Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước: Cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách

Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị 'Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 – Một số chính sách nổi bật' do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm qua (12/12).

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội (QH) khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn… Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Ngô Mạnh Hà phản ánh, sau gần 10 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản... chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, nhất là còn sự giao thoa, chưa làm rõ được đối tượng quản lý về nguồn nước và công trình thủy lợi giữa lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi.

Tham gia ý kiến, TS Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc CECR cho rằng, tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước… Một trong những trọng tâm trong bảo vệ môi trường năm 2022 -2023 của Chính phủ là sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam.

Theo Giám đốc CECR, Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế và vướng mắc đang tồn tại của Luật Tài nguyên nước 2012 và tích hợp một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý và bảo vệ nguồn nước. Những điểm mới trong việc xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi bao gồm đảm bảo an ninh nguồn nước, coi tài nguyên nước là tài sản công và quản trị trên nền tảng công nghệ số, coi sản phẩm nước là hàng hóa và cần phát triển kinh tế nước, góp phần vào việc quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất, toàn diện và phù hợp với thực tiễn.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Nguyễn Phương Tuấn đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hướng quản lý nhu cầu, kinh tế hóa, xã hội hóa, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch; huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, lọc nước biển, xử lý nước thải; xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị chú trọng vào huy động nguồn lực, ngân sách Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biển đổi khí hậu. Đồng thời, cần sử dụng vốn đầu tư công mang tính dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút lan tỏa vốn xã hội, hỗ trợ cho các dự án kém hấp dẫn nhưng có hiệu quả cho các vùng khó khăn nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư; thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư công trình trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước, công trình đảm bảo an sinh xã hội.

T. Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quan-ly-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-nuoc-can-hoan-thien-phap-luat-co-che-chinh-sach-post461515.html