Quân đội chủ động phòng, chống hiệu quả HIV/AIDS
Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội Bộ Quốc phòng về công tác này.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về phòng, chống HIV/AIDS được Cục Quân y triển khai thực hiện như thế nào?
Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông: Những năm qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội về biện pháp phòng, chống HIV/AIDS được Cục Quân y thực hiện thường xuyên, liên tục, linh hoạt, sáng tạo. Hằng năm, căn cứ kế hoạch của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Cục Quân y-Cơ quan Thường trực BCĐ phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội Bộ Quốc phòng đã tham mưu với thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch thực hiện trong Bộ Quốc phòng. Từ đó, các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện trong cơ quan, đơn vị mình bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp.
Có thể khẳng định, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Quân y các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về HIV/AIDS bằng các đợt tuyên truyền chuyên đề hoặc lồng ghép vào hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị. Đặc biệt, trong tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS hằng năm, một số đơn vị tổ chức hội thảo, tọa đàm, mời chuyên gia đến nói chuyện về HIV/AIDS. Trong 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, 100% chiến sĩ mới được truyền thông, nâng cao nhận thức về HIV/AIDS...
PV: Đồng chí có thể đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình PEPFAR trong Quân đội thời gian qua?
Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông: Chương trình PEPFAR là tên viết tắt từ tiếng Anh, nghĩa là “Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS” để hỗ trợ các nước trong phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có Việt Nam. Được thực hiện trong Quân đội từ năm 2006, từ chương trình này, chúng ta đã đầu tư xây dựng các phòng chức năng về tư vấn xét nghiệm HIV, khám ngoại trú HIV, phòng an toàn truyền máu... Ngoài ra, chương trình đã cung cấp trang thiết bị, máy móc phục vụ chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và thực hiện công tác an toàn truyền máu cho các quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng.
Thông qua chương trình, Cục Quân y đã tổ chức các khóa tập huấn về tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, xét nghiệm sàng lọc và khẳng định HIV, an toàn truyền máu; trung bình mỗi năm tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 500 lượt cán bộ quân y trên các lĩnh vực. Hoạt động này cung cấp nguồn lực dồi dào cho các cơ sở quân y để nâng cao chất lượng công tác tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV tại chỗ...
PV: Công tác tư vấn, dự phòng, xét nghiệm HIV/AIDS tại các cơ sở quân y được quan tâm, đầu tư như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông: Những năm qua, Cục Quân y đã chỉ đạo các cơ sở quân y mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS. Hằng năm, Cục Quân y tổ chức đào tạo để cung cấp, bổ sung nguồn nhân lực về dự phòng, tư vấn xét nghiệm HIV cho các cơ sở quân y; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở, nhất là tuyến bệnh viện bố trí các phòng riêng để tư vấn xét nghiệm HIV, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho các đối tượng.
Các phòng tư vấn riêng được đặt tại khoa khám bệnh, khoa truyền nhiễm, khoa lao, khoa sản, khoa da liễu. Ngoài cơ sở hạ tầng và nhân lực, tại các phòng tư vấn được cung cấp đĩa DVD, tờ rơi, tranh lật... để phục vụ cho việc triển khai dịch vụ này.
Cùng với đó, Cục Quân y đã mời chuyên gia đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV để hỗ trợ, giúp cán bộ chuyên môn thành thục kỹ thuật. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở quân y thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV và khẳng định HIV ngay tại cơ sở y tế, tránh mất dấu người bệnh và tạo cơ hội cho người bệnh được điều trị luôn trong ngày. Hiện nay, ngoài 5 cơ sở được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định HIV, Cục Quân y đang chỉ đạo 7 cơ sở khác chuẩn bị về mọi mặt để làm hồ sơ báo cáo Bộ Y tế thẩm định, cấp phép xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.
PV: Thưa đồng chí, Cục Quân y đã triển khai hoạt động gì để góp phần thực hiện thắng lợi quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 ở nước ta?
Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông: Cục Quân y đã tham mưu với thủ trưởng các cấp ban hành Kế hoạch số 3554/KH-BQP ngày 22-9-2020 của BCĐ phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội Bộ Quốc phòng về việc thực hiện “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” trong Quân đội. Kế hoạch này đã chỉ ra những mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, giải pháp và lộ trình thực hiện.
Trong Tháng hành động năm nay, Cục Quân y đã tham mưu với thủ trưởng cấp trên tăng cường các hoạt động dự phòng HIV, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân về phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh thực hiện việc giám sát dịch tễ học HIV/AIDS tại các đơn vị có nguy cơ cao về nhiễm HIV. Cục cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với viện chuyên môn tổ chức xét nghiệm cho 100% cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, nhằm phát hiện người nhiễm HIV để điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho đồng đội và người thân.
Cùng với đó, đã biên soạn và cấp phát tài liệu để quân y các đơn vị tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về phòng, chống HIV/AIDS; hướng dẫn đẩy mạnh thực hiện chương trình giáo dục đồng nhóm phòng, chống HIV/AIDS cho chiến sĩ mới trong Quân đội; nhân rộng mô hình này cho học viên các học viện, nhà trường Quân đội và chiến sĩ năm thứ 2, thứ 3. Cục đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường chất lượng điều trị bệnh nhân AIDS ở các tuyến, bảo đảm cung cấp đủ thuốc điều trị và các xét nghiệm thường quy cũng như chuyên sâu để theo dõi bệnh nhân, qua đó, chủ động ứng phó hiệu quả với HIV/AIDS trong Quân đội, cùng cả nước chấm dứt dịch bệnh này vào năm 2030.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
CHIẾN VĂN - KHÁNH NGỌC (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.