Quản lý cơn giận là cách cha mẹ bảo vệ con khỏi bạo lực gia đình

Khi tức giận, cha mẹ thường không kiềm chế được cảm xúc, có những lời nói và hành vi bạo lực với con trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải biết quản lý cơn giận, lắng nghe, thấu hiểu con cái.

Trong khuôn khổ Tọa đàm trực tuyến “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích, hướng dẫn cha mẹ cách quản lý cơn giận, tránh xâm hại, bạo lực tinh thần và thể chất của con trẻ.

Tọa đàm do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp Cục trẻ em thực hiện đã diễn ra vào chiều ngày 28/6.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng, Cục trẻ em, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD, Chuyên gia Giáo dục trẻ em, ông Trương Quang Lâm - Chuyên gia tâm lý, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, diễn giả Nguyễn Hải Đăng (AlexD).

Tọa đàm trực tuyến “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”

Tọa đàm trực tuyến “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”

Mở đầu tọa đàm, các khách mời nhấn mạnh đến khái niệm “lắng nghe tích cực” mà cha mẹ cần áp dụng để thấu hiểu con trẻ.

Theo ông Trương Quang Lâm, lắng nghe tích cực cần thực hiện ở nhiều khía cạnh. Trong đó có việc cha mẹ quan tâm, lắng nghe suy nghĩ, cảm xúc của con để thực sự hiểu điều con mong muốn. Lắng nghe tích cực giúp củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Ở góc độ cha mẹ, diễn giả Nguyễn Hải Đăng bày tỏ: “Tôi cũng giống như các bậc phụ huynh khác, thời gian đầu có con là những ngày khó khăn nhất cuộc đời. Đó là lúc mình có thêm một bạn nhỏ để chăm sóc nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành các công việc.

Những giai đoạn cha mẹ căng thẳng, cần tập trung cho công việc thì con cái lại vây quanh, tạo sự chú ý, muốn cha mẹ quan tâm. Thực sự, hành động đó của các con khiến cha mẹ rất khó giữ được bình tĩnh.

Để tránh làm tổn thương đến con, tôi đang cố gắng tuân thủ theo các quy tắc mình đưa ra để quản lý cảm xúc”.

Ông Lâm khẳng định, cha mẹ muốn kiểm soát được cơn nóng giận thì phải rèn luyện kỹ năng và biết cách quản lý cảm xúc khi trò chuyện cùng con.

“Khi tức giận, cha mẹ không nên có những hành vi, lời nói gây sát thương, tổn thương về mặt tinh thần và thể chất của trẻ.

Cha mẹ nên cảnh báo với con rằng mình đang nóng giận, mệt mỏi… Đó là những phản hồi lành mạnh để con biết tôn trọng cảm xúc của người khác, trong đó có cha mẹ.

Muốn con cái ổn thì cha mẹ phải thực sự ổn. Để làm được như thế, chúng ta không còn cách nào khác là phải tìm cách điều chỉnh bản thân. Gia đình gắn kết thì xã hội cũng được hưởng lợi”, ông Lâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD

Bà Nguyễn Phương Linh đưa ra lời khuyên, mỗi phụ huynh có cách lắng nghe, sự kiên nhẫn và cách kiềm chế khác nhau. Kiềm chế rất khó nên mới cần rèn luyện. Lúc cơn giận bộc phát, cha mẹ phải tìm cách lắng lại qua một số việc giúp mình thoải mái hơn. Cha mẹ trì hoãn được cơn giận thì dễ dàng sắp xếp lại suy nghĩ, cảm xúc. Từ đó, cha mẹ không có những hành vi, lời nói gây hại cho con.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng, Cục trẻ em phân tích, cha mẹ chịu vô vàn áp lực, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Thế nên, những lúc nóng giận, cha mẹ không đủ kiên nhẫn lắng nghe và cùng con giải quyết.

Trong tình huống như vậy, cha mẹ phải kiềm chế sự nóng giận, không được phép bạo lực, kể cả bạo lực bằng lời nói hay thể chất với con cái.

“Quá trình tiếp xúc với trẻ bị bạo lực, chúng tôi nhận thấy các em rất dễ khóc khi nhắc đến hành vi bạo lực trong gia đình. Với các em, đôi khi bạo lực bằng lời nói còn đau đớn, ám ảnh hơn việc bị đánh đập.

Không phải đánh mới tác động đến sự phát triển của trẻ, những lời xúc phạm, chì chiết gây tổn thương cho các em đến suốt cuộc đời.

Chúng tôi xin nhấn mạnh, cha mẹ tuyệt đối không được bạo lực, xâm hại con trẻ. Không được xem bạo lực như đặc quyền của cha mẹ trong quá trình dạy dỗ con cái.

Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác trẻ em, chúng tôi đánh giá việc trang bị kiến thức trong gia đình cho cha mẹ vô cùng quan trọng.

Chúng ta cần có sự cố gắng từ gia đình, xã hội và Nhà nước để cha mẹ có thể lắng nghe con một cách tích cực hơn. Đồng thời, chúng tôi đang tuyên truyền cho trẻ biết những quyền lợi, trách nhiệm và bổn phận của các em đối với bản thân, gia đình và xã hội”.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quan-ly-con-gian-la-cach-cha-me-bao-ve-con-khoi-bao-luc-gia-dinh-2296550.html