Quản lý người bệnh tâm thần: Ngành y tế, chính quyền và gia đình cùng hành động
HNN - Tình trạng người tâm thần sống tại cộng đồng nhưng không được giám sát, điều trị đúng cách đang đặt ra nhiều nguy cơ cho bản thân họ, gia đình và xã hội. Thực tế này cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại TP. Huế vẫn chưa được giải quyết triệt để, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, chính quyền và ngành y tế.

Cán bộ ngành y tế phối hợp khám sức khỏe định kỳ cho người bệnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội
Thực trạng đáng lo ngại
Theo thống kê của Sở Y tế TP. Huế, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 36.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 3% dân số. Trong đó, số người bị khuyết tật thần kinh tâm thần là 6.279 người, chiếm khoảng 17,4%. Đáng chú ý, hơn 5.200 người trong số này đang sống và được chăm sóc tại cộng đồng, chỉ có khoảng 530 người có tình trạng bệnh đặc biệt nặng được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố để nuôi dưỡng, điều trị. Ngoài ra, TP. Huế cũng đang triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho hơn 6.200 người; trong đó, riêng các bệnh về tâm thần là hơn 3.600 trường hợp.
Tuy nhiên, việc chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng hiện nay vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của gia đình và năng lực của y tế địa phương. Với những người tâm thần nặng nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào cơ sở bảo trợ theo quy định, công tác giám sát gần như phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cho người bệnh, người thân và cộng đồng.
“Chỉ cần người bệnh tái phát bệnh bất ngờ và gia đình lơi lỏng thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã ghi nhận nhiều vụ việc người tâm thần gây rối trật tự, đập phá nhà cửa, thậm chí gây án mạng. Đa số các trường hợp đó đều là người đang được quản lý tại cộng đồng”, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Huế chia sẻ.
Thực tế cho thấy, những lo ngại này không phải là vô căn cứ. Tháng 7/2022, tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới (nay là xã A Lưới 2), đối tượng T. V. T., mắc bệnh tâm thần, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và điều trị tại nhà, trong lúc lên cơn đã cầm rựa chém liên tục làm mẹ là bà Hồ Thị X. tử vong tại chỗ. Tháng 1/2024, đối tượng N. T. S. (sinh năm 1999), trú tại phường Thủy Vân, TX. Hương Thủy (nay là phường Vỹ Dạ, TP. Huế) có dấu hiệu tâm thần đã gây rối và manh động, dùng hung khí đâm trọng thương một đại úy công an khi đang thi hành công vụ. Mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, đại úy đã hy sinh.
Việc điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi phải có phác đồ dài hạn, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và gia đình người bệnh. Dù y tế cơ sở đã triển khai cấp phát thuốc điều trị duy trì tại cộng đồng, nhưng nếu người nhà không đưa bệnh nhân đi nhận thuốc đúng lịch, không đảm bảo uống thuốc đều đặn thì bệnh rất dễ trở nặng. Trong khi đó, nhiều gia đình không có đủ kiến thức chuyên môn hoặc điều kiện chăm sóc người bệnh một cách thường xuyên. Điều này khiến cho việc điều trị bị gián đoạn, gây nguy cơ tái phát cao.
Hiện nay, việc quản lý người bệnh tâm thần tại TP. Huế đang được thực hiện thông qua ba kênh chính: Gia đình, cơ sở y tế và Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, cả ba kênh này vẫn chưa thể bao phủ hết các đối tượng cần hỗ trợ. Việc sàng lọc, phát hiện người có dấu hiệu rối loạn tâm thần trong cộng đồng chưa được làm thường xuyên và hiệu quả. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế tại tuyến xã, phường cũng đang phải chịu áp lực công việc rất lớn, nên chưa thể giám sát từng trường hợp bệnh nhân tâm thần đang sinh sống tại địa phương.
Giải pháp đồng bộ
Không phủ nhận những nỗ lực của ngành y tế TP. Huế trong thời gian qua, đặc biệt là việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần nặng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Minh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Y tế TP. Huế, để quản lý hiệu quả người bệnh tâm thần, cần sự phối hợp từ gia đình, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
“Gia đình cần đưa người bệnh đến các cơ sở chuyên khoa ngay khi có dấu hiệu bất thường. Chính quyền địa phương nên chủ động phối hợp với trạm y tế theo dõi tình trạng của người bệnh, hỗ trợ phát thuốc định kỳ, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, nhận biết dấu hiệu tái phát để xử lý kịp thời”, ông Minh nhấn mạnh.
Sở Y tế cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, phường và người nhà bệnh nhân nhằm nâng cao kỹ năng chăm sóc, phòng ngừa tái phát. Ngành y tế cũng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm kỳ thị và có thái độ hỗ trợ tích cực với người bệnh.
Song song với nâng cao nhận thức, ngành y tế TP. Huế cũng xác định cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực tại các trung tâm bảo trợ, giúp mở rộng khả năng tiếp nhận người bệnh nặng không có người thân hoặc không đủ điều kiện điều trị tại nhà. Việc đảm bảo nơi ăn ở, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần đặc biệt nặng không chỉ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn mà còn góp phần ổn định trật tự xã hội, giảm áp lực cho gia đình và địa phương.
Với sự theo dõi thường xuyên, điều trị đúng hướng dẫn và môi trường ổn định, người bệnh tâm thần vẫn có thể chung sống an toàn với cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, TP. Huế cần xây dựng một hệ thống quản lý y tế - xã hội đồng bộ, từ phát hiện, điều trị, chăm sóc đến giám sát hậu điều trị.
Quản lý người bệnh tâm thần là một bài toán nan giải, không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nơi mỗi gia đình, mỗi cán bộ y tế, mỗi cấp chính quyền đều cần chủ động, phối hợp và hành động vì sự an toàn của cộng đồng và nhân phẩm của người bệnh.