Quân sự thế giới hôm nay (14-2): Algeria mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga

Quân sự thế giới hôm nay (14-2) gồm các nội dung sau: Algeria mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga, Đức viện trợ 100 tổ hợp tên lửa IRIS-T cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia liên doanh sản xuất UAV.

Algeria mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga

Algeria đã chính thức xác nhận việc mua mới các tiêm kích tàng hình Su-57 Felon của Nga, đồng thời trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này. Thông tin được công bố trên truyền hình nhà nước Algeria cho biết các phi công nước này đang được huấn luyện tại Nga và lô hàng Su-57 đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay.

 Tiêm kích tàng hình Su-57 cất cánh. Ảnh: Army Recognition

Tiêm kích tàng hình Su-57 cất cánh. Ảnh: Army Recognition

Thỏa thuận này không gây bất ngờ khi Nga từ lâu đã là đối tác cung cấp vũ khí chủ chốt của Algeria. Không quân nước này hiện sở hữu nhiều khí tài quân sự do Nga sản xuất, bao gồm các tiêm kích Su-30MKA, MiG-29 và hệ thống phòng không S-300. Việc bổ sung Su-57 sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của Không quân Algeria, củng cố vị thế của nước này là một trong những nước có lực lượng không quân mạnh nhất châu Phi.

Su-57 được thiết kế để cạnh tranh với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 khác như F-35 Lightning II của Mỹ và J-20 của Trung Quốc. Máy bay này nổi bật nhờ khả năng tàng hình, siêu cơ động và hệ thống điện tử hàng không hiện đại.

Dù chi tiết hợp đồng giữa Algeria và Nga không được tiết lộ, các nguồn tin cho biết phiên bản xuất khẩu của Su-57 có giá "rẻ hơn đáng kể" so với các đối thủ phương Tây, đặc biệt là F-35. Đây là một phần trong chiến lược hiện đại hóa quân đội của Algeria, nhằm duy trì ưu thế trên không và nâng cao năng lực phòng thủ. Các tiêm kích Su-57 đầu tiên của Algeria dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trước cuối năm 2026.

Su-57 là dòng máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga do tập đoàn Sukhoi phát triển. Máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010 và được chính thức đưa vào biên chế trong Không quân Nga từ năm 2020. Với giá khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc, Su-57 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, trinh sát đến tác chiến tấn công chiến lược.

Máy bay được trang bị công nghệ tàng hình, radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Sh121, giúp phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.

Su-57 sử dụng hai động cơ phản lực Saturn AL-41 với lực đẩy 149kN mỗi chiếc, cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 2,45 (khoảng 2.600km/giờ) và tầm bay 1.800km mà không cần tiếp nhiên liệu. Phiên bản nâng cấp trong tương lai dự kiến sẽ được trang bị động cơ Izdeliye 30 mạnh hơn.

Để giảm tiết diện phản xạ radar, vũ khí của Su-57 chủ yếu được bố trí bên trong thân máy bay. Máy bay trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm và hai khoang vũ khí chính giữa thân, có thể mang các loại tên lửa đối không. Ngoài ra, Su-57 còn có 6 giá treo vũ khí dưới cánh, cho phép mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, giúp nó trở thành nền tảng tác chiến đa nhiệm quan trọng.

Việc Algeria mua Su-57 đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa không quân nước này, đồng thời củng cố thêm quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga – quốc gia hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Algeria.

Đức viện trợ 100 tổ hợp tên lửa IRIS-T cho Ukraine

Chính phủ Đức sẽ viện trợ khoảng 100 tổ hợp tên lửa dẫn đường IRIS-T cho Ukraine, theo thông báo từ Phái đoàn Đức tại NATO trên nền tảng mạng xã hội X.

IRIS-T là tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại được sản xuất bởi công ty quốc phòng Diehl Defense của Đức. Một tổ hợp IRIS-T bao gồm trung tâm điều khiển, radar và hệ thống phóng tên lửa, được thiết kế để tấn công tiêu diệt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái. Trong đó, bệ phóng được lắp đặt trên khung gầm xe bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (BvS10) mang theo 4 hoặc 8 ống phóng tên lửa thẳng đứng. Đạn tên lửa IRIS-T có trọng lượng 87,4kg; chiều dài 2,936m; đường kính thân 127mm. IRIS-T có khả năng tấn công mục tiêu ở cách xa 25km.

Tên lửa dẫn đường IRIS-T phiên bản SLM trên xe phóng MAN. Ảnh: Euromaidanpress

Tên lửa dẫn đường IRIS-T phiên bản SLM trên xe phóng MAN. Ảnh: Euromaidanpress

Thông báo về gói viện trợ mới được đưa ra sau cuộc họp lần thứ 26 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, với sự tham gia của hơn 50 quốc gia. Trước đó, tại cuộc họp của nhóm ngày 9-1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã cam kết cung cấp 50 tổ hợp tên lửa IRIS-T cho Ukraine. Đến ngày 14-1, trong chuyến thăm Kyiv, ông tiếp tục tuyên bố sẽ bổ sung thêm 60 tổ hợp tên lửa. Như vậy, Đức sẽ chuyển giao cho Ukraine tổng số là 110 tổ hợp tên lửa IRIS-T. Hiện chưa rõ số tên lửa này thuộc phiên bản SLM hay SLS, vốn có sự khác biệt về khung gầm, tầm bắn và loại đạn sử dụng.

Bên cạnh viện trợ tên lửa, Đức cũng đang hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine để phát triển máy bay không người lái và bảo trì xe chiến đấu bộ binh cùng xe tăng chiến đấu chủ lực. Theo Phái đoàn Đức tại NATO, những dự án này không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi công nghệ giữa hai bên.

Trước đó, Đức đã bàn giao tổ hợp phòng không IRIS-T thứ 6 cho Ukraine, theo xác nhận của Thủ tướng Olaf Scholz tại cuộc họp báo Hội đồng châu Âu ở Brussels (Bỉ) vào tháng 12-2023.

Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia liên doanh sản xuất UAV

Theo thông tin do tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 12-2, Baykar, tập đoàn sản xuất máy bay không người lái (UAV) hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đã ký thỏa thuận liên doanh với công ty quốc phòng Republikorp của Indonesia để thành lập một nhà máy sản xuất UAV hiện đại tại Indonesia. Thỏa thuận này được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Indonesia, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

 UAV Bayraktar TB3 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được sản xuất tại Indonesia. Ảnh: Army Recognition

UAV Bayraktar TB3 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được sản xuất tại Indonesia. Ảnh: Army Recognition

Liên doanh này là một phần trong nỗ lực nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng và công nghệ của Indonesia. Theo thỏa thuận, hai mẫu UAV tiên tiến nhất của Baykar là Bayraktar TB3 và Akıncı sẽ được sản xuất tại Indonesia, đảm bảo chuyển giao công nghệ và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Thỏa thuận liên doanh sản xuất UAV nằm trong số nhiều văn kiện hợp tác được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Erdogan đến Indonesia, thể hiện cam kết tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Những năm gần đây, Indonesia ngày càng quan tâm đến các sản phẩm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2023, chính phủ Indonesia đã mua 12 UAV của Thổ Nhĩ Kỳ với tổng giá trị khoảng 300 triệu USD nhằm phục vụ chương trình hiện đại hóa quân đội.

Bayraktar TB3 là một UAV chiến đấu hiện đại do Baykar phát triển, được thiết kế để phục vụ các hoạt động tác chiến trên biển. Đây là dòng UAV có cánh gập, cho phép nó hoạt động trên các tàu sân bay hạng nhẹ hoặc tàu đổ bộ. Đây là tính năng đặc biệt phù hợp với Indonesia, một quốc đảo có nhu cầu cao về bảo vệ an ninh hàng hải.

Bayraktar TB3 có khả năng mang tải trọng lên đến 280kg, bao gồm vũ khí thông minh và thiết bị trinh sát. Với thời gian hoạt động liên tục lên tới 24 giờ và hệ thống liên lạc vệ tinh, UAV này có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa, thu thập thông tin về mục tiêu và tấn công chính xác. Đáng chú ý, Bayraktar TB3 gần đây đã lập kỷ lục khi trở thành UAV chiến đấu đầu tiên cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu sân bay hạng nhẹ, mở ra tiềm năng lớn cho các hoạt động tác chiến hải quân.

Việc thành lập nhà máy sản xuất UAV tại Indonesia mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai quốc gia. Đối với Indonesia, đây là cơ hội tiếp cận công nghệ UAV tiên tiến, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài, và nâng cao năng lực tự chủ quốc phòng. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận này giúp củng cố vị thế là một trong những nhà xuất khẩu UAV hàng đầu thế giới và mở rộng ảnh hưởng tại thị trường quốc phòng Đông Nam Á.

Khi Indonesia tiếp tục hiện đại hóa quân đội, các mối quan hệ hợp tác như thế này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực quốc phòng. Liên doanh giữa Baykar và Republikorp không chỉ là một thỏa thuận thương mại, mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới việc nâng cao tự chủ quốc phòng của Indonesia và tăng cường quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-14-2-algeria-mua-tiem-kich-tang-hinh-su-57-cua-nga-815614