Quân sự thế giới hôm nay (2-8): Hệ thống tên lửa IRIS-T đầu tiên bị UAV Lancet-3 tiêu diệt
Quân sự thế giới hôm nay (2-8) có những nội dung chính sau: UAV Lancet-3 của Nga tiêu diệt hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T đầu tiên của Ukraine; Lockheed Martin nâng công suất vũ khí laser lên 500kW; trực thăng Mi-17V5 của Không quân Ấn Độ giải cứu trực thăng dân sự.
* UAV Lancet-3 của Nga tiêu diệt hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T đầu tiên của Ukraine
Army Recognition dẫn nguồn video clip xuất hiện ngày 1-8 trên tài khoản Twitter có tên “Ukraine Weapons Tracker” (Theo dõi vũ khí Ukraine), lực lượng quân sự Nga đã tiêu diệt hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T đầu tiên của Ukraine bằng UAV cảm tử (đạn tuần kích) Lancet-3. Trước đó, thông tin từ Bộ Quốc phòng Đức cho biết quân đội Ukraine đã nhận được 2 tổ hợp tên lửa IRIS-T và radar giám sát đường không TRML-4D.
Hệ thống tên lửa IRIS-T có khả năng cơ động và độ chính xác cao, là vũ khí hiệu quả đánh chặn nhiều mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, trực thăng và thiết bị bay không người lái (UAV). Tên lửa được dẫn đường bằng đầu dò hồng ngoại thụ động, giúp nâng cao khả năng “sống sót” trước các biện pháp tác chiến điện tử của đối phương so với các hệ thống tên lửa khác dẫn đường bằng radar. Tên lửa IRIS-T có tầm bắn lên tới 25km và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao lên tới khoảng 6.000m.
Các hệ thống phòng không do phương Tây viện trợ thường sở hữu công nghệ tiên tiến cho phép phát hiện và vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa từ trên không, có thể trở thành những trở ngại lớn đối với lực lượng Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các loại đạn có khả năng tàng hình, quân đội Nga có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng không này.
UAV Lancet-3 có tổng trọng lượng cất cánh là 12kg, mang theo đầu đạn nặng 3kg, được trang bị hệ thống dẫn đường quang-điện tử và dẫn đường bằng hình ảnh, cho phép người sử dụng kiểm soát Lancet-3 ở giai đoạn bay cuối trước khi tấn công mục tiêu. UAV Lancet-3 có thể mang theo đầu đạn nổ mạnh (HE) hoặc đầu đạn văng mảnh và có tầm hoạt động tối đa 40km.
* Lockheed Martin tăng công suất vũ khí laser lên 500kW
Ngày 1-8, The Defense Post đưa tin Lockheed Martin thông báo công ty hiện đang trong quá tình nâng cấp vũ khí laser lên mức công suất mới: 500kW. Năm ngoái, Lockheed Martin đã chuyển giao vũ khí tia laser công suất 300kW cho Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện đang nâng cấp vũ khí này theo Sáng kiến mở rộng quy mô laser năng lượng cao (HELSI).
Theo đó, HELSI sẽ tập trung vào các nội dung: Tăng công suất, hiệu quả và kích thước của tia laser, đồng thời cải thiện chất lượng chùm tia. Việc nâng cấp vũ khí năng lượng định hướng cũng sẽ làm giảm rủi ro liên quan đến việc triển khai công nghệ sử dụng cho mục đích quân sự trong tương lai.
Ông Rick Cordaro, Phó chủ tịch Lockheed Martin, cho biết : “Vũ khí laser được nâng công suất lên 500kW từ sự kết hợp của những thành quả đã đạt được từ hệ thống công suất 300kW và những bài học rút ra từ các chương trình kế thừa nhằm củng cố năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa từ trên không”.
Công nghệ laser sẽ được sử dụng trong quân sự để phòng chống các mối đe dọa trên không như máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và tên lửa không đối không.
* Trực thăng quân sự Mi-17V5 giải cứu trực thăng dân sự
Không quân Ấn Độ đã thực hiện một chiến dịch giải cứu phức tạp ở đền thờ Amarnath (thờ thần Shiva) thuộc khu vực Kashmir có độ cao hơn 3.500m so với mực nước biển. Cụ thể, một máy bay trực thăng Mi-17V5 đã vận chuyển thành công máy bay trực thăng dân sự Eurocopter AS350 bị hỏng và mắc kẹt ở sân bay trực thăng Panchtarni, di chuyển qua thung lũng gần đó đến sân bay trực thăng Neelgrar.
Sai số được phép của chiến dịch này là rất nhỏ do chiếc trực thăng Eurocopter AS350 được giải cứu có trọng lượng khá lớn. Không quân Ấn Độ cho biết phi hành đoàn Mi-17V5 đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch với sự chuẩn bị rất hệ thống và kỹ năng xử lý đặc biệt trong khi bay.
Sân bay trực thăng Panchtarni hiện đã được mở cửa đón khách hành hương trở lại sau khi bị phong tỏa do chiếc trực thăng bị hỏng. Hằng năm, cuộc hành hương của người Hindu về đền thờ Amarnath kéo dài 62 ngày. Năm nay, cuộc hành hương bắt đầu từ ngày 1-7 và sẽ kết thúc vào ngày 31-8. Năm 2019, Không quân Ấn Độ cũng đã thực hiện một chiến dịch tương tự, giải cứu một chiếc trực thăng tư nhân bị rơi sau khi cất cánh từ sân bay trực thăng Kedarnath.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)