Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường
Mo Mường là loại hình di sản văn hóa độc đáo, lưu giữ những giá trị văn hóa, gắn liền với các nghi lễ của gia đình, dòng họ, tạo ra nét đặc sắc trong bức tranh văn hóa đa sắc màu trên cao nguyên đại ngàn.
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 13/5/2024 về việc giao thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện: Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng, Ea H’Leo và thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia về Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường (Di sản Mo Mường).
UBND các địa phương trên chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Mo Mường theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay. Trên địa bản cả nước còn 7 tỉnh, thành phố còn Di sản Mo Mường.
Là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường, Mo Mường được cấu thành bởi lời mo, môi trường diễn xướng và chủ thể thực hành diễn xướng mo.
Trong đó, lời mo có nội dung phong phú với nhiều câu thơ, câu văn, được sáng tác theo vần điệu và tuân thủ theo nguyên tắc diễn xướng nhất định.
Môi trường diễn xướng của mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình, nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là các thầy mo, là những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, phong tục, là người có uy tín được cộng đồng tin tưởng.
Mới đây, theo văn bản số 2082/VPCP-KGVX, ngày 29/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa Di sản Mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.