Quản lý, vận hành hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư
Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, giúp người dân tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần đẩy mạnh XDNTM. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vận hành và nâng cao hiệu quả các công trình sau đầu tư đang là bài toàn khó, đòi hỏi sự vào cuộc, linh hoạt, đổi mới của các ngành chức năng, địa phương và đơn vị vận hành.
Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 36 công trình cấp nước tự động và 501 công trình cấp nước tự chảy. Trong đó, chủ yếu là các công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã, liên xã được đầu tư kinh phí xây dựng, lắp đặt và bố trí nhân lực quản lý, vận hành nên hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch.
Để hoàn thành tiêu chí số 18 về Chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, giai đoạn 2022-2025, bên cạnh các công trình cấp nước sinh hoạt hiện có, huyện Triệu Sơn đã tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Đến nay, huyện có đơn vị đầu tư hệ thống công trình cấp nước tập trung song tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung của huyện mới đạt 18.237/57.301 hộ, chiếm 31,83%, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng tại 2 thị trấn là 5.666 hộ/6.848 hộ, đạt 82,74%, tỷ lệ người dân sử dụng tại 32 xã là 12.571 hộ/50.453 hộ, đạt 24,92%. Những con số trên cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn huyện chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Lý giải về điều này, ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Triệu Sơn (Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa), cho biết: "Mặc dù hạ tầng cấp nước trên địa bàn huyện đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, song tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt tập trung chưa cao một phần do thói quen sử dụng nước mưa, nước giếng khoan để sinh hoạt. Một phần do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc sử dụng nước sạch đem lại so với nguồn nước giếng khoan, nước mưa...".
Được biết, Chi nhánh Cấp nước Triệu Sơn được đầu tư xây dựng năm 2012 với công suất 1.200m3/ngày, đêm. Hiện nay, chi nhánh đã và đang đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 7.254 hộ dân 6 xã, gồm: An Nông, Dân Lực, Dân Quyền, Minh Sơn, Vân Sơn và thị trấn Triệu Sơn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng nước phục vụ khách hàng, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa nói chung và Chi nhánh Cấp nước Triệu Sơn nói riêng đã đầu tư lắp đặt công nghệ lắng lọc Lamen giúp nâng cao chất lượng, sản lượng nước; đầu tư nâng công suất nhà máy từ 1.200m3/ngày, đêm lên 3.600m3/ngày đêm. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các phòng hóa nghiệm thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nước thô, nước thành phần để bảo đảm chất lượng nước phục vụ khách hàng.
Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, hiện nay, mặc dù có nhiều nhà máy nước được doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, số lượng hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch ngày càng tăng lên, song tỷ lệ sử dụng của các hộ dân thấp, nguồn thu của nhiều nhà máy không đủ bù chi phí vận hành. Đơn cử, như tại Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc thuộc Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 Thanh Hóa, mặc dù đã hoạt động được 6 năm với lượng khách hàng lên đến 5.000 hộ gia đình, cá nhân thuộc 10 xã, thị trấn của huyện Hậu Lộc. Song hiện nay, doanh thu của nhà máy chỉ đạt khoảng 400 - 500 triệu đồng/tháng. Đây là doanh thu tương đối thấp so với lượng khách hàng và tổng mức đầu tư công trình (khoảng 160 tỷ đồng). Chính vì vậy, bài toán nâng cao sản lượng sử dụng trong Nhân dân luôn được đơn vị đặt song hành cùng bài toán chất lượng nguồn nước. Hay, tại Nhà máy Nước sạch Hoằng Hóa (đóng tại thôn 1 Hồng Thái, xã Hoằng Đồng) có công suất thiết kế 6.500m3/ngày, mạng lưới tuyến ống phủ kín đến 95% các xã trong vùng thiết kế. Sau hơn 3 năm đi vào vận hành, đến nay số lượng khách hàng của nhà máy mới chỉ đạt 5.500 hộ gia đình, cá nhân trên tổng số khoảng 14.000 hộ dân của các xã trong vùng dự án...
Để phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sau đầu tư và góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trong Nhân dân, hằng năm, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ quản lý; xây dựng hệ thống quy chế chặt chẽ về chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch vận hành của nhà máy theo từng lộ trình cụ thể, tránh thất thu và thoát nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích sử dụng nước sạch trong sinh hoạt nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch tại nông thôn, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các công trình và góp phần hoàn thành tiêu chí XDNTM.
Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa cũng có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ quản lý, vận hành các công trình cấp nước tự chảy để có nguồn kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng và quản lý vận hành công trình. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng trên địa bàn các huyện miền núi để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.