Quản lý chất thải nguy hại: 'lỗ hổng' ngay ở khâu giám sát thực thi
Tình trạng DN đổ trộm chất thải hay xử lý chất thải nguy hại không theo đúng quy trình đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân…
Sự cố khủng hoảng nước sạch vừa qua tại Hà Nội không chỉ cho thấy những bất cập trong quy trình quản lý, sản xuất nước sạch sinh hoạt mà còn bộc lộ lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát xử lý chất thải nguy hại tại nhiều đô thị. Bởi vậy mà 10 thùng chứa chất thải với tổng dung tích 10m3 đã được vận chuyển từ Phú Thọ lên huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) để đổ trộm.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 6.2019, Hà Nội có khoảng 38 Khu công nghiệp và 70 cụm công nghiệp với hơn 3.100 cơ sở sản xuất đang hoạt động, cùng hàng nghìn làng nghề nằm trải khắp ở các huyện, xã trên địa bàn... Mỗi ngày, các cơ sở này thải ra số lượng lớn chất thải công nghiệp trong đó có nhiều chất thải nguy hại mà nếu chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Luật, quy định về quy trình xử lý đầy đủ…
Chi phí để xử lý chất thải nguy hại có giá thành cao, có doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải nguy hại không thực hiện xử lý theo đúng quy trình, quy định để giảm chi phí. Thời gian qua có một số trường hợp vận chuyển trái phép, hay một số cơ sở sản xuất/ doanh nghiệp đã đổ trộm chất thải nguy hại ra môi trường.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại cho biết, quá trình xử lý chất thải nguy hại tại nhiều cơ sở sản xuất (bao gồm cả tư nhân và doanh nghiệp nhà nước), rất “ẩu”, tinh thần trách nhiệm kém, chưa ý thức được sự nguy hiểm của chất thải tác động đến môi trường sống xung quanh.
Trước đó, trả lời báo chí, đại điện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Hà Nội, thừa nhận hoạt động quản lý chất thải nguy hại tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn bất cập, chưa thực hiện đúng theo Thông tư số 36. Vẫn còn tình trạng, một số cơ sở không thuộc diện bắt buộc phải lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại không ký hợp đồng thu gom vận chuyển chất thải hoặc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với đơn vị không có giấy phép của cơ quan quản lý cấp. Bên cạnh đó, một số người dân còn tự ý tái chế chất thải làm thành các sản phẩm nhựa hay chưng cất dầu thải…
Ông Đỗ Tiến Đoàn, chuyên viên Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT), cho biết Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về chất thải nói chung và chất thải công nghiệp nguy hại nói riêng. Công tác quản lý chất thải nguy hại hiện nay tại Việt Nam yêu cầu các bên cùng tham gia từ chủ nguồn thải, đơn vị thu gom và xử lý chất thải. Trong đó, chủ nguồn thải khi có chất thải nguy hại phải đăng ký với chính quyền địa phương về việc có chất thải nguy hại phát sinh và chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại được Bộ TN&MT cấp phép. Các đơn vị này phải ghi lại vào sổ sách, chứng từ và hàng năm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, các văn bản pháp luật đã có những quy định cụ thể về điều kiện để các doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 38 năm 2015 và gần đây Nghị định 40 năm 2019 sửa đổi và Thông tư số 36 năm 2015 của Bộ TN&MT, đã quy định chi tiết những yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp, tổ chức ngoài việc đáp ứng những quy định nêu trên, còn phải phù hợp với quy hoạch chất thải rắn và có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, có phương tiện xử lý đáp ứng yêu cầu.
Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, hiện nay, trên cả nước có trên 100 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được Bộ TN&MT cấp giấy phép được thu gom và xử lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp đã tiến hành xử lý và thu gom được 70-80% lượng chất thải nguy hại trên cả nước. Số còn lại do các chủ phát sinh tự xử lý theo sự chấp thuận của Sở Tài Nguyên môi trường địa phương hoặc đối với một số chất thải có khả năng tái chế thì được lưu giữ tại chỗ và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đỗ Tiến Đoàn thì có một thực tế “hầu hết các đơn vị tư nhân tập trung chủ yếu vào việc xử lý các chất thải có giá trị tái chế cao, và không đều tư vào việc xử lý những loại chất thải khó xử lý hoặc giá trị tái chế thấp".
…nhưng quá trình giám sát lỏng lẻo
Một số ý kiến cho rằng, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cũng như các chế tài xử phạt rõ ràng nhưng quá trình triển khai còn yếu, thiếu công cụ hỗ trợ, khâu giám sát quá trình triển khai còn lỏng lẻo, chưa thực hiện đến nơi đến chốn.
Ông Đinh Đăng Hải, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Vì thành phố sống tốt (Healthbride Canada tại Việt Nam), phân tích sở dĩ vẫn còn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải nguy hại, xử lý "chui” là do các chế tài xử phạt đối với những hành vi này chưa đủ sức răn đe. Một số doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt vì chi phí này thấp hơn chi phí xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy trình.
Chính quyền địa phương là đơn vị trực tiếp quản lý các hoạt động xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng các bán bộ chuyên môn về quản lý chất thải của địa phương còn thiếu cả về “lượng” và “chất”. Khi tỷ lệ các vụ xả thải “chui” bị phát hiện thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ vẫn còn tiếp diễn xả thải không đúng quy định.
Đại diện Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), cho biết 6 tháng đầu năm 2019, mới có 2/3 trong tổng số 620 cơ sở nộp báo cáo xử lý chất thải nguy hại. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 4-5 khu xử lý chất thải nguy hại và khoảng 10 cơ sở thu gom, vận chuyển được Bộ TN&MT cấp phép. Tuy nhiên, các dữ liệu này thuộc thẩm quyền của Bộ và Sở TN&MT thành phố không được phép truy cập. Sở phải xin ý kiến Bộ đối với các trường hợp vi phạm hoặc phải chờ thông báo từ Bộ TN&MT.
Vậy để thực hiện tốt công tác quản lý chất thải nguy hại trong thời gian tới, Việt Nam cần phải thực hiện những giải pháp gì? Kinh nghiệm nào của thế giới có thể áp dụng tại Việt Nam?
Còn tiếp...
Minh Hân
HĐND TP Hà Nội không đồng ý trợ giá nước sạch sông Đuống
Nước sạch: Trách nhiệm nhà nước
Có 'lợi ích nhóm' trong sản xuất và phân phối nước sạch?
Sự cố nước nhiễm bẩn 'hé lộ' an ninh nguồn nước còn nhiều lỗ hổng
Công ty Gốm sứ Thanh Hà: “Số dầu thải đó đúng là của chúng tôi”
Nghi phạm thứ 3 vụ đổ thải nguồn nước sông Đà ra đầu thú
Sự cố nước nhiễm bẩn 'hé lộ' an ninh nguồn nước còn nhiều lỗ hổng
Khởi tố vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà, gây ô nhiễm nghiêm trọng