Quân sự thế giới hôm nay (15-5): Ấn Độ muốn mua thêm hệ thống S-400
Quân sự thế giới hôm nay (15-5) có những nội dung sau: UAE triển khai hệ thống tên lửa phòng không M-SAM-II của Hàn Quốc; Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm UCAV phóng vũ khí dẫn đường từ tàu tấn công đổ bộ Anadolu; Ấn Độ muốn mua thêm hệ thống phòng không S-400 của Nga.
* UAE triển khai hệ thống tên lửa phòng không M-SAM-II của Hàn Quốc
Mới đây, UAE đã chính thức giới thiệu hệ thống tên lửa phòng không M-SAM-II của Hàn Quốc, hay còn gọi là Cheongung Block-II, đánh dấu lần xuất hiện công khai đầu tiên của hệ thống này tại Trung Đông.

M-SAM-II là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới, được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa đạn đạo trong giai đoạn cuối của quỹ đạo bay. Ảnh: X
Được tích hợp cùng các hệ thống phòng thủ THAAD và PAC-3 do Mỹ sản xuất, M-SAM-II trở thành một phần trong chiến lược phòng không và phòng thủ tên lửa đa tầng của UAE, nhằm đối phó với các mối đe dọa trong khu vực như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV).
Việc triển khai hệ thống M-SAM-II tại quốc gia Trung Đông này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc, đồng thời phản ánh xu hướng lớn hơn của các quốc gia vùng Vịnh trong việc đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng.
M-SAM-II là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới, có khả năng đánh chặn các mối đe dọa đạn đạo trong giai đoạn cuối của quỹ đạo bay. Hệ thống có tầm bắn 20-50km, độ cao 15-40km tùy loại mục tiêu và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Thành phần công nghệ then chốt nhất của hệ thống là radar đa năng sử dụng công nghệ quét điện tử chủ động (AESA), được trang bị các linh kiện bán dẫn công suất cao. Hệ thống radar này còn được hỗ trợ giải pháp làm mát, giúp đảm bảo ổn định nhiệt, vận hành ở tần suất cao và liên tục trong điều kiện khí hậu nóng của Trung Đông. Những cải tiến này giúp tăng cường công suất phát của radar và độ chính xác khi theo dõi mục tiêu, đảm bảo khả năng đánh chặn hiệu quả ngay cả khi đối mặt với nhiều tên lửa tấn công.
* Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm UCAV phóng vũ khí dẫn đường từ tàu đổ bộ tấn công
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã ghi nhận một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực hàng không hải quân khi các nguyên mẫu máy bay không người lái tấn công (UCAV) Bayraktar TB3 thực hiện thành công phóng vũ khí dẫn đường MAM-L sau khi cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công TCG Anadolu.
Thành tựu này không chỉ thể hiện năng lực tự chủ ngày càng cao của Thổ Nhĩ Kỳ trong công nghệ quốc phòng, mà còn đánh dấu bước tiến mang tính đột phá trong việc tích hợp UAV vào hoạt động tác chiến trên tàu sân bay, một khả năng hiện mới chỉ có ở một số ít cường quốc quân sự trên thế giới.

UCAV Bayraktar TB3 cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công TCG Anadolu để thử nghiệm phóng vũ khí dẫn đường MAM-L, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong khả năng sử dụng máy bay không người lái của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Video của Baykar
Việc phóng thành công vũ khí dẫn đường chính xác MAM-L từ UCAV Bayraktar TB3 đánh dấu sự trưởng thành về mặt vận hành của khái niệm “tàu sân bay không người lái” do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Được thiết kế bởi Baykar Technologies, Bayraktar TB3 là dòng UCAV cánh cố định đa năng, được tối ưu hóa cho các hoạt động cất - hạ cánh trên đường băng ngắn (STOL) trên tàu sân bay và tàu đổ bộ. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa khả năng cơ động, tấn công chính xác và thời gian hoạt động lâu dài, tạo nên nền tảng lý tưởng cho việc triển khai sức mạnh hải quân từ xa.
Bayraktar TB3 được thiết kế với cánh gập, một yếu tố thiết kế then chốt cho phép nó hoạt động trên các boong tàu có diện tích hạn chế như TCG Anadolu. Nền tảng không người lái này sử dụng động cơ TEI-PD170, một hệ thống tăng áp diesel nội địa, cho phép máy bay hoạt động hiệu quả ở độ cao lớn và thời gian bay kéo dài. UCAV này cũng được tích hợp hệ thống cảm biến CATS, cung cấp khả năng giám sát và xác định mục tiêu ngay cả trong môi trường không có GPS.
MAM-L là vũ khí dẫn đường bằng laser, có trọng lượng khoảng 22kg. Vũ khí này được thiết kế chuyên biệt cho UAV, với khả năng tiêu diệt chính xác cả mục tiêu bọc thép, rất phù hợp cho các nhiệm vụ tấn công trên biển.
* Ấn Độ muốn mua thêm hệ thống S-400 của Nga
Trang Bulgarian Military đưa tin, Ấn Độ đã chính thức yêu cầu mua thêm các hệ thống phòng không S-400 của Nga, sau khi hệ thống này đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Pakistan gần đây.
S-400 Triumf là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển. Được thiết kế để đối phó với nhiều loại mối đe dọa từ trên không, S-400 tích hợp nhiều thành phần nhằm phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa các mục tiêu.

Ấn Độ muốn mua thêm hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Trung tâm của hệ thống là radar mảng pha 91N6E Big Bird có khả năng phát hiện tới 300 mục tiêu trong phạm vi 600km. Radar này truyền dữ liệu đến xe chỉ huy 55K6E, nơi điều phối việc tác chiến thông qua radar điều khiển hỏa lực 92N6E Grave Stone. Các bệ phóng của hệ thống, thường là loại 5P85TE2, có thể triển khai nhiều loại tên lửa khác nhau để đối phó với các mối đe dọa đa dạng.
S-400 tương thích với nhiều loại tên lửa như tên lửa tầm xa 40N6E, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 400km và độ cao lên đến 185km, rất hiệu quả trong việc đánh chặn máy bay bay cao hoặc tên lửa đạn đạo; tên lửa 48N6E3 với tầm bắn 250km được thiết kế để tiêu diệt máy bay và tên lửa hành trình; tên lửa 9M96E và 9M96E2 có tầm bắn lần lượt 120km và 40km, phù hợp để đánh chặn các mục tiêu bay thấp và linh hoạt như UAV. Mỗi bệ phóng mang được tối đa 4 tên lửa và một tổ hợp S-400 có thể đồng thời tác chiến với 36 mục tiêu.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.