'Quản' giá điện theo cơ chế nào?

Mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm 'Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện' với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng...

Các chuyên gia tham dự tọa đàm đã phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường...

Về cơ chế, chính sách trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển ngành điện, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chính sách của chúng ta “ổn định quá”. “Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… Tuy nhiên, thực tế ngành điện thay đổi rất nhanh chóng nên sự ổn định là chậm thay đổi”, ông Hiếu bình luận.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, đầu tư ngành điện rất lớn, đứng từ góc độ các nhà đầu tư thì hệ thống chính sách phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ, vì nếu không đồng bộ thì không tạo ra tác động tốt. Chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ thì rõ ràng không đồng bộ.

Mặt khác, theo ông Phan Đức Hiếu, chính sách ngành điện thiếu tính thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để có công cụ thúc đẩy bền vững, do đó cần phải tiếp tục hoàn thiện về cơ chế.

Một trong những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện là cần nguồn lực đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn chậm, giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc “bao cấp”, bù trừ. Về điều này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá điện của chúng ta đang có 4 bất cập rất lớn, trong đó bất cập có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.

Theo phân tích của ông Nguyễn Tiến Thỏa, toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường, nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; lúc thì điều chỉnh quá lâu, lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện, dẫn đến sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn (năm 2022 và năm 2023, ngành điện lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng).

Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới. “Phải dùng những biện pháp như là thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Phải tính toán lại chính sách phát điện từ chính sách thị trường này”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nêu.

Từ thực tế hiện nay, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa chữa. Ông tán thành quan điểm tính giá để xác định ra giá sản xuất; tách bạch giá bán điện, không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách vào giá điện mà gây méo mó. “Cứ tính đúng tính đủ, tách bạch chính sách điều tiết và việc tính giá. Cùng với đó, thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực”, ông Hiếu nêu.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-gia-dien-theo-co-che-nao-175731.html