Quản lý kinh doanh vận tải: Sửa Luật để minh bạch hơn
Trong lần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ tới đây định nghĩa kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về KD vận tải sẽ được luật hóa.
Trong lần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ tới đây, định nghĩa về kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải sẽ được luật hóa, tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn để quản lý kinh doanh vận tải.
Tính phí chưa phù hợp
Thời gian qua, việc thu "phí thời tiết nắng nóng gay gắt" của Grab khiến người tiêu dùng bức xúc. Khách hàng càng bất ngờ hơn khi biết mình phải chịu thêm nhiều loại phụ phí khác như: Phí giờ cao điểm, phí ban đêm, phí tắc đường... khiến giá cước mỗi chuyến xe của ứng dụng Grab trở nên đắt đỏ hơn nếu so sánh với các hãng taxi truyền thống, doanh nghiệp phải tuân thủ rất nhiều điều kiện chặt chẽ về phương tiện, con người, giá cước.
Doanh nghiệp công nghệ vẫn tự nhận chỉ đơn thuần cung cấp ứng dụng tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội so với taxi truyền thống. Trong khi đó, xét ở góc độ điều kiện kinh doanh vận tải, có thể thấy rõ bản chất của các doanh nghiệp như Grab đang tham gia cả vào các công đoạn như: Quyết định giá cước, điều hành lái xe. Tuy vậy, Grab vẫn cố tình chưa đăng ký kê khai là doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo Nghị định 10. Họ cũng mới chỉ xin cấp phép ở TP. Hồ Chí Minh, trong khi hoạt động hầu khắp các tỉnh, thành phố.
Theo PGS. TS. Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đánh dấu việc đặt các dịch vụ gọi xe, taxi công nghệ vào loại hình doanh nghiệp vận tải. Trong lúc chờ đợi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Nghị định 10 là giải pháp tình thế giúp thị trường vận tải tạm ổn định. "Nghị định 10 ra đời được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến giữa taxi truyền thống với các hãng gọi xe công nghệ. Những tưởng việc định danh các loại hình vận tải sẽ giúp việc quản lý vận tải minh bạch, bình đẳng hơn. Tuy nhiên, với chiến lược tận thu từ các hãng gọi xe công nghệ như vừa qua, có thể thấy, hành lang pháp lý liên quan đến giá, phí, điều kiện kinh doanh với loại hình này đặt ra thách thức đòi hỏi sớm giải quyết" - ông Sùa nói.
Xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn
Ông Đỗ Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho hay, việc phân loại rõ loại hình kinh doanh vận tải trong Luật Giao thông đường bộ chưa phù hợp với thực tế phát triển, gây nhiều khó khăn trong quản lý cũng như cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có cách thức hoạt động tương tự nhau. Đồng thời, chưa bao quát được khung pháp lý cho các hình thức vận tải ứng dụng công nghệ như: Grab, Gojek...
Ông Thủy cho rằng, nếu không giải quyết triệt để vấn đề này sẽ dẫn đến thị trường vận tải lộn xộn, méo mó, kém hiệu quả. Bên cạnh đó là việc chồng chéo trong loại hình kinh doanh vận tải, khó phân định hình thức và điều kiện kinh doanh. Quan trọng hơn là gây thất thu ngân sách đối với các phương thức kinh doanh mới được xã hội thừa nhận.
Chính vì thế, trong lần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ này, định nghĩa về kinh doanh vận tải tại Nghị định 10 sẽ được luật hóa. Theo đó, kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Từ định nghĩa này, những ứng dụng gọi xe như: Grab, Be, Gojek hoặc tương tự đều được coi là kinh doanh vận tải, sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam.
Với khung khổ pháp lý mới, kỳ vọng những kiểu phí "thời tiết nắng nóng" hay những chiêu lách luật khác của các hãng xe công nghệ để tận thu từ tài xế và khách hàng sẽ được xử lý nghiêm.
Nguyễn Duyên