Quân khu 5: Nhiều giải pháp đồng bộ đưa pháp luật vào cuộc sống
Thực hiện Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (Đề án 1371), Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện đề án có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều cách làm sáng tạo đã phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Dân nghe, dân thấy, dân làm theo
Những ngày bộ đội về với đồng bào, các con đường liên buôn, liên thôn ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) được chỉnh trang, dọn dẹp sạch sẽ; kênh, mương nội đồng được nạo vét, khơi thông; các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, khoác lên màu áo mới. Cùng với đó là chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa được tổ chức trong chương trình giao lưu văn hóa, thể dục-thể thao, tạo nên bầu không khí gắn bó thắm đượm tình quân dân.
Già làng Y Hơ Êban, buôn Knia 4 cho hay: “Thấy bộ đội về, bà con mừng lắm. Các quy định về pháp luật, trước đây dân làng có nghe nhưng mắt không thấy nên chưa hiểu, chưa nhớ lắm. Nhờ có bộ đội, bà con được “mắt thấy, tai nghe” chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ rất nhiều”.
Krông Jing là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện M’Drắk (Đắk Lắk), với khoảng 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk tổ chức “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024, giao lưu văn nghệ-thể thao và các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội”. Điểm nhấn của hoạt động là thông qua chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, giao lưu văn nghệ-thể thao và các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội đã lồng ghép hiệu quả các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân.
Đồng chí Y Lốp Niê, Bí thư Đảng ủy xã Krông Jing cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk triển khai Đề án 1371 đã góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là nâng cao tinh thần tự giác, ý thức đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường và hỗ trợ tích cực công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho địa phương.
Ở Đắk Lắk, xuất phát từ thực tiễn, để bà con tin và nghe theo, LLVT tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua trực tiếp tư vấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu; lồng ghép tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cố định, tổ chức chiếu phim lưu động và các hoạt động sân khấu hóa... với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, chú trọng triển khai bằng các hoạt động trực quan sinh động như thông qua công tác dân vận, xây dựng các công trình dân sinh thiết thực.
Còn ở Quảng Nam, với vai trò nòng cốt, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh chỉ đạo mỗi địa phương cấp huyện xây dựng ít nhất một tình huống pháp luật sát thực tế, dàn dựng thành tiểu phẩm, kịch bản video clip đăng trên mạng xã hội. Các nội dung đăng tải vừa gần gũi với đời thường, vừa sinh động, hấp dẫn lại rất thuận tiện, giúp mọi người dân đều có thể theo dõi, tiếp cận.
Điển hình như các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật: “Chung một lối đi” (huyện Núi Thành); “Đánh thức” (huyện Phước Sơn); “Hạnh phúc chỉ tỏa sáng trong gia đình không bạo lực” (huyện Duy Xuyên); “Đừng để muộn màng” (huyện Hiệp Đức)... để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút hàng nghìn lượt xem, theo dõi của người dân trên các nền tảng mạng xã hội.
Vận dụng linh hoạt nhiều hình thức
Xuất phát từ chức năng của đội quân công tác và những đòi hỏi của công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, ngay sau khi Đề án 1371 được Chính phủ phê duyệt, bám sát hướng dẫn, kế hoạch của trên, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, nhất là đã tập trung vào các phần việc cụ thể gắn với các hoạt động thực tiễn, thiết thực với đời sống của đối tượng thụ hưởng.
Các đơn vị sau khi khảo sát, lựa chọn đối tượng sẽ xác định nội dung tuyên truyền, hình thức, phương pháp tiến hành phù hợp với đối tượng và địa bàn. Nổi bật là đã tổ chức tốt các câu lạc bộ, tổ tư vấn pháp luật lưu động ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên tổ chức 72 buổi biểu diễn văn nghệ kết hợp các đợt làm công tác dân vận; tổ chức sôi nổi các hoạt động sân khấu hóa, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hội thi, hội diễn... Xây dựng hệ thống truyền thanh địa phương, tuyên truyền lưu động tại các địa điểm đông người bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số... tạo sức lan tỏa lớn trong LLVT Quân khu và nhân dân trên địa bàn.
Xác định nhân tố con người là then chốt, trong 3 năm qua, Cục Chính trị Quân khu 5 đã chỉ đạo mở 6 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và 44 lớp kiến thức dân tộc cho hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền pháp luật. Cục Chính trị Quân khu đã tham mưu, tổ chức hơn 130 buổi gặp mặt già làng, trưởng thôn, người có uy tín; 833 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, pháp luật cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, 1.074 lớp cho các già làng, trưởng thôn, người có uy tín; phối hợp tổ chức 1.935 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 433.400 lượt người trên địa bàn; tổ chức 375 hội thi, buổi tọa đàm, giao lưu với hơn 76.800 lượt người tham dự; cấp phát hơn 35.000 tài liệu, sách pháp luật các loại. Tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, chương trình, đề án... với phương châm “4 bám, 4 cùng” với đồng bào.
Để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, Ban chỉ đạo Đề án 1371 các cấp đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, mời báo cáo viên là lãnh đạo các cơ quan tư pháp Quân khu, lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương trực tiếp bồi dưỡng nội dung, nâng cao kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong giai đoạn 1 thực hiện đề án (2021-2024) đã tổ chức 178 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 10.700 lượt cán bộ, chiến sĩ.
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong giai đoạn hiện nay, phát huy ưu thế của mạng xã hội, Cục Chính trị Quân khu 5 đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào xây dựng các video ngắn, tranh cổ động, tuyên truyền về pháp luật đăng trên các trang, nhóm Zalo, Facebook, Mocha của các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo mở mục “Hỏi-đáp pháp luật” trên fanpage của tài khoản Facebook "Đất và Người Khu 5" vào chủ nhật hằng tuần, tạo được lượng tương tác lớn, hiệu quả.
Các hình thức, nội dung phần việc, kết quả trên góp phần khẳng định sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 5.
Đại tá Lương Đình Chung, Phó chính ủy Quân khu 5, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371 Quân khu cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Đề án 1371 đã cụ thể hóa chức năng đội quân công tác của Quân đội ta, bởi vậy các cơ quan, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, huy động tối đa mọi nguồn lực; gắn việc thực hiện đề án với tham gia thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tăng cường đoàn kết quân dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.
Bài và ảnh: PHAN XUÂN ĐỊNH
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.