Quản lý giỏi giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh

HTX là mắt xích quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn và là đầu mối để liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán về nhân lực, nhất là kỹ năng quản trị HTX đang là điểm yếu cần cải thiện của không ít HTX hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, phần lớn những HTX hoạt động hiệu quả thì vai trò của Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX đóng góp không nhỏ, thậm chí là quyết định sự thành công của HTX đó trên thị trường. Tiêu biểu như HTX Chúc Sơn (Hà Nội), HTX Xuyên Việt (Hải Dương)… đều có Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX năng động, là những điển hình trong quản lý và phát triển kinh tế hàng hóa. Họ cũng đều nhận được sự tín nhiệm của thành viên, người dân và chính quyền địa phương.

HTX đòi hỏi năng lực của người quản lý

Ngược lại, những HTX hoạt động chưa thực sự hiệu quả dễ có những nút thắt, đó chính là bộ máy quản lý chưa phát huy được vai trò của mình trong sản xuất kinh doanh và quản trị mô hình kinh tế tập thể.

Thừa nhận điều này, ông Trần Đoan, Giám đốc HTX ô tô vận tải và Du lịch Đà Nẵng cho rằng, trong ngành vận tải hiện nay đòi hỏi người quản lý cần có năng lực quản lý điều hành rất cao mới có thể giúp HTX cạnh tranh được trên thị trường. Ngay việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, quyết định đầu tư, ứng dụng các phần mềm quản lý… cần sự quyết đoán, năng lực, tầm nhìn, nhận thực đúng đắn, kịp thời của người đứng đầu.

“Nếu không, HTX sẽ khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển mạnh mẽ của thị trường và khó hoạt động hiệu quả”, Giám đốc HTX vận tải Đà Nẵng cho biết.

Có thể thấy, những người đứng đầu mô hình HTX có vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ, kỹ năng kinh doanh, kết nối các thành viên và tạo mối liên kết với những HTX khác để mở rộng không gian sản xuất kinh doanh.

Người đứng đầu HTX cần linh hoạt, biết nắm bắt cơ hội để đưa HTX phát triển hiệu quả.

Người đứng đầu HTX cần linh hoạt, biết nắm bắt cơ hội để đưa HTX phát triển hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, một khi người đứng đầu HTX làm tốt việc kết nối thành viên, đổi mới tư duy trong quản trị, đưa HTX thích ứng với thị trường… sẽ giúp mô hình kinh tế tập thể phát huy được những ưu điểm, gia tăng được giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Từ đây, HTX sẽ trở thành “phản xạ” tự nhiên của nông dân và được nông dân đón nhận, tham gia nhiều hơn.

Đặc biệt hiện nay, kinh tế thị trường luôn biến động, đòi hỏi những yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất kinh doanh, do đó, nếu những người quản lý HTX không thay đổi, không thích ứng kịp thì sẽ khó đưa mô hình HTX phát triển và cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác.

Để nâng cao được năng lực quản trị cho những người đứng đầu HTX, ngoài việc tự nguyện học hỏi, trau dồi kỹ năng của mỗi giám đốc, Chủ tịch HĐQT thì khâu đào tạo, nâng cao năng lực cho chính đội ngũ quản lý HTX là cần thiết.

Vậy nhưng, hiện nay, phần lớn các HTX đều chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý HTX và chưa dành một phần kinh phí cố định để phục vụ cho hoạt động này.

Trong khi theo PGS. TS. Phạm Thị Hồng Yến, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, mô hình HTX ở các nước đều chú trọng dành một phần kinh phí và có kế hoạch cụ thể cho việc đào tạo nguồn nhân lực, giúp mô hình HTX thích ứng trước sự phát triển của thị trường.

Như tại Nhật Bản, các HTX đều dành 5% lợi nhuận/năm cho việc đào tạo các thành viên và cán bộ của HTX. Điều này cũng được quy định rõ ràng trong luật nên các HTX ở Nhật Bản đều có kế hoạch rõ ràng trong đào tạo nhân lực hàng năm.

Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng (Hà Nội), cho biết nếu không tự nâng cao năng lực, tham gia các lớp đào tạo, những người đứng đầu HTX khó có thể chuyển đổi mô hình sản xuất một cách hiệu quả.

Ngay như những HTX muốn chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, bền vững đòi hỏi công tác quản lý vật tư từ giống, phân, thuốc làm sao đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất rất cao... Hay việc tiếp cận tiến bộ kỹ thuật của HTX sao cho hiệu quả, không bị tùy tiện cũng cần được trau dồi thường xuyên mới mang lại hiệu quả trong thực tiễn.

“Nếu năng lực cán bộ kém sẽ khiến việc hướng dẫn, chuyển giao, quản lý, thực hiện kỷ luật trong sản xuất, vận hành tới thành viên không theo quy trình”, ông Hoàng Văn Hưng nhấn mạnh.

Sẵn sàng vượt qua giới hạn

Thực tế hiện nay, ngoài khả năng hạn chế của các HTX trong việc tự đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì nhiều địa phương đang khan hiếm những chương trình đào tạo ngắn hạn để lao động nông thôn, giám đốc HTX trực tiếp thực hành các kỹ thuật của nông nghiệp bền vững cũng như nâng cao năng lực quản lý.

Trong khi nguồn nhân lực đang có sự dịch chuyển từ một số ngành nghề khác sang nông nghiệp, nhất là đối với đối tượng thanh niên đang có xu hướng khởi nghiệp từ nông nghiệp thông qua mô hình HTX. Do đó bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nông dân, lãnh đạo HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển sôi động là rất quan trọng.

PGS. TS Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, cho biết đối với Việt Nam, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ chốt. Do đó, chú trọng vào khâu đào tạo giúp đội ngũ quản trị HTX có khả năng nắm bắt tri thức mới để tự chủ trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao thu nhập. Đây cũng là điều cần thiết để đưa HTX phát triển trong điều kiện Việt Nam định hướng tăng giá trị sản xuất các sản phẩm hàng hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, vùng, miền.

Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực quản trị HTX cần chú trọng đảm bảo kiến thức cơ bản trong sản xuất và quản lý HTX. Khi nắm được các kiến thức cơ bản, những người đứng đầu HTX sẽ dễ vận dụng những kiến thức “nâng cao” trong điều hành. Bên cạnh đó, đào tạo giám đốc HTX cần đi liền với các kiến thức về ứng dụng công nghệ để giúp HTX thích ứng được xu thế.

TS. Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, thị trường và các yêu cầu trong sản xuất kinh doanh luôn thay đổi nên người đứng đầu HTX cần có sự linh hoạt, biết nắm bắt thời cơ, sẵn sàng vượt qua những định kiến, giới hạn để quản lý HTX một cách nhạy bén, không bị vuột mất cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu HTX cần trau dồi năng lực xây dựng kế hoạch kinh doanh từ ngắn đến dài hạn đi đôi với phát triển tinh thần hợp tác, liên kết từ sản xuất đến kinh doanh. Bởi đây là thế mạnh của mô hình HTX và cũng là lợi thế cạnh tranh so với những thành phần kinh tế khác.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/quan-ly-gioi-giup-htx-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-1103623.html