Quan hệ đối tác công - tư, nhìn từ ngành nước sạch
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu đặt ra về tỷ lệ người dân được dùng nước sạch khi đến thời điểm năm 2019 mới chỉ khoảng 53% dân số có nước máy để dùng. Trong khi đó, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu đến năm 2025 phải có 95 - 100% dân cư thành thị và 93 - 95% dân nông thôn có nước sạch để dùng. Thu hút đầu tư tư nhân, gắn với tổ chức lại thị trường nước sạch được coi là chìa khóa để đạt mục tiêu. Như vậy, từ giao thông đến nước sạch, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, bảo đảm bình đẳng giữa Nhà nước và tư nhân khi bước vào quan hệ hợp đồng, một lần nữa lại là vấn đề nóng.
Con số được các nhà chuyên môn đưa ra khi phân tích dữ liệu từ điều tra dân số của Tổng cục Thống kê cho thấy ngay tại Hà Nội, năm 2019 mới chỉ có gần 35% dân ngoại thành được dùng nước máy. Có thể, số liệu thống kê sẽ tăng lên trong ba năm gần đây nhưng với những khó khăn gây ra bởi dịch Covid-19, rất khó để hình dung Thủ đô sẽ về đích đúng hạn trong mục tiêu phủ kín mạng nước máy cho người dân.
Ở đây, nghịch lý đáng nói là, Hà Nội đã sớm thu hút các nhà đầu tư vào khâu cấp nước, tức xây dựng các nhà máy nước. Và hiện nay, nhiều nhà máy đang “kêu” thừa công suất - tức là thừa nguồn cung nhưng người dân nông thôn ngoại thành vẫn “khát nước”. Ví dụ, Nhà máy Nước sông Đà được mua 85% công suất; còn Nhà máy Nước sông Đuống thấp hơn rất nhiều, mới chỉ đạt 50%. Trong khi đó về mức giá, doanh nghiệp cũng thông tin rằng TP. Hà Nội chưa mua đúng mức giá như hợp đồng đã ký ban đầu.
Dù viện dẫn bất kỳ lý do hay khó khăn nào đi nữa, việc không tuân thủ cam kết, khiến nhà đầu tư không đạt được mục tiêu tài chính, thậm chí thua lỗ, sẽ tạo ra những “ví dụ” không hay, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư lâu dài. Làm sao nhà đầu tư yên tâm, khi hợp đồng ký một đằng, thực thi một nẻo? Dù trên lý thuyết, doanh nghiệp có thể kiện chính quyền ra tòa để yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng cam kết; nhưng lý thuyết với thực tế sẽ rất khác nhau và trong bối cảnh mối quan hệ bất bình đẳng hiện nay, sẽ có rất ít doanh nghiệp làm việc đó. Nhưng, điều đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: nhà đầu tư mất niềm tin và quay lưng trong khi ngân sách không đủ để thực hiện mọi công đoạn trong thị trường nước sạch. Và hệ quả cuối cùng sẽ đổ lên người dân. Bởi không có đầu tư, nghĩa là thiếu nước.
Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội rất am hiểu ngành nước cũng chỉ ra thực tế: ngành nước Việt Nam đang lạc hậu, vẫn xử lý nước bằng chất Clo. Nước máy chảy đến vòi nhà dân nhiều khi vẫn còn mùi Clo là một bằng chứng rất rõ ràng. Nhưng (lại nhưng), để chuyển sang những công nghệ tiên tiến như khử khuẩn bằng tia cực tím lại đòi hỏi tiền đầu tư lớn. Một vòng luẩn quẩn khác tạo ra: giá bán thấp thì doanh nghiệp không đủ tiền; mà Nhà nước lại cũng không bù lỗ vào giá bán. Không đủ tiền thì không cải tiến được công nghệ. Chất lượng nước vì thế bị ảnh hưởng. Hậu quả là sức khỏe người dùng nước hiện tại cũng bị ảnh hưởng theo.
Như vậy các bài toán về nguồn cung, về chất lượng, về giá bán nước - đều đang là những vấn đề lớn của ngành. Nếu bỏ mặc các doanh nghiệp tự xoay xở, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đang tham gia thị trường thì hệ quả sẽ là rất lớn.
Không phải ngẫu nhiên mà dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã được ban hành nhưng số lượng nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông theo phương thức PPP lại không tăng lên. Khâu thực hiện hợp đồng, thực thi các cam kết từ Nhà nước đối với doanh nghiệp dường như đang là điểm nghẽn. Và ngành nước cần nhìn vào bài học đó. Bên cạnh cần hoàn thiện chính sách trong dài hạn là tổ chức lại thị trường, phân định rõ vai trò công - tư, giải quyết bài toán giá nước thì việc ngắn hạn các địa phương cần xử lý là xử lý hài hòa, có trách nhiệm với hợp đồng đã cam kết. Có như thế, trong ngắn hạn, mùa hè đô thị mới không lo thiếu nước; và dài hạn, người dân nông thôn cũng được bình đẳng tiếp cận nước sạch như người dân đô thị.