Quản lý dạy thêm, học thêm sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội
Ngày 14/02 Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực. Với thông tư này, quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội.
Nhiều quy định khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ban hành ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có hiệu lực từ ngày 14/02. Theo Bộ GD-ĐT, thông tư xây dựng trên tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Thông tư này mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS, THPT) mới và các quy định của pháp luật liên quan.
Theo Bộ GD-ĐT, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của xã hội và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GDĐT là phải ban hành quy định để quản lý. Trước khi ban hành thông tư này, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến 63 Sở GD-ĐT, các hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục thông qua nhiều hình thức khác nhau... Các ý kiến cơ bản đều đồng tình, thống nhất với dự thảo thông tư. Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
![Giáo viên trường THPT Chu Văn An (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_62_51458309/0e023b670c29e577bc38.jpg)
Giáo viên trường THPT Chu Văn An (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh TTXVN
Giáo viên (GV) đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch của nhà trường. GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của HS, gồm: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; bồi dưỡng HS giỏi cho nhà trường; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nếu so với Thông tư 17 ban hành năm 2012 quy định về dạy thêm, học thêm thì thông tư mới thể hiện quan điểm mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Tinh thần của thông tư với mục đích rõ ràng là không cấm dạy thêm, nhưng phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ; loại trừ những tiêu cực trong việc dạy thêm và học thêm không có lợi cho người học và cho phép GV dạy thêm đàng hoàng, đúng quy định.
Những ý kiến khác
Chỉ còn vài ngày nữa Thông tư 29 có hiệu lực nhưng ngay sau Tết Ất Tỵ, gần như ngay lập tức các GV có dạy thêm tại nhà, dạy nhóm đã dừng dạy để nghe ngóng tình hình. Và cũng có những ý kiến trái chiều được nêu ra. Với GV, thắc mắc việc dạy thêm trong nhà trường cho các đối tượng HS được quy định, HS không phải trả tiền, thì ai trả thù lao cho GV và nếu trả tiền theo quy chế dạy thừa giờ như bấy lâu nay, liệu có GV nào muốn dạy?
![Bắc Giang đưa giáo viên nước ngoài vào dạy tiếng Anh tại các trường học, để thực hiện Đề án đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_62_51458309/1138225d1513fc4da502.jpg)
Bắc Giang đưa giáo viên nước ngoài vào dạy tiếng Anh tại các trường học, để thực hiện Đề án đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông. Ảnh: TTXVN
Cấm GV dạy thêm với HS bậc tiểu học đã có từ lâu và được xã hội ủng hộ, nhưng quy định này từ rất lâu không có hiệu lực trên thực tế. Việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học cần cấm triệt để như Thông tư 29 là đúng đắn. Tuy nhiên vẫn có GV cấp 1 nêu thắc mắc như chỉ dạy thêm cho một nhóm nhỏ ít HS ở tại nhà có đủ điều kiện cơ sở vật chất từ 16h đến 18h theo yêu cầu của phụ huynh, vì phụ huynh đi làm không thể đón con đúng giờ tan học, có được không? GV có được dạy kèm vài HS tại nhà, dạy kèm với các môn năng khiếu như hội họa, vẽ, âm nhạc? Hiện nay, dù Bộ GD-ĐT quy định không được thi tuyển vào lớp 6 nhưng nhiều địa phương lại có trường "chất lượng cao" như TP.HCM, Hà Nội... dẫn đến nhu cầu học thêm ở lớp 5, thậm chí ngay từ những lớp trước đó là thực tế, để luyện thi.
Ở cấp THCS và THPT, tại sao GV chỉ được dạy thêm ở các trung tâm và vì sao phải qua trung gian? Nếu HS ở vùng sâu vùng xa, các tỉnh miền núi thì làm gì có trung tâm để GV có thể dạy thêm, HS có điều kiện luyện thi? Hoặc GV có thể dạy thêm bằng hình thức trực tuyến? Thực tế ở hai cấp học này, nhiều HS có nhu cầu học thêm vì có 2 kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT. Việc luyện thi bấy lâu nay là chuyện bình thường, đặc biệt ở hai lớp cuối cấp là lớp 9 và 12.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm
Tiếp xúc với báo chí để thông tin về Thông tư 29, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - khẳng định: Thông tư 29 đã trải qua quy trình xây dựng căn cứ vào thực tiễn và những quy định đã ban hành trước đó, lấy ý kiến rộng rãi, vì đây là quy định quản lý một vấn đề "lớn, khó” là dạy thêm. Dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, cả ở trong và ngoài nhà trường. Ông Thưởng cho rằng, để đưa thông tư này vào cuộc sống, việc tiếp theo của quá trình thực hiện là "hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên".
Thứ trưởng nêu quan điểm: "Nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội... Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con em mình, chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài nhà trường thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực".
Với các nhà trường và GV, ông Thưởng chia sẻ về điều kiện dạy học còn khó khăn, sĩ số đông, việc dạy tốt còn nhiều vất vả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh với truyền thống của nhà giáo, các thầy cô có trách nhiệm dạy học và kiểm tra để HS hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra. Nếu HS còn yếu kém, lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, GV phải có trách nhiệm bổ trợ. "Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy, những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề", Thứ trưởng phát biểu.
Về ý kiến cho rằng không dạy thêm sẽ làm giảm thu nhập cho GV, ông Thưởng khẳng định rất nhiều GV mầm non, ở vùng sâu, vùng xa hay nhiều bộ môn trước giờ không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề. "Thời gian qua khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới còn hướng tới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo".
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của GV để họ nói "không" với dạy thêm không đúng quy định; đồng thời với chính sách đảm bảo đời sống cho GV. "Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội", ông Thưởng nói. Ông Thưởng mong phụ huynh không coi điểm số trở thành áp lực mà phối hợp với nhà trường, GV để việc học của con em trở nên nhẹ nhàng.
Thứ trưởng nhắc lại công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các sở GD-ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương. Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Công điện của Thủ tướng và quan điểm của Bộ GD-ĐT cho thấy, với Thông tư 29, ngành giáo dục mong muốn và hướng tới không có học thêm, dạy thêm trong trường học.
Giáo viên vẫn có thể dạy thêm ở các trung tâm
Theo Thông tư 29, GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp, kể cả có thể dạy tại nhà nếu đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Hiện một số địa phương đã có hướng dẫn về vấn đề này. Hiện nhiều tỉnh thành đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức dạy thêm.
Tại TP.HCM, theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP, GV trường công chỉ được dạy thêm tại nơi có đăng ký kinh doanh theo đúng pháp luật (hộ kinh doanh, trung tâm dạy thêm học thêm) được Sở Kế hoạch đầu tư hoặc UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện cấp phép. Nếu GV có cơ sở vật chất là nhà riêng đủ điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm thuê để tổ chức thì GV được phép dạy tại trung tâm này như những trung tâm khác. Lưu ý không dạy thêm với HS chính khóa, HS tiểu học - trừ các trường hợp bồi dưỡng về năng khiếu.
Ông Hồ Tấn Minh cho biết, UBND TP.HCM đã giao Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện các công việc quản lý dạy thêm, học thêm, kể cả cấp giấy phép.
Quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM là kiên quyết thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD-ĐT.