Quản lý, bảo vệ rừng ở Phú Yên: Sớm xử lý dứt điểm những tồn tại

Rừng tự nhiên tại khu vực giáp ranh giữa huyện Sông Hinh với tỉnh Đắk Lắk bị chặt phá. Ảnh: ANH NGỌC

Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến, tuy nhiên tình trạng cháy rừng còn diễn biến phức tạp, nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép… vẫn còn diễn ra. Mới đây, HĐND tỉnh đã giám sát về những vấn đề này và yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan sớm khắc phục những khó khăn, tồn tại và tăng cường công tác quản lý.

Khó khăn giữ rừng

Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất có rừng ở Phú Yên hơn 218.187ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 127.980ha, rừng trồng khoảng 90.206ha. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng cháy rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn biến còn phức tạp.

Ông Lê Văn Tấn, Phó Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 12 vụ vi phạm, tịch thu hơn 4m3 gỗ các loại, hơn 540kg than hầm, 12 xe máy và 9 máy cưa xăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra 2 vụ cháy rừng, với diện tích hơn 4,7ha. Hiện nay ở lâm phần có khoảng 115ha rừng trồng thay thế (trồng năm 2017 và 2018) do nắng hạn nên chết với tỉ lệ 60-70%.

Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, cho hay: Tình hình khai thác rừng trái phép qua các năm có chiều hướng gia tăng và gần đây có tình trạng các thành phần khai thác lâm sản trái phép đã uy hiếp lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.

Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 32 vụ khai thác rừng trái phép; 12 vụ vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; tịch thu khoảng 152m3 gỗ các loại. Từ năm 2017 đến nay trên lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra 15 vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích khoảng 4,5ha; đơn vị đã chuyển 18 hồ sơ lấn chiếm đất trước đó với diện tích hơn 17ha cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hiện trên địa bàn còn xảy ra tình trạng các hộ nhận khoán rừng trồng thuộc Dự án 661 (dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng) đã tự ý khai thác với diện tích hơn 148ha.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT), cho biết: Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 896 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 54 vụ phá rừng trái phép với diện tích gần 52ha, 45 vụ vi phạm quy định về PCCCR với diện tích thiệt hại hơn 525ha, 130 vụ khai thác lâm sản trái phép, 615 vụ mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép, 12 vụ chế biến lâm sản trái phép, 40 vụ vi phạm khác. Đơn vị đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự 49 vụ, trong đó có 45 vụ phá rừng, 2 vụ khai thác rừng, 1 vụ vận chuyển lâm sản và 1 vụ gây cháy rừng.

Về xử lý hành chính, các lực lượng chức năng đã tịch thu hơn 1.212m3 gỗ các loại, hơn 40 tấn than hầm, hơn 4.315 cây gỗ còn non không tính được khối lượng, 8 ô tô, 103 xe máy; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tang vật tịch thu hơn 10,9 tỉ đồng.

Cần xử lý nghiêm

Theo Sở NN-PTNT, công tác rà soát, điều chỉnh lâm phần của các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay còn chậm; công tác giao rừng, cho thuê rừng ở các địa phương chưa triển khai nên khó khăn trong quản lý và hoạch định phát triển lâm nghiệp. Đối với công tác bảo vệ rừng hiện nay chưa bền vững, tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra, đặc biệt là rừng tự nhiên đang bị đe dọa, trong khi công tác phát hiện và xử lý còn chậm, chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Thời gian qua, công tác PCCCR có tăng cường nhưng vẫn chưa đảm bảo, trong đó việc phát hiện và xử lý đám cháy vẫn còn chậm, người dân địa phương chưa tích cực tham gia chữa cháy rừng. Ông Lê Văn Bé cho biết: Do nắng hạn kéo dài, tình hình cháy rừng năm nay diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ phải huy động hàng ngàn người và các trang thiết bị chuyên dụng, chữa cháy 2-3 ngày mới dập tắt được lửa. Từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 20/8), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ cháy rừng gây thiệt hại khoảng 655ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất.

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh Phạm Ngọc Minh cho biết: Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn quản lý ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ phá rừng đã xảy ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Dự án trồng rừng kinh doanh cây gỗ lớn (cây sao đen) năm 2017 tại tiểu khu 304 thuộc xã Ea Trol với diện tích 6,5ha nhưng chưa nghiệm thu thì đến nay toàn bộ diện tích này đã bị người dân lấn chiếm.

Đối với các hộ nhận khoán rừng trồng thuộc Dự án 661 tự ý khai thác với diện tích hơn 148ha, mặc dù đơn vị đã ngăn cản, vận động nhưng các hộ này không chấp hành. Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đã báo cáo từng vụ việc khai thác rừng trồng trái phép của các hộ nhận khoán này, đồng thời hoàn tất hồ sơ khởi kiện 13 hộ nhưng đến nay tòa án vẫn chưa xử.

Còn theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, việc xử lý đối với các trường hợp phá rừng mà đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn. Họ nêu lý do thiếu đất sản xuất nên phá rừng để có đất canh tác. Qua công tác vận động, các hộ chấp hành không phá rừng thì lại thiếu đất sản xuất, còn các hộ không chấp hành thì diện tích đất sản xuất từ phá rừng là rất nhiều.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Năm 2013, tỉnh có quyết định giao lại trên 10.000ha từ đất rừng phòng hộ cho địa phương quản lý. Để đảm bảo điều kiện giao đất cho dân quản lý thì bắt buộc phải đo đạc lại. Tuy nhiên, do kinh phí đo đạc quá lớn (khoảng 4-5 tỉ đồng) nên địa phương chưa triển khai giao đất, cho thuê đất rừng để các hộ dân thiếu đất sản xuất quản lý, khai thác từ đất rừng. Chính việc chậm trễ này mà hiện nay có nhiều diện tích đất rừng (hơn 100ha) do địa phương quản lý đã bị lấn chiếm trái phép.

Huyện Đồng Xuân kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để địa phương sớm đo đạc, giao diện tích đất rừng nói trên cho dân quản lý. Đối với vụ phá rừng mới phát sinh tại các tiểu khu 82, 87 thuộc địa bàn xã Phú Mỡ có yếu tố đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Kiểm lâm huyện, Công an huyện đến hiện trường đo đạc hiện trạng, xác định đối tượng, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Hiện nay, việc giao đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện có sự chồng lấn, ví dụ như sự chồng lấn ranh giới sử dụng đất của 25 hộ dân ở xã Phước Tân với Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa với diện tích hơn 506ha. Nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh có sự chênh lệch về diện tích. Vấn đề không thống nhất số liệu còn do tiêu chí xác định các loại đất, loại rừng giữa ngành NN-PTNT và TN-MT, mỗi ngành cập nhật thống kê theo tiêu chí riêng.

UBND tỉnh sớm cho ý kiến để có sự thống nhất số liệu, làm căn cứ cho công tác lập kế hoạch sử dụng đất đai, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là trong diện tích mà các ban quản lý rừng đang quản lý. Đối với diện tích chồng lấn ranh giới giữa hộ gia đình và Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa, đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo giải quyết, trong đó phức tạp nhất là vấn đề tranh chấp đất đai.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho dự án Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ khoảng 13,3 tỉ đồng để thực hiện đề án giao rừng. Sở NN-PTNT cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí để thực hiện đề án bảo vệ và phát triển rừng; giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2018-2025 với khoảng 12,2 tỉ đồng.

Đối với các địa phương cấp huyện, sớm chỉ đạo rà soát, xử lý những diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm, kiên quyết thu hồi để khôi phục diện tích rừng bị lấn chiếm. Các địa phương cũng sớm điều chỉnh, chuyển đổi những diện tích đất đã giao thuộc đối tượng điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với mục đích sử dụng.

Thường trực HĐND tỉnh sẽ làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để sớm tháo gỡ những khó khăn, giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Minh Thức

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/228577/quan-ly-bao-ve-rung-o-phu-yen--som-xu-ly-dut-diem-nhung-ton-tai.html