa đổi (Hiến pháp mới của Nga có hiệu lực từ tháng 7/2020 cấm Moscow chuyển giao lãnh thổ cho bất cứ thế lực nước ngoài nào).
Tuyên bố của ông được nhận xét có phần mềm dịu hơn tuyên bố vào năm 2019 ở Vladivostok. Khi đó, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tổ chức tại vùng Viễn Đông của Nga, Tổng thống Putin nói rằng các mối quan hệ quân sự giữa Tokyo và Washington cùng nhiều vấn đề khác khiến Nga và Nhật Bản khó đi đến ký kết hiệp ước hòa bình.
Đáng chú ý, tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật lúc đó là ông Abe Shinzo đề cao mối quan hệ giao thương giữa Nga và Nhật Bản và nói rằng bước đi tự nhiên tiếp theo trong quan hệ sẽ là ký kết hiệp ước hòa bình – một nhiệm vụ lịch sử của lãnh đạo hai nước.
Người kế nhiệm ông Abe là Thủ tướng Suga Yoshihide cũng bày tỏ sẵn sàng phát triển quan hệ với Nga và hoàn tất việc ký kết hiệp ước hòa bình để chấm dứt trạng thái thù địch trong Thế chiến II giữa các bên về Quần đảo Nam Kuril (được Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).
Tuy nhiên, cả hai bên vẫn còn nhiều hiểu lầm nghiêm trọng.
Vẫn nhiều lo ngại
Trong cuộc điện đàm hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an Thủ tướng Suga rằng Washington sẽ giữ vững trách nhiệm của mình theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960.
Ông Biden đảm bảo rằng Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự trong trường hợp có bất kỳ sự xâm phạm nào của "bên thứ ba" nào đối với các vùng lãnh thổ và vùng biển mà Washington công nhận là nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản.
Điều này được hiểu rằng phạm vi sẽ bao gồm quần đảo Senkaku (được Trung Quốc tuyên bố là quần đảo Điếu Ngư), nhưng lại không phải là quần đảo Nam Kuril.
Giới lãnh đạo Nhật Bản vẫn luôn giải thích rằng mối quan hệ đồng minh với Washington xuất phát từ nguy cơ đe dọa hiện hữu mà nước này phải đối mặt từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Và trong khi vẫn đang bị ràng buộc bởi Điều 9 trong điều khoản Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến, Nhật Bản vẫn từng bước xây dựng năng lực quân sự của mình.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người trong giới tinh hoa cầm quyền ở Nga tin rằng, Washington sẽ tiếp tục can thiệp và có thể ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Tokyo đối với Vùng lãnh thổ phương Bắc. Họ cũng lưu ý khả năng Mỹ triển khai Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở Nhật Bản.
Quan hệ hợp tác đồng minh giữa Nhật Bản và Mỹ đang được Nga nhìn nhận trong bối cảnh cuộc đối đầu của chính nước Nga với Mỹ - Washington là một đồng minh lớn mạnh của Nhật Bản, có tiềm năng thay đổi cục diện ở Đông Bắc Á, điều mà Moscow muốn tránh.
Các nhà phân tích cho rằng Nga – bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm xương máu của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, hiện vẫn lo ngại về các cơ sở hạ tầng quân sự được xây trên Vùng lãnh thổ phương Bắc trong trường hợp Nga phải chuyển giao lại một phần quần đảo cho Nhật Bản theo thỏa thuận hòa bình.
Nếu Nhật Bản hoặc Mỹ triển khai các loại radar, hạ tầng liên lạc và giám sát hoặc tên lửa sẽ là vấn đề đầy thách thức và gây khó chịu đối với Moscow.
Tokyo cho đến nay vẫn chưa đảm bảo tình trạng phi quân sự hóa của bất kỳ hòn đảo nào được chuyển giao nếu một hiệp ước hòa bình được ký kết, trong khi Moscow vẫn muốn thể hiện sức mạnh trên chuỗi quần đảo Nam Kuril.
Khó nhưng khả thi
Nga luôn có xu hướng tin rằng nếu quần đảo Habomai và đảo Shikotan được chuyển giao cho Nhật Bản, môi trường chiến lược trong khu vực sẽ xấu đi.
Spanberg là eo biển duy nhất cho phép các tàu lớn đi qua một cách an toàn. Vì các đảo Shikotan và Habomai nằm ở phía sau đảo Kunashir và nối sau đó là đảo Hokkaido nên các radar, tên lửa phòng không và chống hạm ở đó có thể cho phép Nhật Bản triển khai vũ khí chống tiếp cận khu vực và hạn chế sức mạnh quân sự của Nga ở đó.
Việc triển khai liên tục Quân đội phía Bắc của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF) ở Hokkaido và tiềm năng phát triển các cơ sở quân sự trên đảo Habomai và Shikotan sẽ làm tăng thêm giá trị cho GSDF cũng như tăng cường kiểm soát của Mỹ đối với các vùng biển và trên không.
Vùng lãnh thổ phía Bắc được quân sự hóa về cơ bản sẽ bổ sung đáng kể cho việc triển khai INF tiềm năng ở Nhật Bản, đóng vai trò như một vành đai cho các nhóm tấn công kết hợp trên không và hải quân và là vùng đệm chống lại các cuộc phản công.
Nga lo ngại rằng các cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ có thể được mở rộng và bao gồm cả các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với tất cả bốn đảo ở Nam Kuril.
Sự khác biệt giữa Vùng lãnh thổ phía Bắc và Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (hiện Nhật Bản đang tranh chấp cùng Trung Quốc) là Senkaku do Nhật Bản quản lý và do đó được điều chỉnh bởi các cam kết liên minh theo Điều 5, trong khi Nam Kuril không được đề cập vì Nga đang quản lý.
Khoảng cách giữa "quản lý" và "chủ quyền" là rất nhỏ và có thể gây tranh cãi. Đó là lý do tại sao những biến chuyển trong lập trường của Tokyo là rất nhạy cảm đối với Moscow.
Một số nhà phân tích cho rằng Nga chỉ quan tâm đến phát triển hợp tác thương mại và đầu tư. Nhật Bản cũng đã chứng thái độ thiện chí về cả hai lĩnh vực này và cung cấp các dự án công nghệ, hậu cần và cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn.
Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Nga. Các đại biểu Nhật Bản luôn được hoan nghênh đến các diễn đàn kinh tế và đầu tư tại Vladivostok, Sochi và Saint Petersburg, và luôn nhiệt tình trong việc phát triển quan hệ hợp tác.
Giới học thuật Nhật Bản đề xuất bình thường hóa quan hệ song phương và thông qua hiệp ước hòa bình để xoa dịu căng thẳng. Đại sứ Nhật Bản tại Moscow Toyohisa Kozuki đã tuyên bố rằng kế hoạch Tám điểm được trình bày vào năm 2016 tại Diễn đàn Đầu tư Sochi vẫn còn phù hợp và đầy hứa hẹn. Bộ Ngoại giao Nhật Bản liên tục định hình các hoạt động kinh tế và khai thác chung trên và xung quanh đảo Nam Kuril hậu Covid-19.
Mặc dù vẫn không có tiến triển nào về vấn đề quần đảo Nam Kuril, nhưng bối cảnh hiện có nhiều điểm mới. Căng thẳng Mỹ - Nga, Mỹ - Trung và Nhật - Trung gia tăng đang ảnh hưởng xấu đến môi trường an ninh ở Đông Bắc Á.
Yêu cầu chính đối với sự thay đổi là ý chí chính trị và mong muốn của cả hai bên vượt ra khỏi các khuôn mẫu.
Sẽ rất khó để Tokyo đồng với một kế hoạch mà các đảo Shikotan và Habomai không được chuyển giao cho Nhật Bản ngay sau khi hai bên ký hiệp ước hòa bình.
Giải thích điều này với cử tri Nhật Bản là một nhiệm vụ phức tạp. Tuy nhiên, ý tưởng đảm bảo việc sử dụng quần đảo theo mục đích phi quân sự và cùng phát triển các đảo không phải là điều quá ảo tưởng vì nó hoàn toàn khả thi.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Thế chiến II kết thúc. Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo, liên quan quần đảo gồm 4 đảo hiện Moscow đang quản lý và gọi là Nam Kuril, trong khi Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Phía Nga muốn Nhật Bản công nhận rằng Moscow đã tiếp quản quần đảo này một cách hợp pháp sau khi phát xít Nhật đầu hàng năm 1945. Tuy nhiên, Nhật Bản lại cho rằng đây là sự chiếm đóng bất hợp pháp Tháng 11/2018, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây. Tuyên bố này nêu rõ nhóm 4 hòn đảo, hai hòn đảo nhỏ hơn - Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai - sẽ được bàn giao cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình. Hai hòn đảo lớn hơn đang tranh chấp là Etorofu và Kunashiri. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tới nay vẫn chưa đạt được tiến triển cụ thể nào.
* Andrey Gubin là Phó Giáo sư tại Viện Đông phương học, Đại học Liên bang vùng Viễn Đông, Vladivostok.