'Quân giải phóng đi đến đâu được đồng bào đón như người con trở về'
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nhớ lại: 'khi quân ta tiến vào Sài Gòn dường như không bị bất kỳ sự chống trả nào của địch. Quân giải phóng đi đến đâu được đồng bào đón như người con trở về'.
Đã 47 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về chiến thắng 30/4/1975 lịch sử và những ngày đầu quân quản Sài Gòn – Gia Định vẫn vẹn nguyên trong tim những người bước ra từ cuộc chiến.
Nhớ lại ngày 30/4/1975 lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 - một trong đội hình 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn – Gia Định nhớ lại, khi quân ta tiến vào Sài Gòn dường như không bị bất kỳ sự chống trả nào của địch. Quân giải phóng đi đến đâu được đồng bào đón như người con trở về. Người mang dừa cho bộ đội uống, người tặng hoa, người tặng bánh... Sài Gòn – Gia Định, một thành phố vừa được giành lại từ tay quân thù gần như còn nguyên vẹn, tiếng súng đạn hay máu đổ trong trận chiến quyết định hầu như rất ít. Thế nhưng, cảm xúc của những người chiến thắng lại hỗn độn vừa vui, vừa buồn.
“Lính ngụy cởi bỏ hết quần áo chỉ còn mặc mỗi áo lót và quần đùi đi hai bên đường. Ta thì hành quân đi trên đường, khí thế lúc đó rất phấn khởi và rất căm thù địch. Vì trong trận đánh Long Khánh, cả mặt trận có đến khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng thương vong. Do đó, lúc đó vừa vui, vừa bùi ngùi thương đồng đội” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nhớ lại.
Lý giải về việc Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập nhưng không thể thực hiện, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cho biết, trước đó ngày 29/4/1975, trong lúc tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, khi đến Hố Nai, Sư đoàn 7 bất ngờ bị “tiểu đoàn cọp đen”, xe tăng chôn giấu trong các công sự và lính bảo an của địch ẩn nấp trên tháp chuông của các nhà thờ ngăn chặn, tấn công quyết liệt. Hai xe tải chở lính bộ binh của quân giải phóng bị quân ngụy bắn, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Trước tình hình đó, Sư đoàn 7 buộc phải dừng lại tổ chức lực lượng để tiêu diệt lực lượng địch cản trở, rồi mới hành tiến theo hướng cầu Ghềnh. Tuy nhiên cây cầu bị địch đánh sập 2 nhịp, buộc quân ta phải vòng ra Biên Hòa di chuyển theo xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn. Khi vào đến ngã 3 Vũng Tàu, lực lượng Quân đoàn 4 gặp Quân đoàn 2. Lúc này, Quân đoàn 2 đã có bộ phận đi trước tiến vào Sài Gòn.
Khi đến cầu Thị Nghè (đường Hồng thập tự - nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), quân giải phóng tiếp tục bị cản trở bởi các chướng ngại vật của địch dựng lên như thùng phi, bao cát. Bên cạnh đó, sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân, khiến bộ đội ta phải xuống xe để đón nhận và cảm ơn nhân dân rồi mới đi làm nhiệm vụ tiếp nên đã chậm bước tiến.
“Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập, nhưng vào chậm 30 phút. Lúc đó, Quân đoàn 2 đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, đồng chí Tư lệnh, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong mới đùa vui an ủi anh em rằng “Quân đoàn 2 cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập, ta cắm dưới đất” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể.
Ngay sau giải phóng, nhiệm vụ tiếp quản thành phố Sài Gòn – Gia Định được thực hiện ngay trong ngày 30/4/1975. Sư đoàn 7 là 1 trong 3 Sư đoàn thuộc Quân đoàn 4 được giao làm nhiệm vụ quân quản thành phố.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, mặc dù được giải phóng nhanh nhất với tổn thất ít nhất, nhưng tỷ lệ người nghèo, dân đói ở Sài Gòn lúc bấy giờ rất đông. Nhiệm vụ đầu tiên của lực lượng quân quản là tổ chức xây dựng tổ đoàn kết nhằm phát hiện giúp đỡ, chia gạo, cứu đói dân nghèo và vận động, kêu gọi lực lượng của địch còn sót lại ẩn náu trong quần chúng ra trình diện.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết, lực lượng an ninh quân đội của ta rất linh hoạt, mềm mỏng nhưng không kém phần cương quyết trong những ngày đầu quân quản để từng bước xây dựng chính quyền mới.
“Lúc đó ta vào tiếp quản Sài Gòn – Gia Định thì chưa nắm được tình hình buộc phải tận dụng một số cán bộ cũ của địch để nắm tình hình. Thời ngụy, ở Sài Gòn chúng thành lập 12 liên gia (12 gia đình thành 1 liên gia) để quản lý dân. Nhiệm vụ của ta là vận động nhân dân phá 12 liên gia này và củng cố xây dựng chính quyền. Lúc đó xây dựng chính quyền khóm, phường chứ không phải theo khu phố như bây giờ" - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể lại.
Có mặt tại Sài Gòn trong những năm tháng đầu thiết lập chính quyền mới, nhà báo Đoàn Công Tính – cựu phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân cho biết, những tuyên truyền không đúng sự thật của chế độ cũ về cộng sản là trở ngại rất lớn để ta tiếp xúc với nhân dân Sài Gòn. Tuy nhiên, bản chất nhân văn của chính quyền cách mạng đã sớm lấy được lòng nhân dân.
“Địch tuyên truyền làm cho dân hoảng sợ với chính quyền mới. Nhưng sau khi ở lại, họ thấy chính quyền của ta đối xử với người dân rất bình thường, trừ những thành phần chống đối hoặc không chịu hòa mình. Còn lại hầu hết người dân rất hòa mình với chính quyền mới, rất nhiều người là người của chế độ cũ nhưng họ tham gia vào các tổ chức chúng ta rất tốt” - nhà báo Đoàn Công Tính cho biết.
Nhờ tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, dù trong bối cảnh xã hội vẫn còn rối ren, lực lượng thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức của Sài Gòn – Gia Định đã hăng hái đóng góp sức lực cùng với chính quyền cách mạng làm cho bộ mặt thành phố Sài Gòn đổi mới rất nhanh.
Những đồn bốt, công sự, hàng rào thép gai do địch dựng lên trước đây khiến cuộc sống, hoạt động đi lại, giao thương của người dân gặp khó khăn được bộ đội giải phóng cùng nhân dân tích cực tham gia khai quang, tháo dỡ. Những khu “đất chết” đã nhanh chóng biến thành những nơi đáng sống./.