Quân nhân Việt Nam tham gia sơ duyệt Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ

Cận cảnh Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia sơ duyệt Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ca khúc 'Vì nhân dân quên mình' vang lên tại Moscow.

Chiều tối 3-5 (giờ địa phương), tức rạng sáng 4-5, tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow của Liên bang Nga đã diễn ra buổi sơ duyệt Lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 - 9-5-2025).

Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Quảng trường Đỏ để tham gia sơ duyệt Lễ duyệt binh. Video: Quốc phòng Việt Nam

Theo ghi nhận của phóng viên Quốc phòng Việt Nam có mặt tại Moscow, tại buổi sơ duyệt, toàn bộ khối đội hình các nước tập kết vào vị trí và đi theo thứ tự do ban tổ chức sắp xếp. Khối đội hình của Quân đội nhân dân Việt Nam đi thứ 8, được ban tổ chức đánh giá là một trong những khối đi đẹp nhất, với các bước đi đều, đẹp, nghiêm trang, hùng dũng.

Trước lễ sơ duyệt, ban tổ chức đã tổ chức buổi hợp luyện tại Quảng trường Đỏ. Mặc dù sân quảng trường không được bằng phẳng như sân tập ở Việt Nam, nhưng khối đã đi tốt, được ban tổ chức đánh giá cao.

Rất đông người Việt Nam tại Nga đã tới cổ vũ, động viên đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam tại sơ duyệt.

Kể từ sau Chiến thắng năm 1945, đã có 34 cuộc duyệt binh lớn được tổ chức, trong đó cuộc duyệt binh đầu tiên diễn ra ngày 24-6-1945, với sự tham gia của 40.000 Hồng quân và gần 2.000 khí tài quân sự. Từ năm 1995, Ngày Chiến thắng 9-5 chính thức được đánh dấu bằng lịch đỏ và trở thành ngày lễ toàn quốc của Liên bang Nga với các hoạt động duyệt binh thường niên.

Lễ duyệt binh quy mô lớn trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 10.000 quân nhân cùng hàng trăm phương tiện, khí tài quân sự hiện đại của Nga. Đây cũng là dịp để các thế hệ người Nga cùng nhau tôn vinh lịch sử, tưởng nhớ, tri ân những hy sinh vì hòa bình và khẳng định tinh thần yêu nước.

Năm nay, ngoài lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ, sự kiện cũng được tổ chức đồng loạt tại 27 địa điểm khác.

Bước chân qua lễ đài của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại sơ duyệt Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Video: Quốc phòng Việt Nam

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định cử 86 quân nhân là những cán bộ, học viên, quân nhân chuyên nghiệp tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, sức khỏe và thể hình thuộc Trường Sĩ quan Lục quân 1 và một số cơ quan, đơn vị, đại diện cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh.

Các quân nhân tham gia duyệt binh có tuổi đời 19 - 30 và chiều cao từ 1,8 m trở lên. Đoàn đã tới Moscow vào ngày 24-4. Những ngày qua, đoàn đã nhanh chóng tập luyện và tham gia hợp luyện, sơ duyệt trong dưới cái lạnh 2 độ C, có lúc dưới tuyết rơi, mưa nặng hạt…

Ca khúc “Vì nhân dân quên mình” vang lên tại Moscow. Video: Quốc phòng Việt Nam

Theo Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko, chiến thắng phát xít trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1945 đã thay đổi một cách căn bản bản đồ thế giới, mở ra trước loài người một trang sử mới, đánh dấu việc sụp đổ của hệ thống thuộc địa thế giới. Trong cuộc chiến tranh đầy gian khổ này, quân dân Liên Xô có đóng góp, hy sinh xương máu vô cùng to lớn, với khoảng 27 triệu người đã ngã xuống, 30 triệu người bị thương, hàng ngàn thành phố, thị trấn và làng mạc bị phá hủy.

Trong chiến thắng vĩ đại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II này có sự đóng góp xương máu của những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam - những người đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng nhân dân Liên Xô trong những năm 1941 - 1945 bảo vệ thủ đô Moscow. Tên tuổi của họ đã được vinh danh muôn đời trên danh sách Bảo tàng tưởng nhớ "Con đường ký ức" nằm tại khu ngoại ô Kubinka (Moscow, Liên bang Nga).

Cô gái Việt tại Nga làm hoa tặng anh bộ đội. Video: Quốc phòng Việt Nam

Một số hình ảnh do phóng viên Quốc phòng Việt Nam ghi nhận tại Moscow:

D.Ngọc - Văn Trường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/video-quan-nhan-viet-nam-tham-gia-so-duyet-le-duyet-binh-tren-quang-truong-do-196250505223520696.htm