Quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam: Cần cơ chế như châu Âu

Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam ngày càng phát triển nhưng bộc lộ nhiều lỗ hổng. Vì vậy, siết chặt quản lý thực phẩm chức năng đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, áp dụng mô hình châu Âu để kiểm soát thực phẩm chức năng là hướng đi cần thiết.

Vi phạm bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2022 đến nay, đã có tới 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố. Đây là con số phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường thực phẩm chức năng, nhưng cũng đặt dấu hỏi về chất lượng, hiệu quả và khả năng hậu kiểm thực phẩm chức năng đối với các sản phẩm đã lưu hành.

Trên thực tế, có nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai lệch đang ngày ngày xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, YouTube, các hội nhóm sức khỏe hoặc qua hình thức livestream bán hàng, với sự tham gia của không ít KOL, influencer. Sự thiếu minh bạch trong nội dung quảng bá, cộng với tâm lý tin tưởng “người nổi tiếng nói gì cũng đúng” đã khiến người tiêu dùng dễ bị dẫn dắt, nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng với thuốc điều trị, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.

Điều đáng lo ngại là phần lớn các KOL quảng cáo sai sự thật đều không có kiến thức chuyên môn về y tế, dược phẩm, nhưng lại sẵn sàng đưa ra những phát ngôn như “trị khỏi”, “tăng đề kháng nhanh chóng”, “hiệu quả như thuốc”, vi phạm nghiêm trọng luật quảng cáo thực phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất thường lợi dụng hình ảnh KOL để hợp thức hóa thông tin sai lệch, trốn tránh trách nhiệm nếu có hậu quả xảy ra. Nếu không có chế tài mạnh và cơ chế kiểm duyệt hiệu quả hơn, hiện tượng này sẽ tiếp tục lan rộng, khiến nỗ lực quản lý thực phẩm chức năng của nhà nước trở nên không hiệu quả.

Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, chỉ trong năm 2024 đã xử phạt quảng cáo sai với số tiền hơn 11 tỷ đồng đối với các đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, vì quảng cáo “thổi phồng”, gây hiểu lầm trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, các trường hợp bị phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Con số này chỉ là muối bỏ bể giữa một thị trường hỗn loạn với hàng chục nghìn sản phẩm được lưu hành mỗi năm và vô số nội dung quảng cáo khó kiểm soát. Việc xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe khiến nhiều đơn vị vi phạm sẵn sàng “nộp phạt để tiếp tục quảng cáo”, bất chấp hậu quả đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, công tác hậu kiểm, giám sát nội dung quảng cáo vẫn còn hạn chế, thiếu nhân lực chuyên môn lẫn cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Điều này cho thấy, nếu không có những cải cách về thể chế, mô hình giám sát và chế tài, thì tình trạng này vẫn tồn tại.

Xây dựng một cơ quan đánh giá chất lượng độc lập

Đứng trước thực trạng trên, mới đây Bộ Y tế xây dựng quy chuẩn về quản lý thực phẩm chức năng, tiến tới siết lại hoạt động công bố, quảng cáo và lưu hành sản phẩm. Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định 15/2018/NĐ-CP (sửa đổi) là quản lý quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là trên môi trường số và mạng xã hội.

Theo dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo và các cá nhân có ảnh hưởng (KOL, influencer) thực hiện quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia.

Nhiều người nổi tiếng, bác sỹ quảng cáo cho sữa giả

Nhiều người nổi tiếng, bác sỹ quảng cáo cho sữa giả

Cụ thể, dự thảo cũng bổ sung quy định nghiêm cấm việc sử dụng ý kiến người bệnh (thay vì chỉ cấm "thư cảm ơn" như trước đây) để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, mọi hình thức quảng cáo gây hiểu lầm hoặc phóng đại công dụng thực phẩm như thuốc chữa bệnh đều bị cấm tuyệt đối. Những nội dung này cho thấy nỗ lực đưa quảng cáo thực phẩm chức năng vào khuôn khổ minh bạch, có kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chỉ sửa đổi một vài quy định rời rạc, mà không thiết lập một hệ sinh thái quản lý tương tự mô hình châu Âu, từ đánh giá chất lượng độc lập đến hậu kiểm thì hiệu quả kiểm soát vẫn chỉ mang tính hình thức.

KOL quảng cáo yến chưng giá 15-20 nghìn đồng/lọ.

KOL quảng cáo yến chưng giá 15-20 nghìn đồng/lọ.

Theo Luật sư Bùi Kim Liên (Công ty TNHH Luật Sinh Hùng), việc hướng tới mô hình kiểm soát thực phẩm chức năng như châu Âu là xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong bối cảnh thị trường đang phát triển nhanh nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ. Đây không chỉ là yêu cầu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy ngành sản xuất thực phẩm chức năng trong nước phát triển minh bạch, bền vững và có khả năng hội nhập tiêu chuẩn quốc tế.

“Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập, ban hành danh mục thành phần cùng hàm lượng an toàn theo chuẩn quốc tế, áp dụng cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm hiệu quả, nâng cao chế tài xử phạt và tăng cường tuyên truyền nhận thức cho người tiêu dùng”, luật sư Bùi Kim Liên nói.

Ánh Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/tieu-dung/quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-tai-viet-nam-can-co-che-nhu-chau-au-post1212725.vov