Quản lý thị trường vàng - công việc vẫn còn nhiều bề bộn

Sau một số phiên đấu thầu vàng, một lượng cung vàng miếng SJC đã được bơm thêm vào thị trường nhưng giá vàng vẫn chưa được kiểm soát và chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và các loại vàng khác, cũng như với giá thế giới vẫn còn khá lớn. Trong bối cảnh này, nhiệm vụ đặt ra với việc kiểm soát và ổn định thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Thị trường còn nhiều phức tạp

Kết quả các phiên đấu thầu vàng miếng SJC gần đây cho thấy, lượng vàng được bán ra đang có xu hướng tăng dần, đồng thời số thành viên trúng thầu cũng tăng thêm.

Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng. Trong 5 phiên đầu thì có tới 3 phiên phải hủy thầu, do không đủ thành viên dự thầu và trong 2 phiên trúng thầu thì số lượng vàng được bán ra trong mỗi phiên cũng chỉ đạt khoảng 20% tổng khối lượng vàng đưa ra đấu thầu.

Tuy nhiên, diễn biến đã có nhiều thay đổi trong 2 phiên đấu thầu gần đây. Phiên đấu thầu diễn ra hôm 14/5 đã có 8 thành viên trúng thầu. Khối lượng trúng thầu là 81 lô, tương ứng với 8,1 nghìn lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.

Tiếp tục tổng kết, đánh giá Nghị định 24

Tại cuộc họp với lãnh đạo NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo quy định, tham vấn ý kiến các chuyên gia, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách.

Các thông số về kết quả đấu thầu trong phiên tiếp theo diễn ra hôm 16/5 đều tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khối lượng trúng thầu và số thành viên trúng thầu. Cụ thể, phiên đấu thầu gần đây nhất đã có 11 thành viên đã trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 123 lô, tương đương 12,3 nghìn lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng. Theo đó, phiên đấu thầu ngày 16/5 đã tăng thêm 3 thành viên trúng thầu và khối lượng trúng thầu cũng tăng thêm 4,2 nghìn lượng vàng.

Mặc dù các phiên đấu thầu vàng diễn ra theo chiều hướng thuận lợi dần lên, nhưng giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng SJC vẫn treo khá cao. Sáng ngày 17/5, giá vàng miếng SJC ghi nhận ở mức 87,4 triệu đồng/lượng mua vào và 89,9 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC cùng thời điểm này là 75,1 triệu đồng/lượng mua vào và 76,8 triệu đồng/lượng bán ra. Theo đó, mức chênh lệch vàng miếng và vàng nhẫn ở mức trên 13 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch này đã giãn xa so với thời điểm đầu tháng 4/2024 (trước khi thực hiện các đợt đấu thầu vàng miếng SJC), khi đó khoảng cách giữa 2 loại vàng đã thu ngắn có lúc xuống dưới 10 triệu đồng/lượng.

Tiếp tục cần những giải pháp linh hoạt

Trước diễn biến vẫn còn khá phức tạp của thị trường vàng, Chính phủ, NHNN và các chuyên gia vẫn tiếp tục đặt mối quan tâm với việc tìm các giải pháp hợp lý để đưa thị trường vàng đi vào quỹ đạo.

Tại buổi “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định”, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR, cho biết giải pháp đấu thầu vàng chưa hẳn là đủ để ổn định thị trường vì còn cần nhiều yếu tố khác như minh bạch, ngăn chặn thao túng giá… Ngoài ra, theo ông Việt, chúng ta cũng cần cần nghĩ đến các giải pháp tiền tệ khác, kể cả tăng lãi suất vì thường môi trường lãi suất cao hơn sẽ có thể hạ nhiệt cho cả vàng và tỷ giá.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo NHNN, về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Công điện giao NHNN và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các nghị quyết, công điện, chỉ thị và các văn bản có liên quan.

Về phía NHNN, cơ quan này cho biết, để có thông tin về nhu cầu thực tế mua vàng của người dân, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình thị trường vàng tại địa phương, tại các địa điểm mua, bán vàng và thực hiện báo cáo nếu có tình trạng xếp hàng mua vàng. Vào một số thời điểm, có lúc có hiện tượng người dân tập trung đông người tại trụ sở chính của Công ty SJC.

Do SJC là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn, thuộc quản lý của UBND TP. Hồ Chí Minh, NHNN đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh để bàn về giải pháp bình ổn thị trường vàng có sự tham dự của một số ban ngành có liên quan và Công ty SJC. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo SJC thực hiện ngay nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng.

TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG - ỦY VIÊN ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI: Các sản phẩm đầu tư hiện còn ít

Giá vàng tăng rõ ràng có những yếu tố khách quan từ bên ngoài và cả chủ quan do chính chúng ta.

Về yếu tố bên ngoài, thế giới cả một thời gian dài bất ổn, cộng với chiến tranh khiến cho giá vàng thế giới tăng vọt lên và tác động đến thị trường trong nước.

Điều quan tâm là thế giới tăng nhưng giá vàng Việt Nam thậm chí lại tăng nhiều hơn và khoảng cách càng xa so với thế giới. Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta đã tách biệt thị trường vàng trong nước và thế giới, trong đó có việc Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và gần như không có việc doanh nghiệp nhập khẩu vàng.

Yếu tố nữa là nhãn hiệu vàng được Nhà nước bảo hộ nên người dân an tâm, nó là sản phẩm đầu tư cất trữ bảo toàn giá trị. Trong khi đó, cơ cấu các sản phẩm đầu tư hiện nay là rất ít, gửi tiết kiệm lãi suất rất thấp nên người dân phải tìm chỗ để giữ giá trị đồng tiền.

Vừa qua, để tăng cung, NHNN đã đấu thầu, nhưng càng sau đấu thầu giá càng tăng, cho thấy giải pháp đấu thầu không đạt được mục tiêu, có ý kiến cho rằng đấu thầu vàng đang là tác nhân đẩy giá vàng lên, chứ không phải kéo giá xuống.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỆ QUỐC GIA: Cần đánh giá và phân tích rõ khái niệm "vàng hóa"

Chúng ta đề cập nhiều về các khái niệm vàng hóa, đô la hóa… nhưng thực chất việc này cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng. “Vàng hóa” chỉ có thể xảy ra khi ngân hàng được huy động và cho vay vàng, qua đó việc các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ làm vàng bị “nhân lên” từ đó dẫn đến vàng hóa.

Ví dụ như thời kỳ năm 2009, chúng ta đã từng cho phép các ngân hàng nhận tiền gửi và cho vay vàng và các ngân hàng lợi dụng việc đó để kinh doanh tạo ra bất ổn về cả thanh toán và thương mại. Khái niệm “vàng hóa” khi đó trở thành sự ám ảnh cho đến bây giờ.

Nhìn lại thị trường vàng giai đoạn sau đó, độc quyền vàng bắt đầu có từ năm 2013 nhưng cả một giai đoạn từ năm 2014 đến 2019 thị trường diễn ra khá ổn định, không có sự chênh lệch đáng kể giá vàng trong nước và thế giới. Vấn đề chỉ bắt đầu từ khoảng năm 2020 đến nay khi giá vàng thế giới tăng và giá vàng trong nước tăng nhanh hơn dẫn đến chênh lệch.

Trong bối cảnh này chúng ta cần phải phân tích đánh giá đầy đủ về nhiều yếu tố, bởi từ 2014 đến nay thị trường vẫn chịu cùng một chính sách, nhưng diễn biến thị trường giai đoạn 2014 – 2019 và giai đoạn 2020 – 2024 lại khác hẳn nhau. Đặc biệt, buôn lậu vàng cũng có thể là một yếu tố cần được quan tâm.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-thi-truong-vang-cong-viec-van-con-nhieu-be-bon-151062-151062.html