Quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, đẩy mạnh ứng dụng vì hòa bình, phát triển
Nhu cầu cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam là rất lớn và tăng liên tục. Đi kèm với đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân trong việc bảo vệ, lưu giữ các nguồn phóng xạ.
Việt Nam đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, trong điều kiện mọi quốc gia trên thế giới đều chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vai trò của ngành khoa học và công nghệ trong quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được khẳng định, đồng thời góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quản lý an toàn vì mục đích hòa bình
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành năng lượng nguyên tử là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”. Đặc biệt, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã mở ra hàng lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử và kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam. Hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ cũng được chú trọng rà soát, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành năng lượng nguyên tử. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam đã hoàn thiện bộ số liệu các điểm có vật liệu hạt nhân số lượng nhỏ và đã đạt được thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về miễn trừ kiểm soát đối với vật liệu urani nghèo.
Đặc biệt, thông qua sự hợp tác với IAEA, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế như: Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nga... trong xây dựng năng lực và tăng cường trang thiết bị về an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai 12 điều ước quốc tế trong lĩnh vực an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, hoạt động kiểm soát hạt nhân của Việt Nam trong nhiều năm qua luôn được IAEA đánh giá cao.
Nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử được triển khai nhằm thực hiện chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình như: Chương trình 50-01 giai đoạn 1981-1985; Chương trình 50A, 50B và KC.09 giai đoạn 1991-1995 và 1996-2000; Chương trình KC.05 giai đoạn 2011-2015; Các nghiên cứu về vấn đề công nghệ, an toàn điện hạt nhân, nhiên vật liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ...
Tại hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 mới diễn ra, bà Jane Gerardo Abaya, Giám đốc Hợp tác kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết: Thời gian tới, IAEA sẽ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án hợp tác và chương trình hỗ trợ kỹ thuật dành riêng cho công nghiệp hạt nhân của Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyên gia, chuyển giao tri thức, đặc biệt là phát triển triển ứng dụng bức xạ trong y tế và trong nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang ở mức ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững trong nhiều năm gần đây (GDP tăng trung bình 7%/năm), nên nhu cầu cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân rất lớn và tăng liên tục. Đi kèm với đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân trong việc bảo vệ, lưu giữ các nguồn phóng xạ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện Đề án phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020; Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020; Các nghiên cứu ứng dụng hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là các công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nâng cao hiệu suất thu hồi dầu trong khai thác dầu khí, nghiên cứu tạo đột biến các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, chiếu xạ tăng cường bảo quản các sản phẩm hải sản và một số loại trái cây phục vụ xuất khẩu...
Đặc biệt, vừa qua, IAEA tiếp tục giúp Việt Nam phát triển ứng dụng bức xạ trong lĩnh vực y tế (phòng chống ung thư) và nông nghiệp (tạo giống bằng đột biến phóng xạ và chiếu xạ lương thực thực phẩm, trong đó có phương pháp SIT diệt côn trùng cây thanh long).
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tình huống liên quan đến nguồn phóng xạ trong phế liệu và hàng hóa nhập khẩu. Bộ cũng đã tiếp nhận, xử lý 2.860 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ nhân viên bức xạ các loại; 175 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, cấp tỉnh; 726 chứng chỉ nhân viên bức xạ và chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; 60 giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; phê duyệt 146 kế hoạch ứng phó sự cố...