Quan điểm kinh doanh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: An toàn là bạn
Người giàu nhất Việt Nam chia sẻ quan điểm kinh doanh 'an toàn là bạn' trong bối cảnh thế giới biến động, cũng là lý do giúp Vingroup bền bỉ vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.

Ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh quan điểm kinh doanh "an toàn là bạn" trong giai đoạn thị trường biến động hiện nay. Ảnh: VIC.
“Quan điểm của tôi lúc này: An toàn là bạn”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh quan điểm kinh doanh trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động hiện nay.
Chia sẻ với cổ đông trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, Chủ tịch Vingroup thừa nhận kế hoạch doanh thu 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 10.000 tỷ đồng năm nay là rất lớn - điều mà chính ông cũng cho rằng “không chắc chắn được”. Tuy nhiên, vị doanh nhân khẳng định ban lãnh đạo tập đoàn sẽ cố gắng để không chỉ đạt mà còn vượt kế hoạch này.
“An toàn là bạn” khi thị trường biến động
Theo ông Vượng, cơ sở để Vingroup đặt ra mốc doanh thu 300.000 tỷ đồng kể trên chính là thị trường bất động sản đang hồi phục rõ nét. Do đó, doanh thu từ bất động sản năm nay dự kiến tăng vọt.
Tương tự, với mục tiêu bán 200.000 ôtô điện năm nay, doanh số của VinFast đóng góp cho tập đoàn mẹ cũng rất lớn, “khác biệt so với các năm trước”.
Với các mảng kinh doanh còn lại, Chủ tịch Vingroup cho biết tập đoàn đã có kế hoạch rất chi tiết.
“Có nhiều giải pháp nhưng giải pháp lớn nhất vẫn là cày ngày cày đêm, nỗ lực sáng tạo, tìm mọi biện pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Thế mạnh và khác biệt của Vingroup so với các công ty khác chính là sự nỗ lực khác thường”, ông Vượng chia sẻ với cổ đông.
Trong bối cảnh Vingroup có kế hoạch đầu tư một loạt dự án lớn từ bất động sản, hạ tầng, năng lượng… dự kiến cần nguồn vốn “nhiều chục tỷ USD”, các cổ đông đã đặt câu hỏi về việc cân đối vốn của tập đoàn.
Quan điểm của tôi lúc này: An toàn là bạn
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup
Ông Vượng cho biết trong các dự án đầu tư lớn, Vingroup luôn có chính sách bán buôn, bán sớm cho những nhà đầu tư đầu tiên. Hiện tập đoàn có rất nhiều đối tác từ Nhật Bản, Singapore, Việt Nam sẵn sàng tham gia đầu tư sớm vào các dự án này.
“Quan điểm của tôi lúc này: An toàn là bạn. Trong suốt những năm khủng hoảng vừa rồi, chúng ta vẫn kiên trì, bền bỉ vượt qua chính vì chúng ta quản trị rủi ro rất chặt chẽ, nghiêm ngặt”, tỷ phú giàu nhất Việt Nam chia sẻ.
Theo ông, thay vì để lại tự triển khai toàn bộ dự án, Vingroup sẵn sàng bán trước một phần với giá rẻ hơn để cân đối được ngay chi phí đầu tư ban đầu.
“Cơ hội trên thị trường còn rất nhiều, quan trọng là chúng ta phải sống được, tồn tại để nắm bắt và phát triển các cơ hội đó. Chứ không phải có cơ hội kinh doanh là phải ôm bằng được”, ông nói.
Cố gắng làm “một vài” đô thị kiểu mẫu
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Phạm Nhật Vượng cho biết một trong những ước vọng của Vingroup là phát triển các khu đô thị lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hạ tầng, ESG, đô thị thông minh, môi trường sống… cho cư dân. Và tập đoàn đang cố gắng "làm một vài cái".
“Các dự án mới của Vingroup hiện tại đều hướng tới quy mô vài nghìn ha, xa trung tâm, những dự án nhỏ, gần trung tâm thì Vingroup đã không làm nữa rồi. Chúng tôi chọn đi xa và tìm cách kết nối”, ông Vượng nói và cho biết đây là một trong những định hướng chiến lược về phát triển bất động sản của Vingroup những năm gần đây.
Song song đó, tập đoàn cũng phát triển hệ sinh thái vận tải, xe bus, xe điện, taxi… để giúp cư dân sống trong các khu vực này có môi trường sống chất lượng và khác biệt.
“Tôi tin rằng đó sẽ trở thành 1 tiêu chuẩn mới, định hướng mới để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực bất động sản làm theo. Thực tế đã chứng minh điều này, hiện nay bất kỳ doanh nghiệp nào làm khu đô thị cũng phải có rất nhiều tiện ích, điều mà cách đây 20 năm không có”, ông Vượng nói.

Phối cảnh dự án Vinhomes Cần Giờ, một trong những dự án khu đô thị lớn nhất của Vingroup. Ảnh: VHM.
Cũng với quan điểm an toàn trong giai đoạn biến động, ông Phạm Nhật Vượng cho biết hiện tại, nhà máy sản xuất xe điện của VinFast tại Mỹ đang tạm dừng để “chờ xem thế giới thay đổi thế nào”.
“Đây không chỉ là khoản đầu tư 2 tỷ USD mà là câu chuyện cả thị trường. Hiện tại thị trường Mỹ vẫn chưa rõ ràng, có thể phải chờ 1-3 tháng tới khi mọi chuyện rõ ràng hơn mới tính tới bài toán kinh doanh tại Mỹ”, ông nói và cho biết hiện tại tập đoàn không cần vội vàng.
Trong kế hoạch kinh doanh thời gian tới, Chủ tịch Vingroup cho biết ngoài 3 trụ cột hiện tại là Công nghiệp - công nghệ, Thương mại dịch vụ, Thiện nguyện xã hội, tập đoàn sẽ mở thêm 2 trụ cột mới gồm Hạ tầng và Năng lượng.
Ở mảng hạ tầng, Vingroup đã đăng ký với Chính phủ để tự đầu tư tuyến đường sắt cao tốc từ Phú Mỹ Hưng ra Cần Giờ, và tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Ngoài ra, Vingroup cũng đang đăng ký nghiên cứu để phát triển một số cảng biển.
Đối với năng lượng, tập đoàn đã đăng ký tới năm 2030 sẽ triển khai khoảng 25,5 GW điện năng lượng tái tạo và LNG, đến năm 2035 phát triển khoảng 52,5 GW.
Chủ tịch Vingroup cho biết lý do tập đoàn quyết định tham gia mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng và năng lượng bởi thời gian qua, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án lớn để chung tay xây dựng đất nước.
“Vingroup với vai trò là doanh nghiệp Việt Nam lớn phải có trách nhiệm chung tay nên đã đăng ký làm và đã làm phải làm lớn”, ông Vượng nhấn mạnh.