Quân sự thế giới hôm nay (17-7-2024): Nga tiếp nhận tiêm kích MiG-31BM

Quân sự thế giới hôm nay (17-7-2024) có những nội dung sau: Nga tiếp nhận tiêm kích MiG-31BM, Cộng hòa Czech bàn giao súng chống tăng RPG-75M cho Ukraine, Australia đặt mua xe bọc thép Bushmaster.

* Nga tiếp nhận tiêm kích MiG-31BM

Không quân Nga vừa chính thức tiếp nhận lô tiêm kích MiG-31BM nâng cấp đầu tiên trong năm 2024. Theo thông báo của Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC), hôm 15-7, lô tiêm kích MiG-31BM đã được vận chuyển từ nhà máy sản xuất máy bay Sokol ở thành phố Nizhny Novgorod đến các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga.

Tiêm kích MiG-31BM của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga. Ảnh: United Aircraft Corporation

Tiêm kích MiG-31BM của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga. Ảnh: United Aircraft Corporation

Thông báo cũng cho biết, các máy bay này đã trải qua quá trình kiểm tra, thử nghiệm cả ở dưới mặt đất và trên không, đạt mọi yêu cầu đề ra. Mẫu tiêm kích MiG-31BM có khả năng tác chiến linh hoạt, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong môi trường tác chiến hiện đại.

MiG-31BM là phiên bản nâng cấp của MiG-31, dòng máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh. MiG-31BM được nâng cấp hệ thống điều khiển vũ khí, hệ thống radar, và hệ thống trao đổi dữ liệu theo tiêu chuẩn quân sự MIL-STD-1553B và MIL-STD-1760. Các cải tiến bổ sung bao gồm cập nhật thiết bị chỉ báo trong cabin, đồng thời lắp đặt một thiết bị đầu cuối mới để thuận tiện hơn trong trao đổi các thông tin chiến thuật.

Nâng cấp đáng giá nhất của MiG-31BM là việc tích hợp hệ thống điều khiển vũ khí RP-31MA Zaslon-AM với radar 8BM, và trang bị máy tính kỹ thuật số tích hợp Baget-55-06 mới, thay thế cho Argon-15A cũ hơn. Hệ thống này giúp tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu. Cụ thể, một mục tiêu có diện tích bề mặt phản xạ 3m2 có thể được phát hiện ở khoảng cách 320km và theo dõi tự động ở khoảng cách 280km. Hệ thống này có khả năng theo dõi đồng thời 24 mục tiêu và tấn công cùng lúc 6 mục tiêu trong số đó bằng tên lửa, một bước tiến bộ lớn so với con số lần lượt 10 và 4 mục tiêu của phiên bản trước. Các mục tiêu có vùng phản xạ radar nhỏ hơn và tốc độ di chuyển cao hơn, như mục tiêu di chuyển với tốc độ 1.000m/s, có thể được phát hiện ở khoảng cách 135km.

Về vũ khí, mẫu tiêm kích MiG-31BM được trang bị tên lửa tầm xa R-37M, có tầm đánh chặn mục tiêu đang di chuyển lên tới 230km. Với chiều dài khoảng 22,69m, sải cánh 13,46m và chiều cao 6,15m, MiG-31BM là biến thể nâng cấp của máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound dưới thời Liên Xô, được phát triển để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau ngoài nhiệm vụ đánh chặn ban đầu. MiG-31 được đưa vào sử dụng cuối những năm 1970 để thay thế mẫu MiG-25 Foxbat, với tổng cộng hơn 500 chiếc được sản xuất trước khi tạm dừng vào những năm 1990. Chương trình hiện đại hóa MiG-31BM bắt đầu vào những năm 2000, với mục tiêu kéo dài thời gian phục vụ của dòng máy bay tiêm kích này và cải thiện khả năng tác chiến của nó trong tác chiến trên không hiện đại.

* Cộng hòa Czech đã bàn giao hơn 30.000 súng chống tăng RPG-75M cho Ukraine

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, Cộng hòa (CH) Czech đã cung cấp cho Ukraine hơn 30.000 khẩu súng chống tăng RPG-75M. Radoslav Moravec, Giám đốc điều hành của công ty ZEVETA Bojkovice, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nổi tiếng có trụ sở tại CH Czech, đã xác nhận thông tin trên.

 Quân đội Ukraine thao tác bảo quản súng chống tăng RPG-75M. Ảnh: Army Recognition

Quân đội Ukraine thao tác bảo quản súng chống tăng RPG-75M. Ảnh: Army Recognition

RPG-75M là bản nâng cấp của RPG-75, được thiết kế để mang lại hiệu suất vượt trội trong tác chiến chống tăng. Loại vũ khí vác vai này có hiệu suất cao khi chống lại xe bọc thép, công sự và các mục tiêu khác. RPG-75M đã được nâng cấp độ chính xác, khả năng xuyên phá và các cơ chế an toàn, được đánh giá một thứ vũ khí đáng gờm trên chiến trường.

Với khả năng cơ động và dễ thao tác, súng chống tăng RPG-75M đã trở thành một trong những loại vũ khí quan trọng trong tác chiến hiện đại. Một người lính có thể dễ dàng vác súng trên vai trong quá trình hành quân, và triển khai chiến đấu ngay lập tức mà không tốn quá nhiều công sức. Trong điều kiện phức tạp và thường xuyên thay đổi nhanh chóng của chiến trường hiện đại, tính cơ động là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, việc sử dụng súng chống tăng RPG-75M trên chiến trường giúp người lính thích ứng với nhiều tình huống chiến đấu khác nhau, cho dù họ đang chiến đấu trong đô thị, rừng rậm hay ở khu vực trống trải.

* Australia đặt mua thêm xe bọc thép Bushmaster

Australia vừa ký hợp đồng đặt hàng tập đoàn Thales (Pháp) sản xuất 15 chiếc xe bọc thép chở quân Bushmaster cho quân đội nước này. Hợp đồng có chi phí vào khoảng 45 triệu đô la Australia (tương đương 30,3 triệu đô la Mỹ).

Xe bọc thép chở quân Bushmaster trong đội hình Trung đoàn thiết giáp số 1, Lục quân Australia. Ảnh: the Defense Post

Xe bọc thép chở quân Bushmaster trong đội hình Trung đoàn thiết giáp số 1, Lục quân Australia. Ảnh: the Defense Post

Đội xe bọc thép Bushmaster sẽ được sáp nhập vào Trung đoàn Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) để giúp tăng cường khả năng tấn công tầm xa của Lục quân Australia.

Công việc sản xuất xe bọc thép Bushmaster sẽ được thực hiện bởi chi nhánh của Tập đoàn Thales tại Bendigo, Australia. Quá trình này được cho là sẽ tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội về chuỗi cung ứng ở tiểu bang Victoria.

Trước đó, chính quyền Canberra đã đầu tư hơn 200 triệu đô la Australia vào thành phố Bendigo để phục vụ cho quá trình sản xuất khoảng 90 chiếc xe bọc thép Bushmaster trong nước.

Xe bọc thép Bushmaster của Lục quân Australia có trọng lượng 13,7 tấn và có khả năng chở tới 10 binh sĩ. Xe được trang bị động cơ diesel Caterpillar 3126E, cho phép đạt tốc độ tối đa trên 100km/giờ và có tầm hoạt động lên đến 800km. Xe bọc thép Bushmaster có thể được trang bị giáp tiêu chuẩn NATO với nhiều cấp độ khác nhau, tháp pháo mở hoặc điều khiển từ xa, súng máy hạng nặng và súng phóng lựu tự động, đáp ứng các nhu cầu đa dạng trên chiến trường.

Hợp đồng mua xe bọc thép Bushmaster được đưa ra sau khi Australia chi 1 tỷ USD để mua 22 hệ thống HIMARS từ Mỹ vào tháng 8-2023.

TRUNG THÀNH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-17-7-2024-nga-tiep-nhan-tiem-kich-mig-31bm-785676