Quan điểm của người học Phật với kinh điển Bắc truyền

Người học kinh điển Bắc truyền, dựa vào trí tuệ chọn lọc những cái gì đúng, phù hợp đưa đến an lạc giải thoát thật sự, rốt ráo cho mình thì theo. Không cố chấp, đề cao cho rằng Phật này hơn Phật kia, pháp này hơn pháp khác, kinh này mới là kinh Phật nói, hoặc là nhất, còn kinh khác là ngụy tạo!

Người học kinh điển Bắc truyền, dựa vào trí tuệ chọn lọc những cái gì đúng, phù hợp đưa đến an lạc giải thoát thật sự, rốt ráo cho mình thì theo. Không cố chấp, đề cao cho rằng Phật này hơn Phật kia, pháp này hơn pháp khác, kinh này mới là kinh Phật nói, hoặc là nhất, còn kinh khác là ngụy tạo!

Theo một số sử liệu ghi lại, Kinh điển Bắc truyền (Đại thừa) có mặt sau Phật nhập diệt khoảng trên dưới 500 năm; còn kinh điển Nam truyền (Nguyên thủy) sau Phật nhập diệt gần 300 năm, từ kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ III do hoàng đế A Dục (Asoka) đề xướng bảo trợ. Toàn bộ những phần Kinh – Luật – Luận lần này sau khi trùng tuyên, được ghi chép trên lá Bối, thành kinh điển nguyên thủy, hay còn gọi là Nam truyền, tức truyền đi đến phía nam Ấn Độ.

Kinh điển Bắc truyền thì phát triển ở các nước phương Bắc Ấn Độ như: Trung Quốc, Nhật bản, Triều Tiên, Mông Cổ, và Việt Nam. Kinh điển Nam truyền chỉ nói một đức Phật Bổn Sư Thích Ca, không đề cập đến các Phật khác hoặc Bồ tát; nội dung kinh dễ hiểu, rõ ràng; nơi Phật thuyết đa số trong nhân gian.

Kinh điển Bắc truyền nói ngoài đức Phật Bổn Sư, còn nhiều Phật khác cho đến hằng hà sa số Phật, cũng như các Bồ tát ứng hóa thân; nơi Phật thuyết khắp mọi nơi; nội dung kinh đa dạng có dễ hiểu thực tế cũng có trừu tượng siêu thực khó hiểu. Cho nên người học theo Kinh điển Bắc truyền cần phải có lập trường quan điểm chính kiến mới mong “giải mã” hiểu được ý nghĩa trong Kinh.

Kinh Bắc Tông chữ Hán

Theo Kinh Đại Bát Niết Bàn, có nói: TỨ Y

1. Y pháp bất y nhân: Dựa vào giáo pháp chứ không dựa vào người nói. Người nói là bất cứ ai: Phật, đệ tử Phật, Thánh tăng, Tổ sư, chư Thiên, cư sĩ tại gia v.vv… miễn sao lời được nói ra là chân lý, phù hợp với chính pháp của Phật dạy. Chẳng hạn kinh Thắng Man, Kinh Duy Ma Cật, đều là cư sĩ, cho đến Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng.

2. Ý nghĩa bất y ngữ: Dựa vào ý nghĩa sâu xa, chứ không dựa vào từ ngữ biểu đạt, mang tính tượng trưng. Thí dụ Kinh Phổ Môn có câu: “Nếu có chúng sinh nào bị nước cuốn trôi, bị lửa đốt cháy niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm liền được thoát nạn”. Phải hiểu nước là tượng trưng lòng tham dục, lửa tượng trưng lòng sân hận, khi niệm Quán Thế Âm tức chính niệm quán chiếu (lắng nghe, thấu hiểu) biết được ta đang tham, ta đang giận, rồi quán chiếu tại sao ta tham, ta giận? Tham có hại gì, sân có hại gì, thì tâm tham, sân liền được hóa giải.

3. Y trí bất y thức: Dựa vào trí tuệ nhận định chứ không dựa vào tri thức phân biệt. Vì trí tuệ là kết quả của việc hành trì, trải nghiệm, chứng đắc mới hiểu hết, còn tri thức thiên về khái niệm, lý thuyết, phân biệt.

4. Y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh: Dựa vào kinh điển có ý nghĩa rõ ràng theo căn cơ, chứ không dựa vào kinh điển có ý nghĩa không rốt ráo, rõ ràng.

Như trong kinh điển Bắc truyền nói Đức Phật Tì Lô Giá Na, Lô Xá Na, Thích Ca, A Di Đà, Dược sư và trăm, ngàn, vạn, ức, hằng hà sa số chư Phật đều bình đẳng, đều từ một Phật Thích Ca ứng hiện. Thí dụ: Phật A Di Đà là chỗ dựa sau khi mệnh chung, Phật Dược sư là chỗ dựa lúc còn sống được khỏe mạnh, an vui. Phật Tì Lô Giá Na với quyền năng, tín ngưỡng cũng đều từ một đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử mà ra.

Ví như một vật thể để trước muôn vạn tấm gương để nhiều phương vị khác nhau, sẽ cho những hình dáng vật thể khác nhau. Như viên kim cương nhiều góc cạnh, nhìn thấy đủ màu sắc v.v… không thể cho màu này đúng là màu kim cương, màu khác là sai. Người học kinh điển Bắc truyền, dựa vào trí tuệ chọn lọc những cái gì đúng, phù hợp đưa đến an lạc giải thoát thật sự, rốt ráo cho mình thì theo. Không cố chấp, đề cao cho rằng Phật này hơn Phật kia, pháp này hơn pháp khác, kinh này mới là kinh Phật nói, hoặc là nhất, còn kinh khác là ngụy tạo!

Phải nhớ dù pháp môn được nói ở trong kinh nào đi nữa, cũng đều bắt buộc phải đi qua con đường Giới – Định – Tuệ. Nếu có pháp môn nào đi ngược lại, hoặc phiến diện thì đều là không phải Phật thuyết. Thí dụ kinh A Di Đà nói về Thất bảo, là chỉ Thất Thánh Tài: Tín, Giới, Tàm, Quí, Văn, Thí (xả), Định, Tuệ. Tức có đủ hành trang Giới – Định – Tuệ trên lộ trình giải thoát.

Kinh Bắc Tông mộc bản

Trong kinh điển Nam Truyền có bài kinh số 63, trong Trung Bộ kinh II, TIỂU KINH MALUNKYA, tức Kinh Hán tạng Bắc truyền là Trung A Hàm: kinh TIỄN DỤ, có ghi:

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika. Tôn giả Malunkyaputta khi độc trú tịnh cư khởi lên suy tư: Có một số vấn đề Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới này là thường còn hay vô thường, thế giới này là hữu biên hay vô biên, sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết hoặc không tồn tại sau khi chết? Hay vừa có vừa không, vừa không có cũng không không?” Nếu Thế Tôn không trả lời được thì ta sẽ không học pháp và hoàn tục.

Bèn đem những đều này cật vấn Thế Tôn và nói: Thế Tôn biết thì trả lời thẳng thắn rằng biết, không biết thì trả lời không biết. Thế Tôn hỏi: này Malunkyaputta, ta có nói với ngươi hãy đến sống phạm hạnh theo ta, ta sẽ trả lời cho ngươi “thế giới…”, hay ngươi có nói với ta: “Con sẽ đến sống phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời cho con“.

Dạ thưa không!

Này Malunkyaputta! Ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất nhiều. Bạn bè, bà con mời đến một y sĩ mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: Tôi sẽ không rút mũi tên này ra, khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc dòng hoàng tộc hay Bà la môn, buôn bán, làm công? Tên gì, tộc tính gì? Cao thấp hay vừa? Da đen, da sẫm, da vàng? Thuộc làng nào, thị trấn nào, thành phố nào? Cây cung ấy làm bằng chất liệu gì, cây tên làm bằng gì? Mũi tên có kết lông con chim gì?

Này Malunkyaputta, đời sống phạm hạnh không tùy thuộc vào quan điểm ” thế giới này v.v…” Dù thế nào chăng nữa thì chúng sinh vẫn phải sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, sầu, khổ, não v.v…thế giới này vẫn sinh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không.

Liên hệ: Như người bệnh đau đớn, có một người y sĩ cho thuốc uống, người đó không chịu uống và nói “Tôi chỉ uống thuốc này, thuốc kia, mà tôi đã biết”. Cho dù y sĩ kia cố giải thích về đặc tính của thuốc giảm đau này là tương đương. Người bệnh lại hỏi tiếp, thuốc này xuất xứ từ đâu, ai chế biến, làm bằng gì? Thời gian nào?

Cũng vậy, kinh điển Bắc truyền dùng để trị liệu tâm bệnh, trong một lúc nào đó, rồi hướng đến cách điều trị cuối cùng dứt hết. Thế mà, có người không uống, cho dù đang bệnh, lại cố đặt vấn đề Phật này có hay không? Cõi này có hay không? Rồi không tin, không sử dụng.

Kinh điển Nam truyền như gốc cây, kinh điển Bắc truyền như cây phát triển cành lá xum xuê, tỏa bóng râm mát, nhưng cũng do xum xuê nên đủ thứ những loại tầm gửi dựa vào. Chúng ta phải dùng con mắt “trạch pháp” nhận ra và cắt bỏ chúng đi.

Kinh điển Bắc truyền và Nam truyền cũng ví như hạt gạo là nguyên liệu chính, từ đây chế biến thành bột gạo, bánh cuốn, bánh hỏi, bánh canh, mì sợi, hủ tíu. Lại từ đó người ta chế biến tiếp thêm gia vị, phụ liệu. Người chuyên ăn cơm, cho rằng các loại được chế biến kia vì không phải là cơm nên không ăn. Còn người thích ăn những món kia lại chấp cho rằng, đây mới ngon, mới đúng và không phải từ nguyên liệu gạo.

Vậy người tu Phật, tùy căn cơ lựa chọn, và thực phẩm nào phù hợp với cơ địa, mang đến sự bổ ích thiết thực, ít nguy hại cho sức khỏe thì dùng. Nếu sử dụng các loại chế biến thì ít nhiều phải cẩn trọng lựa chọn, phân tích để dùng chứ không phải vì ngon mà cố chấp, bảo thủ. Thí dụ cũng mì sợi nhưng có hàn the (dai) thì không ăn, chứ không phải bất cứ loại mì sợi nào cũng ăn!

Có lẽ vậy, nội dung kinh điển Bắc truyền ví như bữa tiệc buffet nhiều món, nhiều gia vị, nhiều hấp dẫn để phục vụ đa dạng cho khẩu vị mọi người hơn! Tuy nhiên, dù ăn các loại chế biến nào đi nữa thì cũng phải biết nguyên liệu chính của nó làm từ đâu? Phải là GẠO, hay nói cụ thể hơn đó là TAM PHÁP ẤN: Vô thường – Khổ – Vô ngã Niết bàn.

Chú thích: Bài viết do bạn đọc gửi đến Hòa thượng Thích Đồng Bổn để chia sẻ. Hòa thượng Thích Đồng Bổn gửi cho Tạp chí Nghiên cứu Phật học để đăng tải. Vì vậy bài viết là quan điểm, góc nhìn, cách hành văn riêng của tác giả, Tạp chí đăng tải để phục vụ công tác trao đổi học thuật, nghiên cứu và tìm hiểu về đạo Phật, lịch sử kinh tạng và lịch sử Phật giáo.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-diem-cua-nguoi-hoc-phat-voi-kinh-dien-bac-truyen.html